Kỳ họp thứ 7 HĐND thành phố: Rà soát quy hoạch, tạo nguồn thu bền vững

Chiều 9-7, các đại biểu (ĐB) HĐND thành phố tập trung thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế, an sinh xã hội và quốc phòng - an ninh, đặc biệt tập trung vào các vấn đề nóng được cử tri quan tâm như công tác quy hoạch, bố trí tái định cư, xây dựng nông thôn mới, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và tạo nguồn thu ngân sách bền vững…

Đại biểu Ngô Quang Phúc phát biểu thảo luận tại hội trường. Ảnh: V.NỞ
Đại biểu Ngô Quang Phúc phát biểu thảo luận tại hội trường. Ảnh: V.NỞ

Rà soát lại quy hoạch các dự án

Về quy hoạch đô thị, ĐB Võ Văn Thương cho rằng thành phố đã làm rất tốt công tác quy hoạch và khai thác quỹ đất, điển hình là trong 10 năm qua vốn từ nguồn khai thác quỹ đất chiếm 80%. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn có những hạn chế gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân như: Dự án triển khai chậm, không thực hiện đúng cam kết; dự án khoanh vùng nhưng không thực hiện, chưa có lộ trình cụ thể. ĐB Võ Văn Thương đề nghị trong 6 tháng cuối năm 2013, thành phố cần chỉ đạo các ngành có liên quan phải thông báo cho dân biết những dự án nào làm, dự án nào không làm và chỉ đạo thực hiện dứt điểm. Trong khi đó, ĐB Trần Đình Hồng cho biết, vừa qua thành phố đã xóa bỏ một số dự án quy hoạch “treo” trên địa bàn Hòa Vang và đề nghị thành phố tiếp tục rà soát lại việc quy hoạch các dự án trên địa bàn thành phố, dự án nào khả thi thì triển khai dự án nào không khả thi thì xóa bỏ; đồng thời thảo luận công khai, giải quyết chế độ chính sách thỏa đáng cho người dân và cần có giải pháp để quy hoạch lại, thông báo cho dân biết để người dân bớt khó khăn. Hiện nay trên địa bàn thành phố có hơn 200ha đất không sản xuất được, trong đó huyện Hòa Vang có hơn 85 ha, trong khi đó tiền hỗ trợ cho người dân khá chậm, gây bức xúc cho nhân dân. Để giải quyết vấn đề này, ĐB Trần Đình Hồng đề nghị phần diện tích không sản xuất được nên thu hồi hẳn, còn phần diện tích có thể sản xuất được cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ. ĐB Thái Thanh Hùng cũng kiến nghị hiện vẫn còn một số hộ dân vẫn chưa được giải tỏa ở một số dự án kéo dài. Còn ĐB Nguyễn Nho Trung cho biết, nhiều người dân sống trong vùng quy hoạch “treo” gặp khó khăn về đời sống, họ không thể bán đất để có tiền cho con đi học và chữa bệnh. Việc đền bù, hỗ trợ tái định cư cần tập trung rà soát giải quyết dứt điểm; đặc biệt là hỗ trợ giải quyết việc làm cho nhân dân vùng giải tỏa. Nhiều ĐB cũng cho rằng, thành phố còn nợ đất tái định cư của người dân quá nhiều, do đó, cần có cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho người dân sớm ổn định cuộc sống.

Hỗ trợ doanh nghiệp, tạo nguồn thu ngân sách

Các ĐB cùng nhận định nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng cuối năm sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. ĐB Trần Đình Hồng đề nghị thành phố tiếp tục có cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất, tạo việc làm cho người lao động. Nên ưu tiên hỗ trợ cho doanh nghiệp có đóng góp nguồn thu lớn cho thành phố, đồng thời có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. ĐB Hồng đề nghị để tăng thêm nguồn thu cho ngân sách, thành phố nên tổ chức bán các căn hộ chung cư thay vì chỉ cho thuê như hiện nay.

ĐB Trương Phước Ánh cho rằng, điểm đáng chú ý là chất lượng tăng trưởng kinh tế của thành phố đang bộc lộ những dấu hiệu cần phải hết sức quan tâm. Tốc độ tăng trưởng GDP, việc tăng thu ngân sách thiếu vững chắc thể hiện rõ nét trong cơ cấu tăng trưởng, cơ cấu nguồn thu ngân sách. Trong cơ cấu tăng trưởng và thu ngân sách, tỷ lệ từ hoạt động kinh tế, từ việc tăng giá trị gia tăng, từ sự đóng góp của hoạt động sản xuất kinh doanh của những ngành thuộc cơ cấu kinh tế chủ yếu của thành phố vẫn còn thấp. Thành phố cần phải có giải pháp để chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu này. ĐB Lê Thị Nam Phương cũng đề nghị thành phố quan tâm đến cơ cấu nguồn thu ngân sách để làm sao có tính bền vững, có sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp. ĐB Huỳnh Phước cho rằng việc đầu tư đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như cho công tác nghiên cứu tại Sở Khoa học-Công nghệ còn quá ít. Đây cũng là nguyên nhân khó thúc đẩy việc bứt phá phát triển kinh tế khi hàm lượng công nghệ trong sản phẩm còn thấp.

