Mời ngay chuyên gia nước ngoài tham gia thẩm định


Rò rỉ nước ở thủy điện Sông Tranh 2. Ảnh: SGTT.
Đoàn công tác của Viện Khoa học và Công nghệ VN, sau khi tiến hành khảo sát tại hiện trường vùng thủy điện Sông Tranh 2, ngày 10.4, đã làm việc cùng UBND tỉnh Quảng Nam để báo cáo một số vấn đề về động đất, an toàn đập thủy điện Sông Tranh 2 (huyện Bắc Trà My). 
Đoàn khảo sát, quan trắc hiện trường gồm các chuyên gia của Viện Vật lý địa cầu, Viện Cơ học... đã lập lại kết luận của đợt khảo sát trước đây rằng, công trình xây dựng trên đới đứt gãy địa chất, việc tích nước hồ chứa thủy điện gây nên động đất kích thích, tuy nhiên cường độ động đất thời gian qua chưa đến mức cực đại (5,5 độ richter) và vẫn nằm trong giới hạn an toàn đập được thiết kế chịu được động đất đến 7 độ richter. 

            Sơ đồ cấu trúc khu vực Thuỷ điện sông Tranh 2

Đoàn công tác kiến nghị Ban QL thủy điện 3 tiếp tục quan trắc trạng thái đập: Trường ứng suất, độ dãn nở của các khe nhiệt, chuyển vị ngang của đập, hoạt động động đất, nhiệt độ, lượng nước qua đập để tiếp tục đánh giá an toàn đập. 
Trưởng đoàn công tác, TS Lê Huy Minh - Phó Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu - cho biết,  các chuyên gia cần phải có thời gian tiếp tục phân tích các số liệu đo đạc, quan trắc... rồi mới có thể đưa ra kết luận chính thức cuối cùng về việc động đất có liên quan thế nào với sự cố rò rỉ nước vừa qua, có ảnh hưởng đến đập như thế nào... 
Ngoài kiến nghị chính quyền tỉnh Quảng Nam hỗ trợ tiền mua (hơn 1,2 tỉ đồng) và lắp đặt ngay 5 máy quan trắc động đất ở khu vực công trình và lân cận đập thủy điện, Đoàn công tác đề xuất phải gấp rút có một đề tài nghiên cứu cấp nhà nước cho công trình đập thủy điện Sông Tranh 2 về động đất và an toàn đập lúc này. Theo đó, sẽ nghiên cứu tác động của động đất có ảnh hưởng gì đến thủy điện hay không và trong tương lai công trình sẽ còn bị ảnh hưởng như thế nào. 
Theo ông Trần Văn Hải, Trưởng ban QL thủy điện 3, về lượng nước hồ rò rỉ qua thân đập, số liệu vừa đo đạc được là 75 lít/giây, số liệu công bố 30 lít/giây trước đây là chưa chính xác. Số liệu mới này cao hơn nhiều so với lưu lượng an toàn theo khuyến cáo của Cục Giám định về các công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) là khoảng 15 lít/giây. Hiện tại, mực nước trong lòng hồ đã hạ xuống ở cao trình 155 mét và các công nhân đang xử lý phần mặt đập để đảm bảo tính thẩm mỹ cho công trình. 
Ông Đinh Văn Thu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết, cùng với đoàn công tác Viện KH-CN VN, tỉnh  sẽ lập tức kiến nghị cơ quan thẩm quyền trung ương cho phép thực hiện đề án nghiên cứu cấp nhà nước để nghiên cứu, đánh giá tổng thể các vấn đề của thủy điện Sông Tranh 2.
Đồng thời ông đề xuất mời chuyên gia nước ngoài đánh giá về sự cố thủy điện Sông Tranh 2. Tin từ văn phòng Bộ Xây dựng ngày 10.4 cho biết, về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cũng đã có chỉ thị đối với Hội đồng Nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng. Theo nguồn tin từ bộ này, ông Bộ trưởng cho rằng, trước khi quy trách nhiệm, xử lý các tổ chức, cá nhân có liên quan..., việc đầu tiên bây giờ là phải mời ngay các chuyên gia nước ngoài đã từng nghiên cứu và có kinh nghiệm xử lý sự cố đập nước trên thế giới tiến hành khảo sát đánh giá một cách độc lập, công khai thông tin để nhân dân yên tâm.