Khi ông Nguyễn Đức Kiên, Chủ tịch Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội ACB đứng lên phát biểu một cách đầy bức xúc tại lễ tổng kết mùa giải V-League cách đây gần một tháng, nhiều người vẫn còn coi đó là những phát biểu bột phát, chẳng đi đến đâu, và không phải không có những băn khoăn cho “tiền đồ bóng đá” của ông bầu giàu có và đầy đam mê này.
Nhưng, khi đại diện 28 đội bóng dự giải hạng Nhất và V-League 2012 cùng “nhất trí” với bản đề án thành lập Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), được đề xuất bởi chính ông Nguyễn Đức Kiên cùng đại diện của 5 câu lạc bộ khác, rồi sau đó được Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) nhanh chóng thông qua tại hội nghị giữa các bên hôm 29/9, thì bức tranh toàn cảnh về giải V-League nói riêng, và về bóng đá Việt Nam nói chung, đã chính thức thay đổi.
Bóng đá trong một nền kinh tế thị trường đương nhiên cũng là một ngành kinh tế, vì tự thân nó là một sản phẩm phục vụ cho nhu cầu của nhiều người, và nó có thể mang lại doanh thu, lợi nhuận.
Sau 10 năm áp dụng mô hình chuyên nghiệp, bóng đá Việt Nam đã kịp định hình cho mình cái tính chất “ngành kinh tế” ấy nếu căn cứ trên hai phương diện.
Thứ nhất, cho đến nay, hầu hết các câu lạc bộ đã và đang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, hoặc được bảo trợ bởi các doanh nghiệp mà trên thực tế, hoàn toàn có thể coi đó là những khoản đầu tư.
Thứ hai, trên thực tế nhiều câu lạc bộ đã và đang có nguồn thu rất “đàng hoàng” từ hoạt động của mình, từ tiền bán vé, chuyển nhượng cầu thủ, quảng cáo…
Điều đó cho thấy, nếu nhìn từ góc độ kinh tế, không nên ngạc nhiên khi bản đề án thành lập VPF được hình thành, cho dù trên thực tế, đây dường như là hệ quả của hàng loạt bức xúc mà các câu lạc bộ đang phải hứng chịu lâu nay.
Trên phương diện kinh tế, có thể thấy các câu lạc bộ lâu nay giống như các doanh nghiệp và VFF giống như một “cơ quan chủ quản”. Việc thành lập VPF có thể được ví như việc thành lập một “hiệp hội” để đối trọng với “cơ quan chủ quản” đó, và về lý thuyết thì điều này sẽ tốt cho tổng thể.
Thực tế đã chứng minh, ở nhiều nền bóng đá phát triển, mô hình công ty cổ phần điều hành giải vô địch quốc gia đã được thực hiện thành công. Từ nguyện vọng và nhu cầu của các câu lạc bộ bóng đá Việt Nam, từ thực tiễn phát triển của nền bóng đá thế giới, VPF quả là lựa chọn phù hợp trong thời điểm này.
Trong nhiều lĩnh vực kinh tế khác, lợi ích là vấn đề then chốt và không loại trừ việc trong làng bóng đá cũng đang có những “nhóm lợi ích” khác nhau. Chính vì vậy, điều đáng ngạc nhiên không phải là sự ra đời của VPF mà chính là… sự chấp thuận nó của VFF. Ngạc nhiên khi mà chính Chủ tịch VFF, ông Nguyễn Trọng Hỷ đã đánh giá cao đề án này và cho biết bản thân ông có thể quyết định và chịu trách nhiệm về vấn đề này.
“Đôi khi có những cơ hội lịch sử xuất hiện, phải nắm bắt ngay không để nó trôi qua được. Nhiệm kỳ 6 của VFF sắp kết thúc, nếu đề án này thành công sẽ giúp các nhiệm kỳ sau hoạt động dễ hơn”, ông Hỷ nói.
Còn đó hàng núi công việc để những người tâm huyết với VPF phải giải quyết trước khi mùa giải mới bắt đầu. Không có cuộc đại phẫu nào là không có khó khăn!
Nhưng, câu hỏi ở thời điểm này là bức tranh giải V-League sẽ ra sao trong thời gian tới và trên phương diện kinh tế, ai sẽ là người có lợi nhất? Câu trả lời chắc chắn nằm ở chất lượng giải đấu được điều hành theo mô hình mới và thị trường (khán giả) sẽ tiếp nhận nó như thế nào.
Một trong những lý do khiến “thị trường” chưa thật mặn mà với bóng đá Việt Nam chính là những lình xình xung quanh các giải đấu, tức là “sản phẩm” thường xuyên “kém chất lượng”, thậm chí là “hàng giả”. Nếu V-League thật sự trong sạch và lành mạnh, không có lý do gì không chinh phục được “thị trường”.
Nhiều dịch vụ “ăn theo” bóng đá chắc chắn sẽ được hưởng lợi từ một nền bóng đá như vậy, và có thể thấy những động thái đón đầu sự phát triển của V-League, như câu chuyện mua bản quyền giải đấu này tới 20 năm của công ty AVG, quả là nhìn xa trông rộng hơn cả!