Lần đầu tái tạo van tim bằng vật liệu tự thân ở Đà Nẵng

Bệnh nhân được phẫu thuật với phương thức này có thể đi lại, làm việc bình thường sau khi mổ. Đặc biệt, bệnh nhân không mất tiền mua van tim nhân tạo nên chi phí thấp hơn rất nhiều so với việc thay van tim truyền thống.

Các bác sĩ đang thực hiện ca mổ cho bệnh nhân B.

Sáng 14/2/2019, Bệnh viện đa khoa TP Đà Nẵng cho biết, bệnh viện này vừa hoàn thành ca tái tạo van tim bằng vật liệu tự thân đầu tiên với sự giúp đỡ chuyên môn của chuyên gia nước ngoài. Bệnh nhân Tống Phước B. (46 tuổi, ngụ quận Thanh Khê) cho biết, sau khi mổ, ông vẫn hoạt động bình thường, sức khỏe đã ổn định.

Trước đó, ông B. thường bị tức ngực, khó thở. Đến bệnh viện, bác sĩ kiểm tra, xét nghiệm, phát hiện ông bị hở nặng van động mạch chủ do viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn. Sau khi điều trị ổn định tình trạng nhiễm trùng, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật tạo hình van động mạch chủ.

Với sự giúp đỡ về chuyên môn của GS Oliver đến từ bệnh viện trường Đại học Basel, Thụy Sĩ, bệnh nhân được làm phẫu thuật Ozaki. Đây là phương thức tạo hình toàn bộ van động mạch chủ bằng màng tim tự thân.

Được biết, đây là ca phẫu thuật Ozaki lần đầu tiên được thực hiện tại Bệnh viện đa khoa TP Đà Nẵng. Ưu điểm của phẫu thuật này so với phẫu thuật thay van động mạch chủ thông thường là người bệnh không cần phải sử dụng thuốc chống đông sau mổ nên có thể sinh hoạt và làm việc giống như người bình thường, tránh các tác dụng phụ do thuốc chống đông gây ra.

Bác sĩ Nguyễn Minh Hải, Phó trưởng khoa Phẫu thuật Can thiệp tim mạch, Bệnh viện đa khoa TP Đà Nẵng cho biết, nguyên nhân bị hở van động mạch chủ, được các bác sĩ xác định chủ yếu là do di chứng của thấp tim, chiếm tới 75% các trường hợp. Ngoài ra còn có thể do viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn, bệnh van động mạch chủ bẩm sinh, viêm cột sống dính khớp, bệnh giang mai, lupus ban đỏ hệ thống, chấn thương... Bệnh hở van động mạch chủ mạn tính, thường tiến triển âm thầm trong nhiều năm mà không có biểu hiện gì, bởi trong giai đoạn này tim vẫn còn cơ thế tự bù trừ để chống lại các rối loạn.

Chỉ tới khi chức năng thất trái suy giảm, tâm thất trái giãn nhiều, phân suất tống máu giảm thì người bệnh mới bắt đầu xuất hiện triệu chứng và khi đó, bệnh sẽ tiến triển rất nhanh. Ban đầu là biểu hiện mệt mỏi, khó thở khi gắng sức, sau đó dần xuất hiện khó thở khi nằm, cơn khó thở kịch phát về đêm, cảm giác đau thắt ngực và cuối cùng là các dấu hiệu của suy tim toàn bộ.

Đáng ngại hơn trong trường hợp hở van động mạch chủ nặng và đã có triệu chứng, người bệnh dễ bị đột tử do các rối loạn nhịp tim liên quan đến phì đại và rối loạn chức năng thất trái.

Bác sĩ Hải cho biết thêm, đối với những người bị mắc bệnh lý tim mạch, có chỉ định thay van động mạch chủ, chi phí luôn là điều đáng lưu tâm, nhất là khi bảo hiểm y tế chưa chi trả. Tuy nhiên, đối với phương pháp này, bệnh nhân không mất tiền mua van tim nhân tạo nên chi phí thấp hơn rất nhiều.

DUY CA

(Theo: Thế Giới Tiếp Thị Online)