Lạm phát, chưa thể hy vọng giảm nhanh

 

 Lạm phát, chưa thể hy vọng giảm nhanh

Trong tháng 4, chỉ số giá tiêu dùng đã có dấu hiệu tăng chậm lại. Đây là một tín hiệu tốt và cho rằng các chính sách của Chính phủ đã bắt đầu "ngấm". Mục tiêu điều hành kiềm chế lạm phát và tốc độ tăng giá; bằng các giải pháp tổng hợp đưa tốc độ tăng giá tiêu dùng theo hướng giảm dần của Chính phủ chắc chắn sẽ được thực hiện.

Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, chỉ số giá tiêu dùng tăng chậm lại trong tháng 4 ở mức 2,2% là một tín hiệu tốt. Nhưng từ đây mà lạc quan rằng xu hướng tăng giá sẽ sớm được ngăn chặn và đi xuống là e rằng quá sớm. Trong buổi giao ban kinh tế mới đây, đại diện hầu hết các tỉnh thành lớn và các bộ ngành chủ chốt đều cho rằng, kết quả trên đây chưa thể hiện môt xu hướng ổn định bền vững.

Theo một chuyên gia của Bộ Công thương, kết quả bước đầu này có rất nhiều dấu ấn của các biện pháp hành chính. Các biện pháp hành chính có ý nghĩa quan trọng khi các biện pháp kinh tế, thị trường khác chờ phát huy tác dụng. Tuy nhiên, dùng các biện pháp hành chính thì cũng đến mức nào đó rồi phải rút lui. Việc rút lui, nếu có các diễn biến thuận lợi từ thị trường thì mọi việc tốt đẹp. Ngược lại, khi thị trường có đột biến ngoài tầm dự đoán, Chính phủ buộc phải "làm theo" thị trường thì sẽ có rất nhiều tác động lớn không thuận cho ổn định giá cả.

Thực tế, câu chuyện giá xăng dầu những ngày gần đây là một minh chứng. Chính phủ cam kết giữ giá xăng dầu đến hết tháng 6 nếu không có biến động. Tuy nhiên, thời điểm ra quyết định mức giá chỉ hơn 100 USD/thùng. Rất ít người nghĩ giá dầu lên đến 110 rồi 120 USD/thùng như hiện nay. Và tình huống khó đã xuất hiện, giá dầu tiếp tục tăng cao, cam kết giữ giá của Chính phủ sẽ gặp khó khăn vì khả năng bù lỗ có hạn. Chính phủ có thể tăng giá xăng trước thời hạn dự kiến, nếu cố giữ đến hết tháng 6 thì ngay sau đó DN cũng buộc phải tăng giá mạnh. Và nhiều người đã nghĩ đến kịch bản một cú "sốc" giá xăng dầu ngay sau thời điểm 1/7.

Trong cuộc họp mới đây của Tổ điều hành thị trường trong nước, nhận định về mức tăng giá tiêu dùng trong tháng 5 được đưa ra là 1,2 - 1,5%. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đã cho rằng, con số 2% mới là thực tế, rất khó hy vọng một sự giảm nhanh các chỉ số giá cả trong tình hình hiện nay. Trong khi đó, nhiều chuyên gia cũng tin rằng, tác động của các chính sách kiềm chế lạm phát ít nhất cũng phải đến cuối quý III mới cảm nhận rõ nét. Vì thế, mức độ tăng giá trên dưới 2% sẽ là một ngưỡng "ám ảnh" trong những tháng tới.

Trong khi đó, các yếu tố bên ngoài cũng còn nhiều điểm bất lợi cho Việt Nam. Báo cáo mới đây của Standard Chartered cũng nhận định, sự trì trệ của nền kinh tế Mỹ và ảnh hưởng của nó đến thị trường châu Á sẽ có một số tác động tiêu cực đến Việt Nam. Chính phủ Việt Nam sẽ phải đối phó với tình thế tiến thoái lưỡng nan, lạm phát gia tăng và phát triển kinh tế chậm lại. Vấn đề đáng lo ngại hơn là lạm phát, với tỉ lệ lên tới 19,4%/năm trong tháng 3/2008 và chưa có dấu hiệu nào cho thấy sẽ có sự “thuyên giảm” trong thời gian tới.

Standard Chartered tiếp tục cảnh báo, đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã có một khởi đầu thuận lợi, với việc tăng tỉ lệ dự trữ bắt buộc, lãi suất cơ bản và hạn chế mua vào đô la Mỹ. Tuy nhiên, kết quả tạm thời chưa được thể hiện qua các con số về lạm phát, các chính sách cần một khoảng thời gian để phát huy tác dụng. Có thể sẽ có ý kiến cho rằng cần thắt chặt hơn nữa chính sách tiền tệ thì mới thực sự có hiệu quả. Vì thế, với tỉ lệ lạm phát cao, Việt Nam nên tập trung vào kiềm chế tăng giá, và ít nhất là trong ngắn hạn phải chấp nhận việc nền kinh tế tăng trưởng thấp hơn mục tiêu đã đề ra.

(theo 24H.COM.VN)