Lãnh đạo tỉnh thành và chuyện cải cách

Lãnh đạo tỉnh thành và chuyện cải cách

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, ông Nguyễn Bá Thanh.

 

Tại một hội nghị gần đây về phát triển miền Trung với sự tham gia của nhiều bí thư tỉnh ủy hoặc chủ tịch tỉnh, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên hướng về Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, ông Nguyễn Bá Thanh, hóm hỉnh: “Trong số các vị ngồi đây, thì đồng chí này là… rủi ro nhất!”.
 
Đà Nẵng đã nhiều lần bị Bộ Tư pháp “tuýt còi” trong thời gian qua vì những cải cách của mình. Trước đó, thành phố nổi tiếng với chính sách “5 không, 3 có”. Trước đó nữa, thành phố cũng nổi tiếng với những quyết định mạnh bạo về giải phóng mặt bằng, tạo ra những tuyến đường mới làm cơ sở cho một mạng lưới giao thông đô thị hiện đại.
 
Lãnh đạo nhiều tỉnh thành miền Trung hẳn đã rất muốn học hỏi Đà Nẵng để “làm được vài điều gì đó”. Dường như bất kỳ ai đến Đà Nẵng đều có chung một nhận định: về mặt quản lý và trật tự đô thị, Đà Nẵng đã và đang làm tốt hơn nhiều địa phương khác.
 
Không phải những tuyên bố của lãnh đạo, chính cảm xúc dễ chịu mỗi khi dạo qua các đường phố Đà Nẵng, cảm nhận sự sạch sẽ và trật tự của một đô thị hiện đại, mới là điều khiến cho mọi người yêu Đà Nẵng.

Hơn cả thế, điều rất đáng lưu tâm chính là cảm nhận hài lòng của chính người Đà Nẵng về thành phố và chính quyền của họ.

Từ năm 2006, chủ trương phân cấp sâu rộng cho các tỉnh thành đã đặt lãnh đạo các tỉnh thành trước một cơ hội vàng để có thể quyết định một số công việc cụ thể của địa phương, thay vì phải trình báo trung ương như trước.


Những quyết định mang tính cải cách, theo ông Trần Đình Thiên, là việc vượt qua được bản thân mình, vận dụng tốt những luật lệ và thể chế hiện tại. Nhưng điều này, có thể nói không dễ có được ở nhiều lãnh đạo tỉnh thành hiện nay.
 
Từ năm 2006, chủ trương phân cấp sâu rộng cho các tỉnh thành đã đặt lãnh đạo các tỉnh thành trước một cơ hội vàng để có thể quyết định một số công việc cụ thể của địa phương, thay vì phải trình báo trung ương như trước. 

Nhưng, trong khi một vài địa phương xăng xái, phần lớn còn lại vẫn giữ một thái độ thận trọng. Thỉnh thoảng, mới có thể bắt gặp ở đâu đó một hình ảnh lãnh đạo tỏ ra quyết liệt trong điều hành, mà quyết liệt thì luôn đi kèm với rủi ro.
 
Bởi đôi khi, một bên là nhà đầu tư với ý chí “lấy cho bằng được”, bên kia là số đông dân chúng muốn “giữ bằng mọi giá”. 
 
Bởi đôi khi, biết rõ là dự án ấy có thể đem lại lợi ích lâu dài cho địa phương, cho chính những người dân mất đất, nhưng một nhiệm kỳ ngắn ngủi có đủ để họ quyết tâm theo đuổi?

Còn nhớ, hai năm trước, một cuộc chiến với những ngôi nhà xây quá tầng đã được Hà Nội phát động với tên gọi khá thú vị: cuộc chiến “cắt ngọn”. Thời điểm ấy, để khẳng định quyết tâm của mình trong việc lập lại trật tự đô thị, một lãnh đạo cao cấp của Hà Nội đã nói rằng những căn nhà quá tầng là “một sự thách thức đối với chính quyền”. 
 
