Miền Trung và Đà Nẵng là niềm kỳ vọng của ngành du lịch nước ta

Nhân Hội nghị triển khai kế hoạch công tác ngành VH-TT-DL năm 2010 tổ chức tại TP. Đà Nẵng trong hai ngày 28 và 29-12-2009, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Tuấn Anh đã  dành  cho Báo  Đà  Nẵng cuộc phỏng vấn  như sau: 

* Xin Bộ  trưởng cho biết  một số hoạt động nổi bật về văn hóa, thể thao và du lịch của Việt Nam trong năm 2009?

- Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh: Có thể nói năm 2009 là năm mà ngành VH-TT-DL đạt được những thành công mới trong việc quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài, làm phong phú và sôi nổi đời sống tinh thần, đầy ắp sự kiện đáng nhớ trong nước. Trên lĩnh vực quản lý Nhà nước lẫn tổ chức các hoạt động đều có nhiều thành công.

Năm qua, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Điện ảnh đã được Quốc hội khóa XII thông qua; Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2020 và Quyết định xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt (đợt 1) đối với 10 di tích lịch sử văn hóa. Bộ VH-TT-DL cũng đã công bố Bộ thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý Nhà nước của Bộ với 179 thủ tục.
Nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện lịch sử-chính trị-văn hóa được tổ chức thành công từ đầu năm (Mừng Đảng, Mừng Xuân, Chào Năm mới; 50 năm Ngày mở đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn; 64 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9...). Toàn ngành đã tập trung tổ chức triển lãm 40 năm ngành VH-TT-DL thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặc biệt là Lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc xác lập Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 19-4 hằng năm, vừa thể hiện sự tôn vinh của Đảng và Nhà nước, vừa đáp ứng nguyện vọng của đồng bào các dân tộc Việt Nam hướng về cội nguồn văn hóa dân tộc.

Tàu du lịch nước ngoài cập Cảng Tiên Sa. Ảnh: NHÂN MÙI


Hưởng ứng Năm Ngoại giao Văn hóa, nhiều hoạt động văn hóa quốc tế được tổ chức cả trong nước và quốc tế, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa-xã hội, quảng bá hình ảnh đất nước, thu hút du khách quốc tế, góp phần ngăn chặn sự suy giảm lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Sự  kiện UNESCO công nhận Quan họ Bắc Ninh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Ca trù là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp là niềm vui lớn, niềm tự hào của tất cả những người Việt Nam và bạn bè quốc tế quan tâm đến sự nghiệp bảo tồn và phát huy vốn di sản văn hóa dân tộc, sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa. 

Thành tích đứng thứ nhì của Đoàn Thể thao Việt Nam tại Đại hội Thể thao châu Á trong nhà lần thứ 3 được tổ chức tại Việt Nam (AIG3) với ấn tượng sâu sắc tại buổi Khai mạc và Bế mạc mang đậm dấu ấn văn hóa Việt Nam trong xu thế hội nhập và phát triển với tinh thần “dân tộc và hiện đại” đã thực sự làm khâm phục bạn bè quốc tế, khích lệ lòng tự hào của nhân dân Việt Nam. Đoàn TTVN tại SEA Games 25 đã tiếp tục khẳng định vị thế cường quốc thể thao của Việt Nam trong khu vực. Cùng với đó là các cột mốc đáng nhớ của ngành du lịch như Diễn đàn Du lịch ASEAN 2009, chương trình kích cầu du lịch “Ấn tượng Việt Nam”, vịnh Hạ Long lọt vào vòng chung kết cuộc bầu chọn 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới…

Các hoạt động quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài cả trong nước và ngoài nước được đánh giá là đạt hiệu quả rất cao về cả diện rộng lẫn chiều sâu, với những sự kiện như Tuần Văn hóa Việt Nam tại Lào, Campuchia, Nga, Anh, Nam Phi, Braxin, Venezuela, Hàn Quốc...; các hoạt động VH-NT của Việt Nam tại Trung Quốc, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Italia; chương  trình “Gặp gỡ Việt Nam” tại San Francisco (Hoa Kỳ), Asean Indoorgames 3, Festival Huế, Festival cồng chiêng quốc tế Tây Nguyên, Tuần Du lịch-Văn hóa Mekong-Nhật Bản, Cờ vua trẻ quốc tế tại Vũng Tàu, Pháo hoa quốc tế tại Đà Nẵng…
Nhiều chương trình truyền thông lớn lần đầu tiên quảng bá hình ảnh Việt Nam trên kênh truyền hình BBC World, lần thứ 2 quảng bá trên kênh truyền hình CNN, quảng bá trên taxi London, phát hành hàng ngàn ổ cứng di động quảng bá hình ảnh Việt Nam bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, mời nhiều đoàn nhà báo nước ngoài vào tìm hiểu thực tế để viết giới thiệu về Việt Nam… Thông qua StarWorld - kênh thể thao, giải trí lớn của quốc tế phát nhiều lần về Cuộc thi quốc tế Hoa hậu Quý bà Đẹp và Thành đạt thế giới được tổ chức tại thành phố Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu), những hình ảnh văn hóa-lịch sử, thiên nhiên thắng cảnh, con người của Việt Nam đã đến với khán giả toàn cầu.

