Kỹ sư thủy sản thành tỷ phú nhờ khởi nghiệp bằng khoa học

Khởi đầu từ phòng trọ thuê giá 300 nghìn đồng, sau 14 năm “bác sĩ tôm” Lê Anh Xuân sở hữu doanh nghiệp doanh thu vài trăm tỷ đồng/năm.

Thạc sỹ Lê Anh Xuân (42 tuổi) là một trong số 53 tác giả được tôn vinh "Nhà khoa học của nông dân" năm 2018 do Trung ương Hội Nông dân lần đầu tiên tổ chức. Anh được vinh danh ở khối doanh nghiệp khoa học công nghệ với các nghiên cứu chế phẩm vi sinh phục vụ cho ngành nuôi tôm.

Ths Lê Anh Xuân với sản phẩm tôm sú nuôi trồng theo tiêu chuẩn GAP/CoC. Ảnh: NVCC.

Ths Lê Anh Xuân với sản phẩm tôm sú nuôi trồng theo tiêu chuẩn GAP/CoC. Ảnh: NVCC.

Sinh ra ở Thanh Hóa, anh Xuân tốt nghiệp Đại học Nha Trang với tấm bằng kỹ sư thủy sản. Theo đúng ngành học, ra trường anh đầu quân cho công ty nuôi tôm ở Tiền Giang, một thời gian anh chuyển sang Công ty công nghệ sinh học Sài Gòn (chi nhánh Bạc Liêu) công tác. 

Quá trình làm việc, tích lũy kinh nghiệm về nuôi tôm, năm 2004 anh quyết định mở công ty riêng lấy phòng trọ thuê 300.000 đồng/tháng làm trụ sở. Ở Công ty TNHH sản xuất và thương mại Trúc Anh, anh đảm nhiệm vai trò nhân viên kiêm giám đốc.

Vay mượn tiền, thuê đất nuôi tôm và nghiên cứu sản xuất các chế phẩm sinh học, anh đánh cược tương lai của mình trên những vuông tôm. Thật may, với hơn 7.000 m2 nuôi tôm sú công nghiệp, vụ đầu anh thắng lớn khi tôm khỏe, lớn nhanh ngược với tình hình chung của các vuông nuôi khác đang bị bệnh vì môi trường ô nhiễm.

Có đà, anh mở rộng sản xuất phát triển các sản phẩm chế phẩm phục vụ cho ngành nuôi và nghiên cứu xây dựng quy trình nuôi tôm sạch sử dụng chế phẩm vi sinh thay thế hóa chất... Với mô hình người thật việc thật, các chế phẩm phục vụ nuôi trồng thủy sản của công ty anh sản xuất được bà con tin dùng. 

Có thể kể đến chế phẩm vi sinh TA-PONDPRO là sản phẩm khoa học, công nghệ dùng trong xử lý cải tạo môi trường nước, xử lý nước đục, tảo tàn hiệu quả, cung cấp vi sinh vật có lợi, tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh, giải phóng khí độc (NH3, H2S). 

Chế phẩm vi sinh TA-PONDPRO được nghiên cứu thành công giúp trị được các bệnh phát sáng do vi khuẩn, đóng rong, đóng khói đèn, đen mang, đứt râu, sâu đuôi ở tôm.

Nhờ sản xuất và ứng dụng các công nghệ mới trong nuôi trồng, doanh nghiệp của anh được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp giấy chứng nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng cao. Bà con nuôi tôm thì gọi anh với cái tên thân thương "bác sĩ tôm".

Qua 14 năm chàng kỹ sư thủy sản năm xưa đã chèo lái đưa sản phẩm của Công ty Trúc Anh phát triển rộng khắp các tỉnh thành nuôi tôm trên cả nước với hơn 300 đại lý và hơn 10.000 hộ nuôi tôm tin dùng. 

Từ một lao động, nay công ty Trúc Anh đã thu hút hơn 70 lao động tay nghề cao. Anh còn xây dựng quy trình nuôi tôm bảo đảm theo GAP/CoC, hệ thống tiêu chuẩn chất lượng ISO 9001-2008 xuất ra thị trường các chế phẩm vi sinh đạt chất lượng, tiêu chuẩn quy định.

Hiện quy trình nuôi và các chế phẩm sinh học hướng vào việc bảo vệ môi trường và tạo ra sản phẩm tôm sạch đã được bà con áp dụng trên 28 tỉnh thành.

Không làm giàu cho riêng mình

Ths Xuân chia sẻ, nếu chỉ tính doanh thu của riêng Công ty Trúc Anh thì mỗi năm vài trăm tỷ đồng. "Tôi đang hướng đến con số hàng ngàn tỷ đồng khi áp dụng tiến bộ kỹ thuật, quy trình nuôi trên khắp các tỉnh thành cả nước", Ths Xuân nói. Anh cũng giúp nhiều bà con thoát nghèo, vươn lên làm giàu nhờ nuôi tôm sạch. 

Là một trong số hộ nuôi tôm từng nhiều năm liên tiếp thua trắng tay vì tôm bị bệnh, mất giá, ông Huỳnh Quang Hưng (ấp Vĩnh Bình, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu) những tưởng rơi vào cảnh gia đình ly tán. 

Biết chuyện, anh Xuân đã cho kỹ sư khu vực xuống trực tiếp tại địa bàn hướng dẫn quy trình nuôi, đầu tư vốn, con giống và thuốc với sự hỗ trợ kỹ thuật để ông Hưng vượt qua khó khăn.

Sau 87 ngày thả nuôi, tôm thu về 50 con/kg, tổng thu 3,6 tấn với giá bán 195.000đ/kg thu về 780 triệu đồng, lợi nhuận 350 triệu đồng. Ông Hưng thoát khỏi cảnh vợ đi xuất khẩu lao động, con thất học, gia đình vươn lên làm giàu và thành tấm gương sáng trong vượt khó ở địa phương.

Ths Lê Anh Xuân (phải) và PGS Trần Đăng Xuân (Đại học Hiroshima, Nhật Bản). Ảnh: Loan Lê.

Ths Lê Anh Xuân (phải) và PGS Trần Đăng Xuân (Đại học Hiroshima, Nhật Bản). Ảnh: Loan Lê.

Nói về bí quyết thành công, anh Xuân khẳng định chỉ có khoa học công nghệ mới giúp doanh nghiệp tự tin tạo ra sản phẩm mà không lo thời tiết thay đổi hay được mùa mất giá. 

"Đầu tư cho nghiên cứu khoa học và công nghệ không bao giờ là sai lầm", Ths Xuân nói và cho biết anh vẫn đang ấp ủ những dự định mới, đầu tư khoa học sâu hơn. Anh đang phối hợp cùng các nhà khoa học ở Nhật Bản để nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất và chế biến nấm dược liệu có giá trị kinh tế cao, chăm sóc tốt cho sức khỏe cộng đồng.

Với những đóng góp trong sản xuất và nghiên cứu, Ths Lê Anh Xuân từng nhận được nhiều bằng khen của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giải vàng chất lượng quốc gia 2014 do Thủ tướng trao tặng.

Đoàn Nguyễn

https://vnexpress.net