Luật Thuế môi trường: Nâng cao ý thức, tạo nguồn thu để giải quyết vấn đề môi trường

Luật Thuế môi trường: Nâng cao ý thức,

tạo nguồn thu để giải quyết vấn đề môi trường

                                                                  

Trong số báo gần đây, Thời báo Tài chính Việt Nam có đề cập đến việc Bộ Tài chính đã xây dựng xong Dự thảo Luật Thuế môi trường và đang lấy ý kiến rộng rãi các Bộ, ngành, mọi tầng lớp nhân dân để hoàn thiện trình Quốc hội xem xét thông qua trong thời gian tới. Trong số báo này, Thời báo Tài chính Việt Nam tiếp tục thông tin đến bạn đọc một số nội dung mới, quan trọng xung quanh Dự thảo Luật này qua cuộc trả lời phỏng vấn của Tiến sĩ Vũ Văn Trường, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính với Phóng viên Thời báo Tài chính Việt Nam. 

- Xin ông cho biết, việc đánh Thuế môi trường sẽ đem lại lợi ích gì?

 -  Nhằm thực hiện chính sách phát triển kinh tế bền vững, giảm tới mức thấp nhất những tác động xấu đến môi trường trong sản xuất và trong tiêu dùng của người dân, việc đánh thuế môi trường là cần thiết nhằm:

         Thứ nhất, góp phần phát triển kinh tế bền vững, khuyến khích phát triển kinh tế đi liền giảm ô nhiễm môi trường, phù hợp với tình hình hiện nay và những năm tới.

        Thứ hai, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của toàn xã hội, từ đó góp phần thay đổi nhận thức, hành vi của tổ chức, cá nhân trong sản xuất và tiêu dùng nhằm giảm phát thải ô nhiễm tại nguồn.

      Thứ ba, tăng cường quản lý Nhà nước, thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tiếp tục cải cách, xây dựng hệ thống thuế đồng bộ, phù hợp với các quy định của Hiến pháp; thực hiện cam kết của Chính phủ với cộng đồng quốc tế trong việc góp sức giải quyết vấn đề môi trường toàn cầu.

      Thứ tư, động viên hợp lý đóng góp của xã hội, tạo nguồn thu để giải quyết vấn đề môi trường.

- Việc đánh Thuế môi trường có ảnh hưởng gì đến giá cả hàng hóa không, thưa ông?

 - Thuế môi trường dự kiến thu vào một số nhóm sản phẩm hàng hóa có tác động xấu đến môi trường khi sử dụng. Cụ thể gồm các nhóm: xăng dầu, than, dung dịch làm lạnh (HCFC), túi nhựa xốp (túi ni lông), thuốc bảo vệ thực vật loại hạn chế sử dụng. Khi luật có hiệu lực sẽ không thu phí xăng dầu (hiện hành đang thu). Dự kiến mức thu cụ thể sẽ ngang bằng mức thuế  hiện hành do đó không có tác động đến giá xăng dầu. Đối với các sản phẩm khác, việc thu thuế môi trường với mức khoảng vài phần trăm  sẽ làm tăng giá thành của sản phẩm thuộc diện chịu thuế môi trường, cũng có ảnh hưởng phần nào đến khả năng cạnh tranh của hàng hoá.

 - Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng, trong tình hình hiện nay, nền kinh tế đang còn nhiều khó khăn thách thức, liệu đưa thêm Thuế môi trường lúc này sẽ ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong quá trình hội nhập, ảnh hưởng tới người có thu nhập thấp. ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?

 -  Khi đưa ra một chính sách mới, cơ quan xây dựng chính sách phải dựa trên những tác động tích cực của chính sách là chủ yếu, để đề xuất chính sách. Tuy nhiên cũng dự tính cả những tác động không mong muốn để có phương án giảm bớt tác động không mong muốn đó. Trường hợp cụ thể của thuế môi trường thì cần phải thấy rằng, Việt Nam chưa phải là nước công nghiệp phát triển nhưng cùng với tốc độ đô thị hóa, sự tăng lên các khu công nghiệp đã làm cho môi trường ở nhiều vùng bị ô nhiễm đến mức báo động. Tình trạng ô nhiễm xảy ra cả trên mặt đất, trong lòng đất và trong không khí. Đã đến lúc chúng ta không thể phát triển kinh tế bằng mọi giá. Chúng ta phải lựa chọn con đường phát triển kinh tế bền vững theo hướng sử dụng hợp lý tiết kiệm tài nguyên xây dựng các ngành sản xuất sạch thân thiện môi trường, ít gây ô nhiễm môi trường.

      Việc đưa thêm công cụ thuế môi trường để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của toàn xã hội khuyến khích người tiêu dùng hạn chế dần dần việc sử dụng các sản phẩm gây tác động xấu đến môi trường, khuyến khích sử dụng và sản xuất các sản phẩm thay thế thân thiện hơn với môi trường vào lúc này là phù hợp và cần thiết nhằm hướng tới sự phát triển kinh tế bền vững.

    Để tránh ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, việc lựa chọn các sản phẩm đưa vào diện chịu thuế, mức thuế dự kiến cũng đã được cân nhắc hợp lý; có tính đến tham khảo kinh nghiệm quốc tế và trong khu vực, đồng thời cũng quy định miễn trừ đối với hàng xuất khẩu.

 

Trong số các nhóm hàng dự kiến thu thuế môi trường phần lớn không phải là hàng hóa thiết yếu; việc thu thuế môi trường để khuyến khích người tiêu dùng hạn chế sử dụng các sản phẩm đó. Do đó có thể nói tác động tới người thu nhập thấp là không có.

 - Đều là khoản thu liên quan đến môi trường, vậy liệu có thể đưa hết các loại phí BVMT hiện hành vào Luật Thuế môi trường để đơn giản chính sách thu có được không, thưa Vụ trưởng?

  - Không thể ghép thuế môi trường và phí BVMT vào một văn bản luật và gọi chung là thuế vì: Thuế môi trường là khoản thu điều tiết vào hành vi tiêu dùng của người tiêu dùng; trong khi đối tượng chịu phí BVMT là chủ thể xả chất thải ra môi trường không phân biệt chất thải đó phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh hay từ sinh hoạt hàng ngày của hộ gia đình, cá nhân. Thuế môi trường là khoản thu được cộng vào giá bán sản phẩm, nó thể hiện ý chí của nhà nước nhằm điều chỉnh việc tiêu dùng hàng hoá, có tính ổn định; trong khi mức thu phí BVMT được xác định tùy theo mức độ độc hại của chất thải và khả năng hấp thu chất thải của khu vực xả thải, nó phụ thuộc vào mức độ độc hại thải ra môi trường, phụ thuộc môi trường tự nhiên, không có tính ổn định cao.

- Xin cảm ơn ông!