Trong lĩnh vực gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được tập trung triển khai. Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã tham mưu Chính phủ ban hành 2 Nghị định: Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật PCBLGĐ và Nghị định quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực PCBLGĐ, góp phần quan trọng giúp Luật PCBLGĐ đi vào cuộc sống. Chủ đề “Gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gia đình Việt Nam” đã được triển khai hiệu quả, bước đầu trở thành “liều thuốc” để phòng chống căn bệnh BLGĐ.

* Năm 2009 là năm khủng hoảng kinh tế toàn cầu, tác động  đến toàn bộ sự phát triển nói chung, trong đó đặc biệt đối với ngành du lịch. Xin Bộ  trưởng cho biết ngành du lịch nước ta đã có những nỗ lực nào  để vượt qua khó khăn?

- Ngay từ ngày 5-1-2009, Chương trình khuyến mại của ngành du lịch “Ấn tượng Việt Nam” (Impressive Vietnam) được chính thức công bố, là giải pháp kích cầu của ngành du lịch trong bối cảnh hiện tại, kịp thời ứng phó với tình hình suy giảm lượng khách quốc tế do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế toàn cầu. Nếu trước đây, việc giảm giá chỉ riêng lẻ ở từng khách sạn, công ty lữ hành, thì năm nay, đồng loạt từ tháng 1 đến hết tháng 9-2009, 37 công ty lữ hành, 61 khách sạn lớn, 3 hãng vận chuyển cùng 16 cửa hàng mua sắm đã tham gia ký kết thực hiện việc giảm giá phục vụ du khách.

Bên cạnh đó, Tổng cục Du lịch đã tiến hành nhiều chương trình quảng bá cho chiến dịch khuyến mại này trên các phương tiện thông tin truyền thông trong và ngoài nước để tạo ra sức mạnh tổng hợp. Riêng Hãng hàng không quốc gia Việt Nam đã thực hiện chương trình giảm giá vé máy bay nội địa tới 60% trên các tuyến Hà Nội - Huế, Hà Nội - Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh - Huế, TP. Hồ Chí Minh - Đà Nẵng, nhằm thúc đẩy tuyến du lịch miền Trung. Việc thực hiện chiến lược giảm giá quy mô lớn nhanh chóng mang lại hiệu quả rõ ràng, đã kích thích được thị trường nội địa sôi động trở lại. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, các địa phương hưởng ứng tích cực và đã vận động hơn 300 đơn vị tham gia giảm giá theo chương trình “Ấn tượng Việt Nam”, một số khách sạn, resort ở miền Trung giảm giá từ 25 - 30%, nhiều tour giảm giá từ 30 - 40%...

Bộ  Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã trình Chính phủ cho phép gia hạn duy trì việc miễn lệ phí thị thực cho du khách quốc tế vào Việt Nam theo Chương trình “Ấn tượng Việt Nam”. Tổng cục Du lịch đã phối hợp với Sở VH-TT-DL Hà Nội tổ chức Lễ kỷ niệm 999 năm Thăng Long - Hà Nội, Lễ công bố Năm Du lịch quốc gia 2010; phối hợp với Sở VH-TT-DL TP. Hồ Chí Minh tổ chức Triển lãm quốc tế Du lịch TP.
 
Hồ Chí Minh năm 2009 (ITE HCMC 2009, 2010); xây dựng kế hoạch tham gia đấu thầu Triển lãm Điểm đến quốc tế (IDE 2011) của Hiệp hội Lữ hành Mỹ (ASTA). Đón và làm việc với đoàn khảo sát cấp cao của Asta (Hoa Kỳ); tham gia đoàn Chính phủ thăm Tứ Xuyên và ký văn bản ghi nhớ về hợp tác du lịch giữa Việt Nam và Tứ Xuyên; tham gia Hội chợ Du lịch quốc tế (CITM) tại Côn Minh; tham gia ATF 2010 tại Brunei.

