Ngân hàng Thế giới hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Ngân hàng Thế giới (WB) đã cắt giảm triển vọng tăng trưởng toàn cầu khi cảnh báo rằng các thị trường phát triển đã đối mặt với một loạt trở ngại từ giá hàng hóa thấp hơn cho đến triển vọng chi phí vay mượn cao hơn.

Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố hôm nay (11/6) cho biết, năm 2015, nhiều nước đang phát triển phụ thuộc nặng vào xuất khẩu hàng hóa vì vậy giảm giá dầu và các mặt hàng chiến lược càng làm chậm lại tốc độ tăng trưởng của các nước này. Tuy các nước nhập hàng hóa được hưởng lợi từ lạm phát thấp, áp lực tài khóa thấp, và chi phí nhập khẩu thấp, nhưng giá dầu thấp cũng chỉ góp phần tăng cường mức độ hoạt động kinh tế một cách chậm chạp do nhiều nước bị thiếu điện, dịch vụ giao thông, tưới tiêu và các dịch vụ hạ tầng cơ bản khác một cách triền miên; ngoài ra còn một loạt các yếu tố khác như bất ổn chính trị; và hạn hán và lũ lụt gây ra bởi thời tiết bất thuận.

Ông Franziska Ohnsorge, Chủ biên báo cáo cho biết: “Sau bốn năm với thành tích tăng trưởng đáng thất vọng, các nước đang phát triển vẫn chưa lấy lại được đà cũ. Mặc dù điều kiện tài chínhthuận lợi nhưng sụt giảm tăng trưởng vẫn kéo dài tại nhiều nước đang phát triển bị gây ra bởi thiếu hụt các dịch vụ trong nông nghiệp, ngành điện, giao thông, cơ sở hạ tầng và các dịch vụ kinh tế cơ bản khác. Chính vì vậy mà tái cơ cấu càng trở nên cấp thiết.”
Theo WB, kinh tế Brazil hiện đang bị ảnh hưởng bởi mức độ lòng tin thấp và lạm phát cao dự tính sẽ giảm 1,3% trong năm 2015, tức là 2,3 điểm phần trăm so với mức tháng Giêng. Nền kinh tế Nga bị ảnh hưởng của giá dầu thấp và các lệnh trừng phạt dự đoán sẽ giảm 2,7%. GDP của Mexico dự báo sẽ tăng trưởng 2,6% trong khi hoạt động kinh tế khởi sắc tại Mỹ và giá dầu giảm sẽ thúc đẩy tăng trưởng. Trung Quốc đang điều hành quá trình làm chậm tăng trưởng kinh tế một cách cẩn trọng dự đoán sẽ giảm đà tăng trưởng nhưng vẫn đạt mức cao là 7,1% trong năm nay. Tại Ấn Độ, một nước nhập khẩu dầu, kết quả cải cách đã giúp giữ vững lòng tin và giá dầu giảm đã góp phầm giảm nhẹ mức độ tổn thương, qua đó tạo cơ sở đạt mức tăng trưởng 7,5% trong năm 2015.
Khu vực châu Âu và Nhật Bản tăng trưởng đã tăng trở lại, kinh tế Hoa Kỳ mở rộng tuy xuất phát còn hơi yếu vào đầu năm. Các nước thu nhập cao sẽ tăng trưởng 2% năm nay, sau đó tăng lên 2,4% năm 2016 và 2,2% năm 2017. Dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng 2,8% năm nay, 3,3% năm 2016 và 3,2% năm 2017.
Tình hình Khu vực Đông Á - Thái Bình Dương dự tính tăng trưởng toàn khu vực dự tính sẽ tiếp tục giảm xuống còn 6,7% năm 2015 và giữ ổn định ở mức này trong thời gian sau đó. 
Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục giảm nhưng các nước còn lại trong khu vực sẽ tăng nhờ vào sự phục hồi kinh tế tại các nước phát triển, giá năng lượng thấp, ổn định chính trị được cải thiện, cải thiện thanh khoản trên thị trường tài chính toàn cầu, tuy chính sách tiền tệ tại Hoa Kỳ có khả năng sẽ bị thắt chặt. 

Tại Trung Quốc, tăng trưởng dự báo sẽ đạt 7,1% năm 2015 và 7,0% năm 2016 do áp dụng các chính sách nhằm tăng trưởng ổn định hơn. Tăng trưởng toàn khu vực, trừ Trung Quốc, dự báo sẽ đạt 4,8% năm 2015 và 5,4% năm 2016 nhờ vào động lực từ các nền kinh tế lớn trong ASEAN. Tại Indonesia, tăng trưởng dự báo sẽ giảm xuống 4,7% năm 2015, sau đó sẽ tăng dần nhờ phục hồi đầu tư và xuất khẩu. Tại Thái Lan, GDP dự tính sẽ tăng 3,5% năm 2015, trong đó xuất khẩu tăng nhẹ. Tại Malaysia tăng trưởng sẽ giảm xuống còn 4,7% năm 2015 do giá dầu thấp làm giảm đầu tư trong ngành dầu khí trong khi đó thì tăng trưởng tín dụng cũng vẫn còn chậm.
Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu lần này cho biết, năm 2015, tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ ở mức 6%, đạt 6,2% vào năm 2016 và 6,5% vào năm 2017. Như vậy, so với đầu năm 2015, các dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam của WB đều cao hơn (Trong báo cáo triển vọng kinh tế đầu năm 2015, WB dự báo tăng trưởng ở mức 5,6%, đạt 5,8% vào năm 2016 và 6% vào năm 2017).
Các chuyên gia của WB cho rằng, tăng cầu trong nước vẫn là yếu tố chính góp phần thúc đẩy tăng trưởng trong khu vực, mặc dù mức cầu bên ngoài thấp và chịu áp lực cạnh tranh do đồng tiền nhiều nước trong khu vực tăng giá.
Nếu giá nhiên liệu tiếp tục giữ ở mức thấp thì đây sẽ là yếu tố thuận lợi đối với viễn cảnh kinh tế khu vực nhưng giá cả hàng hoá thấp đang cản trở tăng trưởng tại các nước xuất khẩu hàng hoá và các nước này phải tự điều chỉnh để thích ứng với hoàn cảnh đó.
Theo ông  Ayhan Kose- Giám đốc Viễn cảnh Phát triển của WB: “Nếu các thị trường mới nổi không thực hiện các chính sách cẩn trọng nhằm đối phó tốt với bất ổn tài chính và bất ổn từ bên ngoài thì họ sẽ gặp khó khăn đáng kể khi phải đối phó với cơn bão thắt chặt chính sách của Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ và các hệ quả đi kèm khác".

HÒA HẬU