Một số quy tắc bảo mật cơ bản cho website

Trong tuần qua, hàng loạt website và các hệ thống máy chủ bị tấn công, thâm nhập và đánh cắp dữ liệu đã dấy lo sự lo ngại từ phía người dùng cuối. Giải pháp ứng phó thế nào?

Một số quy tắc bảo mật cơ bản cho website
Ảnh minh họa: Internet

Khi website có lỗ hổng, tội phạm mạng dễ dàng xâm nhập, tấn công và khai thác dữ liệu khiến website bị nhiễm độc gây nguy hiểm không chỉ cho chủ sở hữu trang web mà cho cả những khách truy cập. Sau khi website đã được khử độc, nếu quản trị viên vẫn chủ quan không quan tâm đến các lỗ hỗng này thường xuyên thì website vẫn sẽ dễ dàng bị nhiễm độc trở lại bất cứ lúc nào.

Để ngăn chặn điều này xảy ra, người dùng cần có những phương pháp thích hợp để bảo vệ máy chủ cũng như máy tính của mình khi kết nối với tài khoản máy chủ.

Các chuyên gia bảo mật Kaspersky Lab đã đưa ra một số quy tắc bảo mật cơ bản dành cho website mà người dùng có thể tham khảo. Những thông tin bên dưới được trích từ bài viết “This site may harm your computer“ thực hiện bởi Marta Janus, Chuyên gia nghiên cứu an ninh mạng, Kaspersky Lab.

* Sử dụng mật khẩu mạnh

Thoạt nghe, quy tắc này khá bình thường nhưng sử dụng mật khẩu mạnh là nền tảng cơ bản giúp tăng cường bảo mật cho hệ thống máy chủ. Mật khẩu không chỉ bắt buộc thay đổi sau khi xảy ra sự cố mà cần phải thay đổi thường xuyên, tốt nhất là định kỳ mỗi tháng một lần.

Một số quy tắc bảo mật cơ bản cho website

Mật khẩu là cửa ngõ đầu tiên dẫn đến nguồn dữ liệu nhạy cảm - (Ảnh: Internet)

Một mật khẩu đủ mạnh cần đáp ứng được các tiêu chí cơ bản. Mật khẩu an toàn phải được tích hợp giữa chữ, số và các ký tự đặc biệt nhưng phải đảm bảo dễ nhớ để không phải ghi chú lại mật khẩu này vào sổ hay máy tính, không sử dụng cùng một mật khẩu cho nhiều tài khoản khác nhau như email, tài khoản ngân hàng,… Người dùng có thể tham khảo thêm các tiêu chí cho một mật khẩu mạnh tại đây.

* Liên tục cập nhật:

Để nâng cao mức độ bảo mật, người dùng cần phải cập nhật website của mình thường xuyên, đặc biệt theo dõi thông tin phiên bản mới nếu đang dùng các phần mềm web nguồn mở (CMS, portal, forum...).

Tất cả các phần mềm mà người sử dụng quản lý bằng tài khoản máy chủ phải là phiên bản mới nhất và tất cả các bản vá bảo mật cần phải được áp dụng ngay sau khi nó được phát hành. Điều này sẽ giảm nguy cơ một cuộc tấn công nhằm vào việc khai thác dữ liệu. Danh sách các lỗ hổng thường bị tấn công có thể xem tại đây.

* Tạo các bản sao lưu:

Một bản sao lưu tất cả các nội dung của máy chủ không bị "nhiễm độc" chắc chắn sẽ giúp người dùng tiết kiệm rất nhiều thời gian và công sức khi khôi phục. Một bản sao gần nhất sẽ rất hữu ích trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh cũng như trong trường hợp máy chủ hoặc trang web bị nhiễm độc.

* Quét tập tin thường xuyên:

Quét ngay cả khi không có dấu hiệu bị nhiễm độc nào được tìm thấy. Đây là một thao tác rất hữu ích để bảo vệ website, quét tất cả các tập tin trên máy chủ trong một thời gian nhất định ít nhất là một lần.

* Quan tâm đến bảo mật máy tính:

Rất nhiều malware độc hại tấn công vào các trang web và được phát tán bằng cách lây nhiễm vào các máy tính. Vì vậy, vấn đề an ninh của máy chủ chứa trang web là một trong những khía cạnh quan trọng nhất trong việc bảo mật website. Giữ cho máy chủ luôn trong tình trạng an toàn và không bị nhiễm độc sẽ nâng cao mức độ an toàn cũng như tránh được sự tấn công của các malware.

* Tăng cường mức độ bảo mật của máy chủ:

Nếu sở hữu hệ thống máy chủ, người dùng cần chú ý đến cấu hình của máy để bảo đảm mức độ an toàn nhất có thể. Hoạt động để tăng cường bảo mật máy chủ gồm những phần sau:

  • Loại bỏ tất cả các phần mềm không sử dụng
  • Vô hiệu hóa tất cả các dịch vụ và module không cần thiết
  • Thiết lập chính sách phù hợp cho người dùng và các nhóm
  • Thiết lập quyền truy cập/hạn chế truy cập vào các tập tin và thư mục nhất định
  • Vô hiệu hóa việc duyệt thư mục trực tiếp
  • Thu thập các tập tin ghi nhận hoạt động, thường xuyên kiểm tra các hoạt động đáng ngờ
  • Sử dụng mã hóa và các giao thức an toàn

Yếu tố con người vẫn đóng vai trò quan trọng nhất

Theo ông Jimmy Low, chuyên gia bảo mật khu vực Đông Nam Á thuộc Kaspersky Lab trả lời phỏng vấn của Nhịp Sống Số cho biết: "Mỗi hệ thống mạng đều có những vấn đề và điểm yếu riêng. Tuy nhiên, yếu điểm quan trọng nhất là yếu tố con người. Người quản trị mạng phải không ngừng nâng cao, học hỏi thêm kiến thức mới, tăng cường nhận thức về các mối đe dọa và bảo mật nhằm kịp thời nhận ra các lỗ hổng về kỹ thuật, tránh mắc phải các sai lầm trong công tác quản trị mạng".

Ông Jimmy cho rằng bất kỳ kỹ sư nào cũng có thể phạm phải sai lầm trong giai đoạn khởi nghiệp do thiếu kinh nghiệm và lời khuyên cho các kỹ sư trẻ rằng "đừng ngại học hỏi từ người đi trước, nếu các bạn không học hỏi từ người có kinh nghiệm và từ sai lầm, các bạn khó có thể phát triển bản thân trong nghề nghiệp".

Các malware tấn công trên website là một cơn ác mộng thực sự cho các nhà quản trị web và người sử dụng Internet trong khi tội phạm mạng không ngừng nâng cao kỹ thuật của mình và tạo thêm các cuộc khai thác mới. Việc lây lan các phần mềm độc hại diễn ra rất nhanh thông qua Internet gây ảnh hưởng đến máy chủ và các máy trạm.

Điều đó nói lên sự thật rằng không có cách nào loại bỏ các mối đe dọa này hoàn toàn. Tuy nhiên, tất cả các chủ sở hữu trang web và những người sử dụng Internet có thể làm cho Internet an toàn hơn bằng cách thực hiện theo các quy tắc bảo mật cơ bản và giữ cho website, máy tính người dùng không bị nhiễm độc trong bất cứ thời điểm nào.