Những nỗ lực của ngành du lịch đã mang lại kết quả  khả quan với lượng khách du lịch trong nước và quốc tế tăng mạnh vào những tháng cuối năm. Doanh thu du lịch năm 2009 của cả nước ước đạt 68.000-70.000 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với năm 2008. Mặc dù khách du lịch quốc tế năm 2009 chỉ đạt 3,8 triệu lượt người, giảm 11,5% so với năm 2008 nhưng lượng khách nội địa lại tăng 19%, đạt 25 triệu lượt người.
 *Năm 2010 là năm đất nước sẽ có Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, trong đó, ngành VH-TT-DL sẽ đóng góp một vai trò quan trọng. Xin  Bộ trưởng cho biết ngành đã chuẩn bị những gì cho công việc trong năm đại  lễ này?

- Bộ  VH-TT-DL xác định góp mặt vào dịp  Đại lễ là trách nhiệm tự  thân, là một trong những việc quan trọng nhất của chính mình. Cụ thể, tham gia Ban chỉ đạo quốc gia, Ban tổ chức kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, tham gia cố vấn, xây dựng và đóng góp trực tiếp vào nhiều nội dung kỷ niệm, dĩ nhiên, lực lượng của Bộ, của ngành VH-TT-DL sẽ có mặt trong hầu hết các hoạt động của đại  lễ  với  vai trò  chủ động tổ chức hoặc  phối hợp tổ chức cùng các bộ, ngành, thành phố.

Và không chỉ có  đợt cao trào đó, thời gian qua, các  đơn vị nghệ thuật Trung ương, các đơn vị thuộc Bộ  trong lĩnh vực di sản văn hóa, nghệ  thuật biểu diễn, mỹ thuật-nhiếp  ảnh, văn hóa cơ sở, thể  dục thể thao, du lịch... và nhiều Sở VH-TT-DL các địa phương đã và đang tích cực nhập cuộc trong nhiều hoạt động hướng về nghìn năm Thăng Long.

* Xin được hỏi Bộ trưởng câu cuối cùng, Bộ  trưởng đánh giá như  thế nào về vị  trí của miền Trung - Tây Nguyên và của Đà Nẵng nói riêng trong sự phát triển chung của ngành VH-TT-DL, đặc biệt là đối với ngành du lịch?

- Trong những năm gần đây, miền Trung-Tây Nguyên đã có những nỗ lực, bứt phá ngoạn mục trong lĩnh vực đầu tư phát triển VH-TT-DL, tạo ra những sản phẩm thành công như Festival Huế, Hành trình di sản Quảng Nam, Lễ hội pháo hoa quốc tế tại Đà Nẵng, du lịch biển Nha Trang, Lễ hội Cà phê Ban Mê Thuột, Festival Hoa Đà Lạt, “Thủ đô Resorts Mũi Né”; bóng đá phố núi Hoàng Anh - Gia Lai, Festival Cồng chiêng quốc tế Tây Nguyên..., góp phần thúc đẩy KT-XH phát triển, thay đổi cách nhìn mới về tiềm năng và triển vọng của miền Trung-Tây Nguyên. Trong đó, Đà Nẵng là thành phố có những phát triển đột phá thành công trên nhiều lĩnh vực, nhất là đầu tư cơ sở hạ tầng cho các hoạt động VH-TT-DL.
Miền Trung nói chung và Đà Nẵng nói riêng còn là niềm kỳ vọng của ngành du lịch nước ta.
Bởi nơi đây không chỉ là điểm đến của nhiều di sản thế giới nổi tiếng của Việt Nam như cố đô Huế, phố cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn, Phong Nha-Kẻ Bàng, không gian văn hóa Cồng chiêng, nhã nhạc Cung đình Huế mà còn có Cung đường du lịch ven biển với những Vịnh biển đẹp như Nha Trang, Lăng Cô, Xuân Đài..., là Hành lang kinh tế Đông-Tây nối liền các quốc gia ASEAN với những bãi tắm tuyệt vời như Mỹ Khê Đà Nẵng; Sa Huỳnh, Quảng Ngãi; Mũi Né, Bình Thuận... không phải nơi đâu cũng có được. Chính vì điều kiện cơ sở hạ tầng bảo đảm, hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi, nên Đại hội TDTT toàn quốc 2010 đã được Chính phủ cho phép tổ chức tại Đà Nẵng. Lãnh đạo Bộ sẽ hết sức quan tâm đến việc tổ chức sự kiện này và đã xếp lịch làm việc cụ thể với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng...