Ngày 19/4, người viết đã đặt thẳng câu hỏi với lãnh đạo cao cấp của Ngân hàng Nhà nước: “Với diễn biến hiện nay, ông có nản với kế hoạch bình ổn không?”.
Sau khi lao dốc cùng diễn biến trên thị trường thế giới, giá vàng trong nước bật tăng mạnh bất chấp cung lớn từ Ngân hàng Nhà nước - Nguồn ảnh: DOJI.
Câu trả lời nhận được là quan điểm tiếp tục giữ vững giải pháp đang làm, trước mắt sống chung với chênh lệch giá doãng rộng (và cả áp lực dư luận) nhưng tập trung xử lý dứt điểm hoạt động tất toán trạng thái của các ngân hàng thương mại. Khi cắt được lực cầu này, mục tiêu thu hẹp chênh lệch bỏ được một gánh nặng.
Và không nản, mà có e ngại phát sinh. Kế hoạch bình ổn thị trường vàng xuất hiện yếu tố bất thường quá lớn từ diễn biến của thị trường thế giới. Nó dẫn đến những e ngại có thể xẩy ra trong nước, khiến việc bình ổn không thể độc lập. Nói một cách hình ảnh, thẳng tay “ném” vàng thì dễ, nhưng tránh vỡ bình mới khó.
Sau cú rơi tuần rồi, giá vàng thế giới quy đổi ở khoảng 34 - 35 triệu đồng/lượng (chưa tính các chi phí liên quan). Giá vàng trong nước quanh 41 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá lên tới trên dưới 6 triệu đồng/lượng - kỷ lục.
Nếu Ngân hàng Nhà nước chăm chú thực hiện yêu cầu thu hẹp chênh lệch, xoa dịu áp lực dư luận, cách ứng xử có vẻ rất đơn giản. Họ sẽ ồ ạt bán ra, chỉ giữ chênh giá tương đối để bảo hiểm rủi ro. Giả sử, tuần rồi ngay lập tức họ cung 5 tấn, 10 tấn, thậm chí hàng chục tấn nếu lực cầu thị trường vẫn “cưỡng”, với giá chỉ 36 triệu đồng/lượng, kết quả bình ổn đã rất khác. Nhưng vì sao lại không làm vậy?
Một phần câu trả lời vẫn là quan ngại dùng nguồn lực nhà nước đi hỗ trợ các tổ chức tín dụng tất toán trạng thái giá thấp, hay có thể bù lỗ cho họ. Quan trọng hơn, có những chiếc bình, không hiện diện rõ trong áp ực dư luận, dễ vỡ nếu “ném” vàng thẳng tay như vậy.
Ngày 16/4, sau cú “rơi thẳng đứng” trên thị trường thế giới, giá vàng trong nước cũng đổ dốc. Rất lâu rồi người dân mới nhìn thấy nó về thấp như vậy, khoảng 39 triệu đồng/lượng so với 43 - 48 triệu đồng/lượng duy trì vài năm qua. Bất chấp mức cao hơn giá thế giới rất lớn, nhiều người mua, có hiện tượng xếp hàng, chen lẫn mua.
Một lãnh đạo chuyên trách của Ngân hàng Nhà nước chua chát: “Đọc những tít, dòng tin trên báo mà không biết sao nữa. Nói ùn ùn đi mua vàng, thẫn thờ vì không mua được vàng, có phần đúng nhưng không hẳn là đúng”.
Ông cho biết, với diễn biến bất thường trên, vụ chức năng lập tức rà soát, qua chế độ báo cáo của hệ thống, kỳ thực lượng mua của người dân có tăng lên nhưng không quá lớn, không quá đột biến, chỉ khoảng vài nghìn lượng/ngày. Trong khi lực mua từ các tổ chức mới đáng kể, trong đó có nhu cầu tranh thủ mua giá thấp để trả nợ vốn vàng vay trước đây.
“Cá nhân tôi lo ngại, khi dồn dập thông tin như vậy có thể tạo hiệu ứng “yêu” vàng hơn nữa trong dân cư. Hiệu ứng đám đông có thể lôi kéo thêm nhiều người chạy theo mua vàng. Lúc đó, lại thêm một nguồn tiền lớn chôn vào vàng, thay vì tiêu dùng, gửi ngân hàng hoặc đầu tư, gián tiếp đầu tư cho sản xuất kinh doanh”, vị lãnh đạo trên chia sẻ.
