Sáng 15/11, Ban Chỉ đạo Ứng dụng Công nghệ thông tin (CNTT) TP Đà Nẵng đã tổ chức hội nghị Ứng dụng CNTT trong các cơ quan Nhà nước TP Đà Nẵng. Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo TP, Tiến sỹ Phùng Tấn Viết - Phó CT đã trao bằng khen của UBNDTP cho các đơn vị dẫn đầu bảng xếp hạng chỉ số Ứng dụng CNTT 2010 gồm Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giao thông Vận tải và Văn phòng UBNDTP (3 đơn vị lần lượt xếp 1, 2 và 3 khối các sở, ngành); UBND quận Thanh Khê và UBND quận Hải Châu (2 đơn vị xếp thứ 1 và 2 khối UBND các quận, huyện).
Trao bằng khen UBNDTP cho 5 đơn vị tiêu biểu trong Ứng dụng CNTT 2010. |
Phát biểu tại hội nghị, Phó CT.UBNDTP Phùng Tấn Viết nhấn mạnh:
3 năm liền TP Đà Nẵng chúng ta dẫn đầu chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) , cũng 3 năm liền TP chúng ta giữ vững thứ hạng đầu bảng chỉ số Sẵn sàng ứng dụng CNTT (ICT Index) trong các địa phương của cả nước, điều này cho thấy cùng với hạ tầng kỹ thuật, các chính sách thu hút đầu tư; CNTT và Truyền thông đang khẳng định vị trí quan trọng, không thể thiếu, trong việc mang lại tính hấp dẫn và sức cạnh tranh của Đà Nẵng.
Chúng ta đã làm được khá nhiều việc, thu hoạch được nhiều kết quả, trong đó đáng nói nhất là đẩy mạnh việc xây dựng nền tảng Chính quyền điện tử ; đưa vào sử dụng, khai thác nhiều phần mềm phục vụ giao dịch, trao đổi trực tuyến và cung cấp dịch vụ công cho công dân tổ chức. Điểm nhấn quan trọng nhất, là đến nay, Đà Nẵng đã gần khép kín việc đưa vào hoạt động mô hình Một cửa điện tử liên thông ở khắp các xã, phường và sắp đến (cuối năm 2011) sẽ phủ kín ở Trung tâm hành chính cấp Quận, huyện (chỉ còn Hòa Vang).
Muốn xây dựng nền hành chính “ Minh bạch và Vì dân” , muốn hình thành bền vững một bộ máy công quyền “ của dân, chăm lo phục vụ cho dân” phải lấy CNTT và Truyền thông làm nền tảng. Yêu cầu Minh bạch và công khai của một Chính quyền vì Dân chỉ được thực hiện khi CNTT được ứng dụng đều khắp; mọi thủ tục hành chính đều được đăng tải trên Trang thông tin điện tử các cấp, các ngành ; mọi hình thức giao dịch công đều thực hiện song song, vừa trực tuyến vừa trực tiếp với tổ chức, công dân.
Đại diện UBND quận Hải Châu (ảnh trên) và quận Liên Chiểu (ảnh dưới) đóng góp ý kiến tại hội nghị. |
Phó CT Phùng Tấn Viết cũng đồng tình với đề xuất của nhiều đơn vị: Ứng dụng CNTT vào nghiệp vụ chuyên môn, vào phục vụ tổ chức/công dân sẽ được đưa vào tiêu chí xét thi đua và là tiêu chí quan trọng nhất.
TP Đà Nẵng kiên trì và tiếp tục xây dựng hoàn thiện các mô hình, để đến năm 2015, triển khai đồng bộ chính quyền điện tử. Với cái đích đó, chính quyền TP sẽ có hình thức đầu tư phù hợp từ kinh phí cho sự nghiệp CNTT và Truyền thông ; cho đào tạo nguồn nhân lực.
Cũng theo Phó CT Phùng Tấn Viết, trong 5 nội dung đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP XX đã đưa ra, CNTT là công cụ, đóng vai trò hết sức quan trọng để đạt được mục tiêu đề ra. Phó CT.UBND TP cũng yêu cầu các đơn vị, cơ quan, tổ chức tăng cường sử dụng mã nguồn mở, tổ chức hướng dẫn chu đáo công dân và đại diện tổ chức/doanh nghiệp khi làm việc qua mạng trực tuyến, qua mô hình một cửa.
5 đơn vị dẫn đầu bảng xếp hạng chỉ số Ứng dụng CNTT 2010, khối sở, ngành: 1) Sở Thông tin và Truyền thông ; 2) Sở Giao thông Vận tải ; 3) Văn phòng UBNDTP ; 4) Sở Văn hóa – Thể thao & Du lịch ; 5) Sở Kế hoạch – Đầu Tư và Sở Nội vụ . |
Đánh giá tình hình ứng dụng CNTT tại các sở, ban, ngành, quận, huyện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến hết năm 2010 :Các bạn trẻ đến dự một phiên Chợ Việc làm 2010 (tổ chức tại trường Cao đẳng Phương Đông-Đà Nẵng) đang truy cập vào hệ thống thông tin-dữ liệu của Trung tâm dịch vụ việc làm Đà Nẵng tìm kiếm công việc và nhu cầu tuyển dụng.
________________________________
Tính đến thời điểm tháng 10/2010, có 26/32 (không kể huyện đảo Hoàng Sa) đơn vị đã thiết lập Trang thông tin điện tử chuyên ngành.
