SCIC sẽ thoái vốn tại nhiều doanh nghiệp, trong đó có Vinamilk, FPT, BMP.
Ngày 8/10, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã ký văn bản số 1787/TTg- ĐMDN về Đề án tái cơ cấu SCIC. Những khoản đầu tư chủ chốt chẳng hạn như VNM sẽ được bán.
Theo văn bản trên, Công ty chứng khoán HSC nhận định SCIC sẽ chọn thời gian thích hợp để thoái vốn khỏi 8 doanh nghiệp niêm yết, gồm VNM (45,1%); BMI (50,7%); VNR (40,4%); NTP (37,1%); BMP (38,4%); FPT (6%); SGC (49,9%); HGM (46,6%) và 2 doanh nghiệp chưa niêm yết là Công ty CP Viễn thông FPT (50,2%) và Công ty CP Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam - VIID (47,6%).
Tuy nhiên, SCIC sẽ giữ lại phần sở hữu trong 9 doanh nghiệp khác trong đó có các doanh nghiệp niêm yết như BVH, TRA, DHG và DMC.
Với phân tích này, có thể thấy đây là một bước đột phá giúp nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài có thể tiếp cận nhiều hơn đối với những bluechip lớn như VNM và FPT.
Tuy nhiên, sẽ còn phải chờ: (1) thời gian thực hiện cụ thể; (2) liệu thay đổi về định nghĩa công ty/NĐT nước ngoài như trong dự thảo thay thế Thông tư 74 có được phê duyệt hay không và (3) danh sách ngành kinh doanh có điều kiện.
Động cơ đằng sau quyết định này có liên quan đến tình hình ngân sách nhà nước hiện nay; trong đó Chính phủ có lẽ dự kiến dùng tiền từ bán tài sản để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.
Thị trường chắc chắn sẽ đón nhận thông tin này một cách tích cực do hiện tại đang thiếu hụt nguồn cung các cổ phiếu chủ chốt dẫn đến khó thu hút các dòng vốn lớn hơn vào thị trường.
Có thể thấy dự thảo Thông tư 74 của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) hứa hẹn sẽ là giải pháp về định nghĩa công ty nước ngoài cho các mục đích giao dịch cổ phiếu.
Cụ thể, đây là nỗ lực của UBCKNN nhằm khắc phục những hạn chế của Thông tư 60 về khuyến khích nới room cho NĐT nước ngoài trong các ngành không bị hạn chế.
Sau đó là dự thảo về điều khoản giao dịch trong ngày ngụ ý rằng việc bán khống trong ngày là có thể, miễn là tài khoản được cân bằng mua và bán trước khi thị trường đóng cửa.
Trước đó, UBCKNN đã tổ chức họp báo công bố dự thảo sửa đổi Thông 74.
Nhấn mạnh những thay đổi quan trọng như cho phép giao dịch cùng ngày đối với một số cổ phiếu và một sửa đổi quan trọng cho phép các cổ phiếu có room tăng lên 100% được xem là công ty trong nước cho mục đích giao dịch.
Cụ thể , đối với việc cho phép giao dịch trong ngày thì Thông tư dự thảo hiện cho phép NĐT bán cổ phiếu khi (1) cổ phiếu đã có sẵn trong tài khoản hoặc (2) NĐT đã mua cổ phiếu nhưng cổ phiếu chưa về tài khoản.
Trường hợp thứ hai rõ ràng là một đột phá quan trọng so với những quy định trước đây.
Ở trường hợp 1, giao dịch mua bán trong ngày được thực hiện thông qua việc nhà đầu tư bán số chứng khoán đã mua từ lệnh mua đã được thực hiện trước đó trong cùng ngày giao dịch (mua trước, bán sau); hoặc nhà đầu tư mua thêm chứng khoán để bù lại số chứng khoán đã bán trước đó (bán trước, mua sau).
Một chứng khoán đủ điều kiện cho mua - bán trong ngày nếu cổ phiếu đó bao gồm trong dánh sách hiện tại các cổ phiếu có margin.
UBCKNN sẽ công bố các cổ phiếu có giao dịch margin và dựa trên danh sách này, các công ty chứng khoán có thể quyết định cổ phiếu nào được áp dụng cho giao dịch trong ngày.
Điều này đánh dấu sự mở rộng cho với dự thảo trước đó quy định chỉ các cổ phiếu trong rổ VN30 và HNX30 là đủ điểu kiện cho mua - bán trong ngày. Như vậy hiện tại, các cổ phiếu có giao dịch margin đều đủ điều kiện.
Hơn nữa, UBCKNN sẽ áp dụng hạn chế đối với giao dịch trong ngày cho mỗi công ty chứng khoán, mỗi cổ phiếu và mỗi NĐT.
NĐT nước ngoài cũng không được phép tham gia các hoạt động margin và do đó cũng sẽ không được phép mua - bán cùng một chứng khoán trong cùng ngày giao dịch.
Và giao dịch trong ngày có thể không áp dụng với các giao dịch lô lẻ, giao dịch thỏa thuận, giao dịch ATO và ATC.
Như vậy, về cơ bản trường hợp thứ 2 cho phép giao dịch một cổ phiếu trong cùng phiên, bao gồm bán khống trong cùng phiên.
Và đây là một sự thay đổi lớn so với quy định T+3 trong đó NĐT phải mua trước cổ phiếu sau đó mới có thể bán. Tuy nhiên, những giao dịch như trong trường hợp thứ 2 sẽ phải tuân theo những quy định cụ thể của UBCKNN.
Còn với điều (2), cả NĐT nước ngoài và NĐT trong nước cũng sẽ được coi là NĐT trong nước trong trường hợp giao dịch những cổ phiếu không thuộc ngành kinh doanh có điều kiện.
Việc nới room theo Nghị định 60 cho những cổ phiếu không thuộc ngành kinh doanh có điều kiện đã gặp khó khăn do định nghĩa hiện nay về công ty nước ngoài.
Hiện UBCKNN quản lý giao dịch cổ phiếu theo đối tượng NĐT trong nước và NĐT nước ngoài (thông qua mã số giao dịch). Các công ty niêm yết cũng được phân loại dựa trên tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài.
Định nghĩa hiện nay về công ty nước ngoài theo Luật Đầu tư nước ngoài mới quy định là tổ chức có 51% vốn thuộc sở hữu NĐTNN thì được tính là NĐT nước ngoài.
Để giải quyết trở ngại này, dự thảo sửa đổi Thông tư 74 bổ sung Điều 14 quy định giao dịch chứng khoán tại công ty đại chúng, công ty niêm yết, quỹ đại chúng.
Theo đó giao dịch chứng khoán của các công ty và quỹ đầu tư phải tuân theo tất cả quy định cho NĐT trong nước. Về cơ bản, điều này có nghĩa là về giao dịch chứng khoán, NĐT trong nước và NĐT nước ngoài được đối xử như nhau.
Và theo đó có thể giảm lo ngại cho các công ty chứng khoán chẳng hạn như SSI (tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài có thể sẽ sớm vượt 51%) trong việc bị xếp vào công ty nước ngoài do điều này sẽ không ảnh hưởng đến kinh doanh của công ty (chẳng hạn như ảnh hưởng hạn chế cổ phiếu mà các công ty này được mua bán).
Dự thảo đã được trình lên Thủ tướng và Bộ Tài chính. Theo đó, UBCKNN kỳ vọng thông tư mới sẽ tạo điều kiện khuyến khích thêm công ty thực hiện nới room.