Trong khi các doanh nghiệp Nhà nước và khối FDI đều tăng lương trong năm 2012 thì các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp cổ phần, góp vốn nhà nước trên địa bàn Hà Nội đã cắt giảm khoản chi phí này.
Số liệu tổng hợp của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho thấy, tiền lương bình quân tại các doanh nghiệp Nhà nước năm 2012 là 4,1 triệu đồng/người/tháng, tăng 3,7% so với năm ngoái.
Trong khi tiền lương tại doanh nghiệp FDI gần 4,2 triệu đồng, tăng 3,37% so với năm 2011. Khoảng cách chênh lệch về tiền lương bình quân của doanh nghiệp khối này khá cao, gần 7,3 lần. Doanh nghiệp có mức tiền lương bình quân cao nhất đạt 21,8 triệu đồng/người/tháng, còn doanh nghiệp có mức tiền lương bình quân thấp nhất là 3 triệu đồng/người/tháng.
Trong khi đó, tại khối doanh nghiệp tư nhân, mức lương bình quân cũng đạt gần 4,1 triệu đồng/người/tháng cho năm 2012, giảm 12% so với năm ngoái.
Đối với khối doanh nghiệp cổ phần, vốn góp của Nhà nước, tiền lương bình quân là 4,6 triệu đồng/người/tháng, giảm 2,4% so với năm trước.
Trao đổi với VnEconomy, một chuyên gia về tiền lương của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, trong một năm mà doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, số doanh nghiệp giải thể không ngừng gia tăng thì việc cắt giảm tiền lương cũng là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, điều này thường chỉ xảy ra ở các doanh nghiệp trong nước. Đối với doanh nghiệp FDI, thiếu việc làm, họ sẽ giảm lao động chứ không giảm lương và khi nào có việc, họ lại tuyển lao động nên mức lương của người lao động luôn được đảm bảo.