Cách đây 17 năm, không ai có thể ngờ rằng, những tuabin gió đầu tiên được lắp đặt tại Feldheim lại là tiền đề cho một kỳ tích về phát triển năng lượng sạch của một ngôi làng nhỏ bé chưa đầy 150 nhân khẩu. Lợi ích thu được từ nguồn phong điện đã thôi thúc người Feldheim năm 2008 bắt tay xây dựng một nhà máy khí sinh học để tận dụng nguồn nhiệt khi đốt cây ngô khô và phân lợn. Đặc biệt, tháng 10/2010, hệ thống lưới điện thông minh của riêng Feldheim đã được hoàn thành với một phần vốn góp của người dân (3.972 USD/người). Hiện số tuabin gió trong làng đã lên tới 43 chiếc, nhiều hơn cả số nhà trong làng và giúp Feldheim vừa tự cung, tự cấp được nguồn năng lượng sạch vừa bán lại cho lưới điện quốc gia. Người dân địa phương cũng tiết kiệm được tới 31% tiền điện và 10% khí đốt sưởi ấm trong mùa đông.
Giữa lúc cuộc khủng hoảng tại nhà máy điện Fukushima 1 gây tâm lý lo âu cho toàn thế giới, tháng 6/2011, Chính phủ Đức đã thông qua một đạo luật đầy tham vọng và tốn kém nhằm tạo ra 1/3 điện năng từ các nguồn năng lượng tái sinh trong vòng 10 năm và tăng lên 80% vào năm 2050. Tuy nhiên, do sức ép từ cuộc khủng hoảng nợ công khu vực, Chính phủ đã cắt giảm tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo và loại bỏ dần các trợ cấp năng lượng mặt trời. Hiện, nguồn kinh phí chủ yếu để thực hiện dự án này là mức thuế 157 euro/năm của các hộ gia đình Đức. Chìa khóa để việc chuyển đổi sử dụng năng lượng thành công là đưa những ngành công nghiệp lớn mạnh của đất nước cùng tham gia cải tiến công nghệ và tạo thêm việc làm. Theo Bộ Môi trường Đức, tổng mức đầu tư vào trang thiết bị sản xuất năng lượng sạch đã tăng gấp đôi trong năm 2011, lên 29,4 tỷ euro. Khoảng 370.000 người ở Đức hiện đang làm việc trong ngành này, tăng gấp đôi so với năm 2004. Dự án năng lượng gió và khí sinh học cũng tạo ra 30 việc làm cho người dân Feldheim, đưa tỷ lệ thất nghiệp tại đây bằng 0.
Thành công của Feldheim đã buộc các địa phương của Đức phải suy nghĩ rất nghiêm túc về việc thực hiện một cuộc cách mạng năng lượng. Ngay tại Berlin, chữ ký của hàng nghìn người dân đã được thu thập nhằm thúc đẩy kế hoạch phát triển năng lượng sạch. Bản thân Bộ Nông nghiệp Đức cũng đã hai lần tổ chức cuộc thi "làng năng lượng sinh học" với giải thưởng lên tới 10.000 Euro cho việc thúc đẩy các dự án năng lượng tái tạo. Với những thành tích đã đạt được, Feldheim là một trong ba ngôi làng được nhận danh hiệu trên trong cuộc thi tổ chức lần đầu tiên năm 2010.
Với 3.200 km bờ biển, cộng với vị trí địa lý vô cùng thuận lợi, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia giàu tiềm năng công nghiệp sản xuất điện gió nhưng hiện mới có khoảng 1.785 MW điện gió đang được xúc tiến đầu tư trải dài từ Bắc đến Nam. So với các nước trên thế giới và trong khu vực, Việt Nam đã tụt hậu khá xa về lĩnh vực này, tuy nhiên việc Dự án GTZ-Năng lượng gió của Việt Nam đã tới Feldheim tham quan học hỏi vào cuối năm 2008 đã góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch xây dựng nhà máy phong điện tại Bình Thuận, Ninh Thuận.