"Kỹ sư không bằng" chế lò xử lý rác thải y tế

Chiếc lò đốt rác thải dùng được tối đa nhiên liệu từ dầu thải của động cơ nổ, giảm chi phí đốt mỗi kg rác xuống còn 5.000 đồng, trở thành sản phẩm đầu tiên ở Việt Nam đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải lò đốt chất thải công nghiệp.

Lò xử lý rác thải y tế của "kỹ sư không bằng cấp"

Ông Trịnh Đình Năng, trú tại Tp Bắc Kạn được nhiều người gọi là "kỹ sư không bằng cấp". Ngày còn nhỏ, gia đình khó khăn nên ông chỉ học hết lớp 6 rồi nghỉ phụ giúp bố mẹ kiếm tiền. Lớn lên chút nữa thì đi học nghề cơ khí rồi mở cửa hàng sửa chữa xe máy. Ngày đó, anh thợ trẻ rất mê mẩn chế ra những phụ tùng "độc" để bán cho khách theo đơn đặt hàng.

"Kỹ sư không bằng" chế lò xử lý rác thải y tế
Ông Năng (áo xanh) tham dự cuộc gặp mặt các nhà sáng chế không chuyên tiêu biểu được tổ chức ở Hà Nội vào tháng 5. (Ảnh: NVCC).

Cuộc sống nhiều khó khăn, Năng bôn ba làm nhiều công việc. Có thời gian đi đào vàng, ông tự chế được chiếc máy tuyển lọc vàng từ đất, đá nghiền mang lại lợi nhuận cao, nhưng bạn làm ăn tìm cách chiếm đoạt nên đâm ra chán nản. Ông cũng gắn bó với một số công ty nhưng sau đó quyết định mở một cơ ngơi riêng, tự chọn đường đi cho riêng mình và để thỏa sức sáng tạo.

Người thợ học hết lớp 6 đã chế ra lò đốt rác thải y tế với hiệu quả cao, giá thành rẻ hơn nhiều so với các loại lò đốt được nhập khẩu từ nước ngoài. Ông chia sẻ, trong một chuyến tham quan bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn, nhìn thấy người ta lắp ráp một hệ thống lò xử lý rác thải sản xuất tại Anh số tiền nhập khẩu khá lớn. Trong khi chi phí để đốt và xử lý rác thải ngành y tế vẫn còn cao, không xử lý được hết toàn bộ các chất thải độc hại như khí furan, dioxin và mùi.

"Trong đầu tôi nung nấu ý tưởng thiết kế và sản xuất hệ thống lò đốt rác thải y tế với các tiêu chí là giá rẻ, công nghệ ưu việt và chi phí vận hành thấp để phục vụ nhu cầu trong nước", ông nói.

Để hoàn thành được chiếc lò đốt, ông mất gần một năm. Hệ thống gồm 3 phần: đầu đốt, lò đốt và hệ thống xử lý khói. Nguyên tắc của hệ thống là sử dụng đầu đốt công nghệ cao để cấp nhiệt, dùng được tối đa nhiên liệu từ dầu thải của động cơ nổ, dầu diezel, dầu Do, Fo...thậm chí là cả dầu ăn.

Nhiệt lượng 1.800 độ C trong lò đốt được triệt để các chất thải với công suất đốt từ 30 - 50 kg rác mỗi giờ. Thông số hoạt động của hệ thống được điều khiển thông qua màn hình hiển thị LCD. Bộ xử lý khói bụi đảm bảo không tái tạo khí dioxin và furan, triệt để mùi trong quá trình đốt. Chi phí ở mức 5.000 đồng/kg rác khi đốt bằng dầu diezel và 2.000 đồng khi đốt bằng dầu thải. Ông cho biết các chuyên gia đều khẳng định sản phẩm của ông rẻ hơn, chi phí vận hành thấp hơn các lò nhập khẩu, với chi phí lên tới 20.000 - 40.000 đồng/kg

Chiếc lò đốt rác thải y tế của ông Năng là sản phẩm đầu tiên ở Việt Nam đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải lò đốt chất thải công nghiệp (Quy chuẩn 30) của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Sản phẩm được cấp bằng độc quyền sáng chế năm 2012 và hiện được sử dụng trong một số bệnh viện. Lĩnh vực áp dụng của lò đột cũng khá rộng rãi, không chỉ trong y tế mà còn sử dụng được trong môi trường, sinh hoạt.

"Kỹ sư không bằng" chế lò xử lý rác thải y tế
Chiếc lò đốt rác thải y tế do ông Năng sáng chế. (Ảnh: NVCC).

"Để bán ra được thị trường lại là một câu chuyện khác, tôi gặp khó khăn thực sự và có lúc tưởng chừng như không thể tiếp tục được nữa", ông chia sẻ. Ông nhận thấy thương mại hóa sản phẩm mang tính đặc thù, thị trường hẹp và kén chọn là khó khăn lớn nhất.

Ngoài sáng chế trên, ông cũng nghiên cứu ra hệ thống thiết bị làm miến sạch từ củ rong riềng, không sử dụng chất độc hại để hóa bột và cho năng suất gấp đôi cách làm miến thông thường.

Ông chia sẻ, đam mê sáng tạo của bản thân bắt nguồn từ việc mong muốn làm ra những sản phẩm có giá trị từ những nguyên liệu bình thường. "Mọi nghiên cứu hay sáng chế đều không có ý nghĩa gì khi không có giá trị áp dụng vào thực tiễn để đem lại hiệu quả. Những phát minh của người lao động bình thường đều bắt nguồn từ nhu cầu thực tế trong quá trình sản xuất", ông nói.

http://techmartdanang.vn/