Với ngôn từ như vậy, nhiều người tin sẽ chẳng còn ai dám tiếp tục xây quá số tầng cho phép. Nhưng sau 5 năm, một cuộc chiến tương tự đang được phát động lại và người dân nhận ra rằng, trong ngần ấy thời gian, chính quyền thành phố vẫn liên tục bị thách thức.
 
Vẫn đang có những lãnh đạo đang hăng hái theo đuổi những kế hoạch riêng mà họ tin rằng sẽ đem lại lợi ích lâu dài cho địa phương, dù phía trước là vô vàn thử thách.
 
Thời gian gần đây, giới báo chí được chứng kiến hình ảnh Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, ông Phạm Minh Chính, dường như đang dành phần lớn thời gian của mình để vận động cho việc thành lập một đặc khu kinh tế tại tỉnh này.

Trong một lần trả lời phỏng vấn gần đây, ông Chính nói biết là khó khăn, nhưng vẫn muốn phải làm được một cái gì đấy vì nếu không làm, tỉnh của ông nhiều năm sau vẫn sẽ như vậy, cùng dàn hàng ngang mà tiến với nhiều tỉnh thành khác.

Một nghiên cứu do VCCI tiến hành đã đưa đến nhận định rằng việc phân quyền cho các tỉnh là yếu tố chính làm nên sự thành công của Việt Nam và điều này trái ngược với xu hướng hiện nay là chỉ trích việc phân quyền vì sự đầu tư lãng phí.

Những tín hiệu gần đây đang cho thấy sẽ có những cởi mở nhất định về chính sách đối với các tỉnh thành, qua đó tạo ra sự chủ động đáng kể cho những lãnh đạo tâm huyết và có trách nhiệm.


Xét riêng trong vấn đề phân quyền về quản lý đầu tư, báo cáo nghiên cứu này chỉ ra rằng phân quyền cho cấp tỉnh để họ chịu trách nhiệm về môi trường đầu tư là một phần của thử nghiệm này. Các tỉnh đã sử dụng quyền hạn được phân đó theo nhiều cách khác nhau, các động lực bất ngờ được tạo ra trong và giữa các tỉnh.
 
Một trong những nhà nghiên cứu khá am tường về môi trường đầu tư tại Việt Nam, ông Edmund Malesky, từng chứng minh rằng sự liên kết giữa các nhà đầu tư nước ngoài và lãnh đạo tỉnh đã tạo ra những cải cách kinh tế sâu rộng tại cấp địa phương. 
 
Trên thực tế, đã có những thử nghiệm mang tính “xé rào” vượt quá khuôn khổ quyền hạn của chính quyền cấp tỉnh và can thiệp vào những lĩnh vực thuộc thẩm quyền của chính quyền trung ương. Việc “xé rào” và thử nghiệm tại các tỉnh đã “gây ra rất nhiều tranh cãi ở trung ương”. 
 
Kết quả là một số tỉnh bị khiển trách nhưng cũng có một số tỉnh thoát khỏi “bản án kỷ luật” vì thành tích nổi trội trong việc thu hút đầu tư nước ngoài làm gia tăng số lượng việc làm và tăng trưởng kinh tế địa phương. Hơn nữa, một số cải cách chính sách của các tỉnh là kết quả của sự hợp tác giữa lãnh đạo tỉnh và doanh nghiệp nước ngoài cuối cùng đã được luật pháp thông qua.
 
Những tín hiệu gần đây đang cho thấy sẽ có những cởi mở nhất định về chính sách đối với các tỉnh thành, qua đó tạo ra sự chủ động đáng kể cho những lãnh đạo tâm huyết và có trách nhiệm. 

Tiêu biểu cho xu hướng này là việc Chính phủ quyết định lựa chọn một số địa phương để áp dụng thí điểm mô hình chính quyền đô thị, qua đó quyền lực và khả năng tự quyết có thể được giao nhiều hơn cho những vị tỉnh trưởng, thị trưởng.