Kinh tế Đà Nẵng “hậu khủng hoảng”

Kinh tế phục hồi

Theo số liệu thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố, tính đến cuối tháng 8-2009, trên địa bàn Đà Nẵng có 11.109 DN đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp. Theo đó, DN đã đóng vai trò quyết định đến tăng trưởng và phát triển bền vững của nền kinh tế thành phố thông qua huy động các nguồn vốn và sức mạnh của xã hội phục vụ SXKD, đóng góp quan trọng vào chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng CNH-HĐH, tạo ra việc làm mới, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp, đóng góp cho ngân sách Nhà nước, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội…


Phát triển nguồn nhân lực có tay nghề cao bảo đảm cho phát triển lâu dài là việc cần làm ngay đối với DN thời kỳ sau khủng hoảng.

Trong tổng số DN đang hoạt động, DN Nhà nước chiếm 7,30%, DN ngoài Nhà nước chiếm 90,18%, DN có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 2,52%. Qua đó cho thấy, thành phần chủ yếu của DN trên địa bàn thành phố là DN dân doanh, trong đó có 64,59% là loại hình công ty TNHH; 17,52% là công ty CP; 17,88% là DN tư nhân; còn 0,01% thuộc các loại hình khác, đa phần là DN nhỏ và vừa. Hiện có khoảng 56,33% DN có vốn kinh doanh dưới 1 tỷ đồng; 38,32% có vốn kinh doanh từ 1 đến dưới 10 tỷ đồng; 4,02% có vốn kinh doanh từ 10 đến dưới 50 tỷ đồng; 0,54% từ 50 đến dưới 100 tỷ đồng; 0,73% từ 100 đến dưới 1.000 tỷ đồng; và chỉ 0,06% có vốn kinh doanh từ 1.000 tỷ đồng trở lên.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 6 KCN với tổng diện tích trên 1.666 ha, trong đó diện tích dành cho thuê 614 ha. Các KCN đã tiếp nhận gần 300 dự án, trong đó có 214 dự án đã đi vào hoạt  động (gồm 57 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài - FDI và 157 dự án đầu tư  trong nước). Các KCN đã góp phần giải quyết việc làm cho 50.611 lao  động, trong đó hơn 40% lao động ngoại tỉnh. Theo đó, doanh thu mỗi năm của các DN có vốn đầu tư  nước ngoài đạt trên 82 triệu USD, nộp ngân sách 3 triệu USD. Doanh thu của các  dự án đầu tư trong nước đạt 3.722 tỷ đồng, nộp ngân sách 131 tỷ đồng.

Nhìn chung, tình hình KT-XH trên địa bàn thành phố qua 9 tháng đầu năm 2009 đã có dấu hiệu hồi phục. Giá trị SX công nghiệp ước đạt 8.234,5 tỷ đồng, bằng 72,9% kế hoạch, tăng 5,9% so với cùng kỳ; giá trị SX thủy sản-nông-lâm ước đạt 566 tỷ đồng, bằng 88,4% kế hoạch, tăng 4%; giá trị SX dịch vụ ước đạt 5.847,7 tỷ đồng, bằng 71,3% kế hoạch, tăng 11,3%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ước đạt 15.921 tỷ đồng, bằng 74% kế hoạch, tăng 14%.

Kim ngạch XK hàng hóa và dịch vụ ước đạt 706,6 triệu USD, bằng 70,7% kế hoạch, tăng 1,4%. Tổng lượt khách đến tham quan, du lịch đạt 1.043,3 ngàn lượt người, bằng 79,6% kế hoạch, tăng 5,1%. Thành phố đã cấp phép mới cho 16 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đầu tư cấp mới đạt 152,8 triệu USD, tạo việc làm mới cho 23.957 lao động, đạt 79,9% kế hoạch, tăng 0,9% so với cùng kỳ.
Tin tưởng vào giai đoạn phát triển “hậu khủng hoảng”

Trong giai đoạn hậu khủng hoảng, tình hình đầu tư xây dựng sẽ tăng mạnh đối với nhiều lĩnh vực, từ hạ tầng đô thị, xây dựng công nghiệp và dân dụng theo đó sẽ tăng cao. Công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng Đà Nẵng nhận thức rõ về cơ hội để tiếp tục đầu tư phát triển, tăng cường đầu tư trang thiết bị, đổi mới công nghệ sản xuất.

