ThS. Đặng Xuân Thủy, giảng viên khoa cơ khí- Trường đại học bách khoa Đà Nẵng và nhóm nghiên cứu đã sáng chế và chuyển giao thành công cabin chở bệnh nhân Covid-19 trong khu cách ly.
Cabin chở bệnh nhân Covid-19 có cấu tạo như một buồng áp lực âm (đảm bảo không phát tán virus ra không khí), được trang bị đầy đủ hệ thống thiết bị phun khử khuẩn, quạt hút gió, bình oxy, đèn chiếu sáng và đèn cảnh báo. Với vật liệu chế tạo bằng nhôm, cabin có trọng lượng khoảng 80 kg, dễ dàng di chuyển nhờ được kết nối với xe máy điện hoặc kéo tay linh hoạt. Bên trong cabin có lắp đặt ghế ngồi hoặc lật nằm, chở được trọng tải hơn 100 kg.
“Tính ưu việt của sản phẩm này là vừa vận chuyển bằng xe máy điện, phù hợp vận chuyển bệnh nhân giữa các khu nhà, phòng chức năng và khuôn viên của các bệnh viện, trung tâm y tế; đồng thời vừa có thể thuận tiện tháo lắp để di chuyển kéo tay từ hành lang vào tận các phòng bệnh… Chi phí chế tạo sản phẩm ước khoảng 60 triệu đồng. Nếu sản xuất số lượng lớn, có thể giảm chi phí còn khoảng 50 triệu đồng”, ThS. Đặng Xuân Thủy cho biết.
Từ “đặt hàng” của Trung tâm y tế quận Liên Chiểu, chỉ trong vòng 1 tháng, nhóm nghiên cứu của Trường đại học bách khoa Đà Nẵng đã chế tạo thành công và chuyển giao kịp thời, để có thể đưa vào sử dụng ngay, đáp ứng nhu cầu cấp thiết vận chuyển các bệnh nhân nghi nhiễm hoặc đã mắc Covid-19 trong phạm vi nội bộ bệnh viện.
“Trong quá trình chế tạo, theo dự kiến ban đầu từ khâu lên ý tưởng đến thiết kế, chế tạo, dự kiến sẽ quyết tâm nỗ lực hoàn thành sớm hơn, song do tình hình dịch tái diễn phức tạp nên gặp khó khăn khi mua các linh, phụ kiện, đồng thời hạn chế tập trung đông người để chế tạo nên thời gian mới kéo dài hơn dự kiến”, ThS. Thủy chia sẻ.
Theo BS. Lê Văn Sỹ, giám đốc Trung tâm y tế quận Liên Chiểu, đơn vị tiếp nhận chuyển giao, ứng dụng cho biết, nhờ cabin có áp lực âm, khi di chuyển bệnh nhân hoặc người nghi nhiễm đảm bảo không phát tán virus ra bên ngoài, gây lây nhiễm chéo.
Việc ứng dụng sản phẩm thực sự hiệu quả, phù hợp với Trung tâm y tế quận Liên Chiểu có khu vực cách ly F1 và khu sàng lọc khá xa, trong khi ô tô không thể vào tận nơi đưa đón bệnh nhân. Mô hình này có thể nhân rộng, sử dụng ở các bệnh viện, trung tâm y tế có khuôn viên lớn, dùng đường nội bộ để chuyên chở bệnh nhân đối với những khu vực khó sử dụng phương tiện ô tô.
Thời gian tới, Trường đại học bách khoa Đà Nẵng sẽ tiếp tục cải tiến công nghệ, đáp ứng nhu cầu sử dụng, tiện ích phục vụ kịp thời cho các bệnh viện, trung tâm y tế cũng như chuyển giao đến các đơn vị có nhu cầu trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Nguồn: khoahocphothong.com.vn