Nhiều ý kiến khác đề nghị thành phố cần phải chuyển dịch cơ cấu đầu tư sang những lĩnh vực kinh tế tạo nguồn thu ổn định như du lịch, sản phẩm công nghệ cao. Đề nghị thành phố tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn, tránh tình trạng ngân hàng thừa vốn, doanh nghiệp lại thiếu vốn nhưng không vay được tiền. ĐB Hồ Kỳ Minh đề nghị việc hỗ trợ doanh nghiệp trong cải cách thủ tục hành chính, đối thoại với doanh nghiệp để lấy ý kiến phản biện với các đề án xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Các cơ quan chức năng nên phối hợp cùng kiểm tra, thanh tra để giảm tần suất số lần doanh nghiệp phải tiếp nhiều đoàn kiểm tra, thanh tra ở các lĩnh vực khác nhau. ĐB Lê Thị Nam Phương và ĐB Trương Phước Ánh cũng đề nghị thành phố cần xem xét lại việc có nên triển khai xây dựng KCN Hòa Khương hay không và cần có giải pháp để lấp đầy các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố nhằm nâng cao hiệu quả của các khu công nghiệp.

Đầu tư thêm ngân sách cho xây dựng nông thôn mới

Đề cập đến chương trình nông thôn mới (NTM) tại huyện Hòa Vang, nhiều ĐB đồng tình với việc HĐND thành phố sẽ xem xét thông qua cơ chế, chính sách xây dựng NTM tại kỳ họp này. Tuy nhiên, nguồn ngân sách của thành phố đầu tư cho chương trình này còn khiêm tốn. Cần phải tăng cường đầu tư nguồn lực đảm bảo cho chương trình xây dựng NTM tại Hòa Vang về đích trong năm 2016, tức trong nhiệm kỳ của HĐND khóa VIII, không kéo dài thời gian hơn. Có ý kiến cho rằng việc cải tạo vườn tạp ở các xã nông thôn khó tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Nên chăng đầu tư chăn nuôi theo mô hình trang trại đảm bảo các quy định về môi trường. Một số ý kiến đề nghị đi đôi với đầu tư hạ tầng cho xây dựng NTM cần đầu tư đúng mức để duy trì, bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của nông thôn.

ĐB Trần Đình Hồng cho rằng, tổng kinh phí dành cho xây dựng NTM vẫn còn khiêm tốn so với ngân sách của thành phố. Trong khi đó, ĐB Cao Thị Huyền Trân đề nghị thành phố quan tâm hơn đến các tiêu chí về trường học và văn hóa nhằm góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa, truyền thống làng quê Việt và đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Theo ĐB Thái Thanh Hùng, cùng với quá trình đô thị hóa, hiện nay ở các quận Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ có nhiều xã chuyển lên phường nên nông thôn cũng không ra nông thôn, phường cũng không ra phường; do đó, thành phố cần dành một khoản ngân sách để bê-tông hóa kiệt hẻm các phường.

Thiếu khu vui chơi, nhà vệ sinh trường học

Nhiều ý kiến phản ánh hiện nay thành phố rất thiếu công viên, khu vui chơi cho các lứa tuổi, đặc biệt là trẻ em. Hiện nay có 38 phường, xã có khu vui chơi cho trẻ em nhưng chỉ có 13 khu là còn sử dụng được. Do không có nơi vui chơi, thanh - thiếu niên chỉ tập trung vào các điểm dịch vụ kinh doanh Internet để chơi game. Một số ý kiến khác phản ánh tình trạng thiếu nhà vệ sinh, hoặc nhà vệ sinh trong tình trạng xuống cấp tại các trường học nhưng chậm được xử lý. Dọc bờ biển trên địa bàn phường Thanh Bình (quận Hải Châu) trước đây có bãi tắm biển dành cho nhân dân nhưng nay thành phố đã giao cho một dự án nước ngoài đầu tư rào lại. Người dân ở khu vực này không còn được tắm biển. Các ĐB đề nghị thành phố sớm đầu tư hệ thống xử lý nước thải của làng nghề đá mỹ nghệ Non nước và khớp nối hệ thống nước thải sau khi xử lý của Bệnh viện đa khoa Sơn Trà với hệ thống nước thải chung của thành phố.

Về phương án thu nợ tiền sử dụng đất tái định cư trên địa bàn thành phố, ĐB Huỳnh Bá Cử đề nghị thành phố xem xét thêm trường hợp trả nợ dần vẫn thực hiện khuyến khích hỗ trợ giảm lãi suất trên số nợ phải trả. Bởi theo ĐB Cử, những trường hợp nợ tiền sử dụng đất tái định cư là những hộ khó khăn, thu nhập không ổn định. Không thể cùng một lúc người dân có thể có đủ điều kiện để trả hết nợ, số tiền người dân trả phải qua quá trình tích lũy, rồi có thời gian mượn người thân, bạn bè, đồng nghiệp nên sẽ có trường hợp họ không thể trả hết gốc cộng lãi đến ngày 31-12-2013 để được hỗ trợ lãi suất với mức giảm 50% tổng số lãi phát sinh. Theo ĐB Huỳnh Bá Cử, trường hợp trả nợ dần đến ngày 31-12-2013 thành phố nên thực hiện khuyến khích hỗ trợ giảm lãi suất tương ứng cho phù hợp số tiền nợ mà người dân phải trả.

Về vấn đề an ninh, ĐB Nguyễn Nho Trung đề nghị xây dựng đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Công an phường. Một số ĐB đề xuất xây dựng đề án phòng chống tội phạm, quỹ quốc phòng - an ninh… Ngoài ra, các ĐB HĐND thành phố cũng quan tâm đến các vấn đề văn hóa, xã hội như thiếu nguồn nhân lực lao động chất lượng cao, chương trình việc làm đối với lao động nông thôn, thiếu bác sĩ, giáo viên mầm non, đầu tư cho khoa học - công nghệ còn thấp, chưa quan tâm đúng mức đối với xã hội hóa giáo dục, thiếu thiết chế văn hóa ở cơ sở…

 

 

http://techmartdanang.vn/