Đây là kênh thông tin quan trọng giúp cung cấp kịp thời thông tin, văn bản quy phạm pháp luật và các dịch vụ công chuyên ngành đến tổ chức, công dân. Trong đó, 100% các trang thông tin có cung cấp thông tin 2 chiều và 70% các thủ tục hành chính công đã được đăng tải, đặc biệt đã tích hợp trên 30 dịch vụ công ở mức 3. Các dịch vụ công mức 3 bước đầu đã mang lại hiệu quả khả quan, tạo điều kiện phục vụ cho người dân và doanh nghiệp, có thể tìm hiểu quy trình xử lý, tải các biểu mẫu hoặc đăng ký dịch vụ công qua mạng một cách nhanh chóng, thuận lợi.
Đối với các ứng dụng phục vụ quản lý chuyên ngành và xử lý chuyên môn, hiện có trên 40 phần mềm ứng dụng chuyên ngành đã được triển khai và khai thác rất có hiệu quả như: Phần mềm cấp giấy phép lái xe, quản lý phương tiện, quản lý hồ sơ thẩm định công trình; Phần mềm quản lý hành nghề y dược tư nhân, quản lý hồ sơ một cửa, ...
Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành (QLVBĐH) đã được triển khai, cài đặt tại tất cả các đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố với tỷ lệ chung người sử dụng Hệ thống là 62%.
Việc triển khai, ứng dụng Hệ thống đã giúp nâng cao chất lượng công việc, tiết kiệm thời gian và theo dõi được quá trình, tiến độ xử lý cũng như trạng thái công việc đang được giải quyết của từng cá nhân cũng như phòng/ban.
Ông Chế Viết Sơn - Phó GĐ Sở Nội Vụ :
CNTT là ngành khoa học, là công cụ ứng dụng mạnh mẽ nhất của thời đại. Đây lại là ngành/lĩnh vực mà yếu tố mới mẻ về công nghệ, về trang thiết bị luôn diễn ra thường xuyên. Trong khi đó, chế độ chính sách của chúng ta lại không bắt kịp với sự đổi mới của CNTT. Đây là bất cập lớn nhất. Gây nhiều khó khăn cho chúng ta trong tiếp cận và khai thác tối đa công năng mà CNTT mang lại.
Một số hạn chế: - Tổng đầu tư cho công tác ứng dụng CNTT tại các đơn vị, trung bình chỉ đạt 1,7% so với tổng ngân sách hoạt động của các đơn vị, đây là chỉ số quá thấp so với trung bình của cả nước là tỷ lệ 8,7%. - Bên cạnh đó, chính sách (lương,phụ cấp) dành cho Cán bộ chuyên trách CNTT tại các cơ quan hành chính Nhà nước quá thấp và hoàn toàn không tạo động lực cho người làm nhiệm vụ an tâm, đầu tư chiều sâu cho công việc. - Mức độ ứng dụng Hệ thống Quản lý văn bản điều hành hiện nay chưa đồng đều, có đến 50% đơn vị mới chỉ dừng lại ở việc lưu văn bản đến, các chức năng khác như: tạo lịch công tác, bút phê, luân chuyển và xử lý văn bản,… chưa áp dụng vào thực tế quá trình điều hành, xử lý công việc tại các đơn vị, đặc biệt là tại các quận, huyện. |
Trăn trở lớn nhất : Kinh phí cho sự nghiệp, lấy ở đâu !
Cũng tại hội nghị, các đại biểu đã tham gia thảo luận (lần thứ II, trước đó, trong lần đầu đã đóng góp qua văn bản) “Quy chế quản lý chuyên môn nghiệp vụ đối với cán bộ chuyên trách CNTT tại các cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn TP Đà Nẵng” và “Tiêu chí đánh giá chỉ số Ứng dụng CNTT tại các sở, ban,ngành, UBND quận, huyện trên địa bàn TP Đà Nẵng”.
Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông, ông Phạm Kim Sơn trả lời phỏng vấn Đài Tiếng nói Việt Nam và Cổng TTĐT Chính phủ. |
Cũng tại diễn đàn này, một trong những vấn đề được chủ tọa phiên thảo luận, cũng như các đại biểu hết sức quan tâm đó là ngân sách đầu tư cho sự nghiệp CNTT của TP nói chung, cũng như từng đơn vị nói riêng, do sự chi phối của Luật Ngân sách, còn quá thấp so với yêu cầu. Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP, đơn vị điển hình tiêu biểu trong ứng dụng CNTT, chia sẻ: Thật ra chúng tôi muốn nâng cao hơn nữa việc ứng dụng CNTT, mở rộng đến một số dịch vụ cũng như quy trình nghiệp vụ của Sở, tuy nhiên, kinh phí đầu tư không đủ để triển khai.
Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông, ông Phạm Kim Sơn cũng bức xúc: Bản thân đồng lương cán bộ-công chức đã thấp, địa phương chúng ta lại chưa thể vận dụng linh hoạt, hỗ trợ thêm thu nhập cho cán bộ chuyên trách CNTT. Đây là bài toán khó, gây cản ngại cho chúng ta trong nâng cao và mở rộng hơn nữa việc ứng dụng tiện ích của CNTT đến nhiều lĩnh vực. Hiện nay Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và Bình Dương đã có cơ chế hỗ trợ (lần lượt là 2 triệu – 1,5 triệu – 1triệu) cho cán bộ chuyên trách CNTT. Đà Nẵng chúng ta thì chưa có hỗ trợ gì. Trong khi đó, hàng loạt chương trình, dự án đang và sắp triển khai lại rất cần đến sự ổn định nguồn nhân lực.