Ngoài chôn thêm vốn vào vàng, dù chia sẻ trên không trực tiếp nói đến, chiếc bình dễ vỡ ở đây là thanh khoản hệ thống ngân hàng.
Giả sử qua kênh đấu thầu, Ngân hàng Nhà nước ồ ạt tung hàng với giá rất thấp, chỉ 36 - 37 triệu đồng/lượng những ngày qua (thay vì áp giá sàn trên 40 triệu đồng), giá thị trường sẽ xuống thấp, sẽ càng kích thích vốn dân cư đổ vào vàng, thậm chí có thể kích hoạt một phần dòng vốn tiết kiệm từ ngân hàng rút ra, chảy vào vàng.
Thanh khoản hệ thống ngân hàng hiện khá tốt, nhưng chưa thực sự bền vững. Một tác động đủ mạnh như tình huống trên xẩy ra, từ vàng, hoàn toàn có thể gây tổn thương. Phản ứng thông thường, các nhà băng lại khơi mào cuộc đua lãi suất giữ chân khách, cạnh tranh hút vốn; lãi suất cho vay lại vuột đi hy vọng có thể giảm tiếp…
Có lẽ đó là một lý do chính khiến Ngân hàng Nhà nước không ùa theo diễn biến giá thế giới, bán ra giá thấp tương ứng để ít nhất không cho chênh lệch giá doãng ra, kiểu như chỉ việc nhập về, dập ra và bán khi thị trường “sung”, thu lãi lớn cho ngân sách. Nhưng họ phải tránh chiếc bình thanh khoản dễ vỡ.
Tuần rồi, lại thêm khoảng 100 nghìn lượng vàng được tung ra. Tổng thể đã có 10 tấn kể từ khi hoạt động đấu thầu bắt đầu. Lực cầu vàng trong nước như thùng không đáy?
Như ở bài viết trước, thông tin mà VnEconomy tìm hiểu tại một số ngân hàng thương mại là cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước vào cuộc, yêu cầu thực hiện nghiêm túc việc tất toán trạng thái. Họ phải mua, mà có thể phải mua xong trong tháng 4 này, để cắt bỏ hoàn toàn lực cầu lớn từ tất toán, bịt lại cái đáy như bị thủng của chiếc thùng bình ổn hiện nay.
Những năm trước, cho nhập khẩu bình ổn, quy mô cũng rất lớn, trên dưới 30 tấn. Lần này mới chỉ 10 tấn. Để bịt cái đáy trên có thể cần thêm chục tấn nữa. Bịt xong, lực cầu của dân cư, nếu theo thực tế mua vào những ngày biến động vừa qua, có thể chỉ cần vài ba tấn là dập tắt (ngoại trừ có yếu tố bất thường). Khi đó, chênh lệch giá sẽ từng bước thu hẹp một cách bền vững hơn.
Nhưng có sai số. Liệu có các tổ chức cũng nhảy vào đầu tư vàng vật chất? Là bình thường với lựa chọn đầu tư của họ, nhưng sẽ không bình thường nếu sử dụng vốn vay mượn ngân hàng. Rất có thể Ngân hàng Nhà nước sẽ để ý các giao dịch lớn của tổ chức, “đoán định” nguồn vốn có khả năng vay mượn từ ngân hàng để thanh tra và xử lý.
Một sai số nữa, các tổ chức tín dụng mua vàng qua đấu thầu để tất toán, cân bằng thanh khoản, nhưng thấy có chênh lệch trên thị trường thứ cấp hấp dẫn và dùng nguồn vàng đó tranh thủ “kiếm tí”. Vàng khi mua qua đấu thầu là tài sản của tổ chức tín dụng, họ có quyền sử dụng vào bất cứ mục đích nào hợp pháp; nhưng nếu việc sử dụng đó dẫn tới không đảm bảo yêu cầu thanh khoản và tất toán, có thể cơ quan thanh tra cũng sẽ vào cuộc xử lý.