Cụ thể, đầu tư khả năng xây lắp nhà ở cao tầng, đổi mới công nghệ sản xuất để tạo ra nguồn vật liệu xây dựng mới, vật liệu sinh hóa, vật liệu xanh… DN chúng tôi cũng đang gấp rút chuẩn bị nguồn nhân lực, chuyên nghiệp hóa trong từng công đoạn sản phẩm, chủ động nắm bắt công nghệ thi công xây lắp đối với những công trình yêu cầu cao về kỹ thuật, mỹ thuật và mạnh dạn tham gia đấu thầu xây lắp quốc tế”.

(Ông Trần Phước Tuấn- Giám đốc Công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng Đà Nẵng).

Ông Lê Văn Hiểu, Chủ tịch Hội DN trẻ thành phố Đà Nẵng cho rằng, gói kích cầu của Chính phủ trong thời gian qua đã có tác động mạnh mẽ đến DN thành phố, không chỉ đem lại cho sự phát triển của từng DN trong SXKD mà còn tạo ra một chuỗi giá trị khác từ SX đến tiêu dùng sản phẩm, phát triển nguồn nguyên liệu, lưu thông hàng hóa…

Có thể nói, sau khủng hoảng tài chính đến thời điểm hiện tại, mặt bằng DN đã được sắp xếp lại một cách vững chãi hơn. Từ đây, khi bước vào giai đoạn hậu khủng hoảng, tự thân DN phải có chiến lược phát triển lâu dài khi đã thấm với những “thất bại” bởi tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế vừa qua. Có vấp ngã, DN thời kỳ hậu khủng hoảng buộc phải sắp xếp lại DN, hay nói cách khác là cấu trúc lại DN từ nguồn nhân lực, quản trị DN, đầu tư phát triển.

Đặc biệt, sau khi thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng, DN sẽ có điều kiện sắp đặt lại nhà cung cấp dịch vụ, mạng lưới khách hàng, thị trường, trong đó điều quan trọng nhất là nguồn cung cấp tài chính. Nhiều DN ở thành phố Đà Nẵng cũng như trong nước ý thức hơn về vai trò CEO tài chính đủ năng lực và kinh nghiệm sắp xếp nguồn vốn để DN hoạt động bền vững.
Song hành đó là vấn đề xây dựng tốt nguồn nhân lực. DN Đà Nẵng cũng ý thức rằng để DN hoạt động bền vững cần đánh giá được vai trò quản trị DN, trước mắt mỗi DN cần thành lập Nhóm nghiên cứu phát triển, bao gồm nhiều lĩnh vực như tài chính, sản phẩm mới, thị trường, chăm sóc khách hàng - hậu mãi… phục vụ cho việc hoạch định chiến lược phát triển DN và đo lường, ứng phó trước nhiều hướng khủng hoảng khác sẽ diễn ra hoặc tái lặp hiện tại.

“Trong hơn một năm qua, Hội DN trẻ thành phố Đà Nẵng đã tìm kiếm, chia sẻ thông tin để hỗ trợ nhau tìm cách vượt qua khủng hoảng. Trong đó có việc thành lập tổ trợ giúp pháp lý để tiếp cận và sử dụng hiệu quả các công cụ kích cầu kinh tế, hướng dẫn hội viên triển khai vay vốn ưu đãi, chuẩn bị phương án sẵn sàng bứt phá trong thời kỳ hậu khủng hoảng”, ông Lê Văn Hiểu nói.

Bài và ảnh: NAM PHƯƠNG - Báo Đà Nẵng