Ngành Tòa án: Đảm bảo tính độc lập, công khai, minh bạch

Ngành Tòa án: Đảm bảo tính độc lập, công khai, minh bạch

 

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh, trong hoạt động xét xử, ngành Tòa án phải luôn đảm bảo tính độc lập, tính công khai, minh bạch… Tuyệt đối tránh sự can thiệp của các cấp chính quyền trong hoạt động xét xử.

 

         

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: Đảm bảo tính độc lập, tính công khai, minh bạch trong hoạt động của ngành Toà án

Tại Hội nghị triển khai công tác năm 2010 của ngành Tòa án hôm nay (25/1), Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết biểu dương những nỗ lực của tòa án nhân dân các cấp năm 2009 trong việc nâng cao số lượng vụ án được đưa ra xét xử và chất lượng công tác xét xử, cũng như việc thực hiện lộ trình cải cách tư pháp...

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh, trong hoạt động xét xử, ngành Tòa án phải luôn đảm bảo tính độc lập, tính công khai, minh bạch… Tuyệt đối tránh sự can thiệp của các cấp chính quyền trong hoạt động xét xử.

Việc đảm bảo tính độc lập trong hoạt động xét xử cũng là việc đảm bảo các bản án được tuyên tại tòa là công khai, minh bạch, xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; không bỏ lọt tội phạm nhưng cũng không để oan sai cho người vô tội, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nêu rõ.

Trong năm 2010, ngành Tòa án cần quan tâm hơn nữa tới công tác kiện toàn bộ máy tổ chức; đặc biệt chú trọng tới việc đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ của ngành nhằm đáp ứng tốt nhất các yêu cầu, nhiệm vụ được giao trong tình hình mới.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án; hạn chế tới mức thấp nhất các bản án, các quyết định bị hủy, sửa do lỗi của cơ quan tòa án…

Một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2010

Tại Hội nghị, ngành Tòa án đã xác định một số nhiệm vụ trọng tâm sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện trong năm 2010 như tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội về công tác tư pháp và cải cách tư pháp; giải quyết nhanh và dứt điểm các vụ án hình sự và các tranh chấp dân sự nổi cộm, gây bức xúc hiện nay; tăng cường công tác xét xử lưu động; chú trọng và làm tốt công tác hòa giải trong quá trình xét xử các vụ án dân sự.

Năm 2009, Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự các cấp đã thụ lý 80.104 vụ án hình sự với 138.823 bị cáo, đã giải quyết, xét xử được 78.343 vụ án với 134.717 bị cáo; thụ lý 214.174 vụ việc dân sự, đã giải quyết, xét xử được 194.358 vụ việc.

Toàn ngành đã xét xử lưu động trên 5.000 vụ án hình sự, tỷ lệ các vụ việc dân sự và vụ án hành chính giải quyết bằng hòa giải thành công chiếm 45% tổng số vụ.

Nâng cao hiệu quả công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo về tư pháp, đặc biệt là các đơn đề nghị về giám đốc thẩm, tái thẩm…

Khẩn trương hoàn thiện các dự án Luật, Pháp lệnh được giao chủ trì soạn thảo theo đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua.

Tiếp tục kiện toàn và củng cố bộ máy, tổ chức toà án các cấp, trong đó  củng cố đội ngũ cán bộ làm công tác thi hành án hình sự; thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, luân chuyển cán bộ; thực hiện ngay các giải pháp về tổ chức cán bộ để từng bước đảm bảo, tuyển dụng đủ cán bộ, thẩm phán theo quy định và tiêu chuẩn.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các đề án: Đề án chiến lược về công tác cán bộ của ngành Tòa án nhân dân đến năm 2020; Đề án nâng cao năng lực và quy mô Trường cán bộ Tòa án; Đề án thành lập Tòa án sơ thẩm khu vực, Tòa án phúc thẩm, Tòa án thượng thẩm và đổi mới tổ chức, hoạt động của Tòa án nhân dân nhân dân tối cao…

Đẩy mạnh hơn nữa các phong trào thi đua, đặc biệt là phong trào thi đua “Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư” với phương châm “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân” gắn với giai đoạn II Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong toàn ngành Tòa án nhân dân.

Trong năm 2010, nhiều tòa án các tỉnh như Thái Bình, Điện Biên, Nam Định, Vĩnh Phúc…đặt mục tiêu phấn đấu giải quyết 100% các vụ án hình sự đã thụ lý.