Thông qua nghiên cứu quá trình đổi mới cơ chế quản lý khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH, CN & ĐMST) của Việt Nam trong quá trình đổi mới kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, đề tài: “Nghiên cứu chính sách khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam và Cuba phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong bối cảnh quá trình nâng cấp mô hình kinh tế của Cuba và tiến trình đổi mới, hội nhập quốc tế của Việt Nam” do PGS. TS. Trần Ngọc Ca cùng các cộng sự tại Viện Chiến lược và Chính sách khoa học và công nghệ thực hiện từ năm 2018 đến năm 2020, sẽ cung cấp luận cứ mang tính gợi suy cho Cuba trong việc cập nhật mô hình kinh tế; đồng thời, nghiên cứu các chính sách mang lại thành công trong một số lĩnh vực KH&CN nhất định của Cuba để rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.
Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia trong nhiều nghiên cứu được gọi chung và rộng hơn là hệ thống khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề của xã hội và phát triển bền vững. Nhiệm vụ nghiên cứu này có mục đích chia sẻ kinh nghiệm giữa Việt Nam và Cuba về phát triển hệ thống KH, CN và ĐMST cũng như quá trình thay đổi chính sách phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội. Trong khuôn khổ nhiệm vụ này, chủ đề nghiên cứu được hiểu theo cách tiếp cận chung của hệ thống ĐMST quốc gia đang trưởng thành của các nước đang phát triển trong điều kiện chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường.
Kết quả nghiên cứu đã cho thấy hiện trạng của hệ thống KH, CN và ĐMST ở cả hai nước đã có những bước phát triển dần dần theo từng thời kỳ. Việc phân tích các thay đổi chính sách cũng cho thấy, tùy theo điều kiện phát triển các chính sách cũng được điều chỉnh và xây dựng mới cho phù hợp với điều kiện của giai đọan. Một số kinh nghiệm và bài học chính sách của cả hai nước đã được đúc rút và đề xuất như những bài học mà nước kia có thể cân nhắc học hỏi. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, một số các kinh nghiệm về xây dựng chính sách đã được phía Cuba vận dụng ngay. Một số giải pháp chính sách khác có thể được hình thành trong khuôn khổ của những hoạt động hợp tác tiếp theo về xây dựng các chính sách và đào tạo cụ thể, nhất là trong lĩnh vực phát triển và đổi mới, chuyển giao công nghệ ở Cuba.
Có thể thấy, một số kinh nghiệm và bài học có thể học hỏi được ngay, nhưng cũng có những bài học còn tùy thuộc nhiều vào điều kiện kinh tế - xã hội và định hướng phát triển của từng nước. Mô hình phát triển của Việt Nam là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong khi đó Cuba chưa tuyên bố phát triển kinh tế thị trường mà chỉ cập nhật mô hình kinh tế. Những mức độ và định hướng phát triển này sẽ có thể tạo ra những điều kiện khác nhau và không dễ dàng cho việc sử dụng các bài học kinh nghiệm. Do vậy, các bài học kinh nghiệm có lẽ sẽ có ý nghĩa thực tiễn hơn nếu nhìn vào đó như những gợi suy thay vì những giải pháp cụ thể. Những gợi ý chính sách này sẽ có thể giúp cho các nhà hoạch định chính sách đưa ra những giải pháp riêng phù hợp với điều kiện và thời điểm phát triển của mình thay vì bắt chước ngay những kinh nghiệm chính sách từ bên ngoài.
Việc chia sẻ kinh nghiệm và chấp nhận các bài học chính sách bản thân sẽ là một thử nghiệm chính sách trong giai đoạn này của hợp tác song phương Việt Nam và Cuba. Đây có thể sẽ là tiền đề cho những bước hợp tác tiếp sau trong những lĩnh vực khác nhau giữa hai nước.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 17947/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)
https://www.vista.gov.vn/