NGHIÊN CỨU VÀ LỰA CHỌN CÁC GIẢI PHÁP HỢP LÝ XỬ LÝ ĐẤT YẾU DƯỚI NỀN ĐẮP TRONG ĐIỀU KIỆN ĐỊA CHẤT THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

I. ĐẶT VẤN ĐỀ:
Vấn đề xây dựng nền đắp trên đất yếu là một đề tài được nhiều nước trên thế giới quan tâm và tiến hành nghiên cứu có hệ thống, bởi đây là một hiện tượng rất thường gặp trong quá trình xây dựng, nếu không có các biện pháp xử lý thích hợp thường dễ bị mất ổn định toàn khối dẫn đến lún sụt, sụp đổ công trình.
Ở nước ta, vấn đề xử lý đất yếu dưới nền đắp vẫn còn là một công việc mới mẽ. Cho đến nay vẫn chưa có một đánh giá mang tính toàn diện về tình hình xây dựng và khai thác nền đường đắp trên đất yếu, chưa có các đối chiếu giữa lý thuyết và thực tế thi công như độ lún, độ ổn định trượt, trồi, … hay nghiên cứu về sự thay đổi các chỉ tiêu cơ lý của lớp đất yếu sau khi được xử lý,…
Đối với thành phố Đà Nẵng, trước đây thường xây dựng công trình trên các vùng địa chất tốt để giảm bớt những vấn đề kỹ thuật phải xử lý và hạ giá thành xây dựng. Hiện nay, theo Quy hoạch tổng thể thành phố Đà Nẵng, không gian đô thị của thành phố sẽ được phát triển theo hướng Tây - Tây Bắc dọc theo sông Cu Đê đến Trường Định và hướng Tây - Tây Nam theo quốc lộ 1A và 14B về phía các xã Hòa Thọ, Hòa Phát… Nhìn chung, đây là những khu vực có địa chất khá phức tạp, nhiều khu vực có địa tầng là lớp đất mềm yếu, cường độ chịu tải không cao sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ổn định công trình hạ tầng xây dựng bên trên.
Để đảm bảo chất lượng, hiệu quả của công trình khi đưa vào khai thác, sử dụng, một vấn đề luôn được quan tâm, đặt lên hàng đầu chính là sự ổn định của nền móng công trình.
Cho đến nay, việc xử lý đất yếu cho các công trình xây dựng san nền, kênh, đê đập, đường giao thông có dạng nền đắp thường áp dụng theo Quy trình khảo sát, thiết kế nền đường ôtô đắp trên đất yếu 22TCN 262-2000 hoặc Tiêu chuẩn thiết kế nền các công trình thủy công TCVN 4253-1986. Tuy nhiên, trong quá trình các đơn vị Tư vấn thiết kế vận dụng Tiêu chuẩn và Quy trình trên để thực hiện, mặc dù đã đạt được một số những yêu cầu nhất định, vẫn còn tồn tại những vấn đề cần phải trao đổi, rút kinh nghiệm trong các trường hợp xử lý đất yếu sẽ gặp về sau.
Hiện nay, có rất nhiều khu vực có địa chất yếu (ao hồ, đầm lầy, ven sông, biển,…) đang được quy hoạch thành những khu đô thị mới như khu vịnh Mân Quang, khu Cẩm Lệ, Hòa Xuân, Hòa Châu, Ngũ Hành Sơn,… Kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ là cơ sở cho việc tiếp tục khai thác những khu vực có địa chất yếu trong việc xây dựng các công trình hạ tầng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đồng thời sẽ giúp cho các cơ quan QLNN có những định hướng cho công tác quản lý, khai thác các công trình được xây dựng trên nền đất yếu.

II. MỤC TIÊU NGHIÊN CỨU:
- Rà soát lại các giải pháp xử lý đất yếu dưới nền đắp để lựa chọn giải pháp phù hợp nhất với điều kiện khu vực, có những hiệu chỉnh thích đáng đối với biện pháp xử lý;
- Đề xuất phương án xử lý ổn định nền đắp trên đất yếu đảm bảo an toàn, hiệu quả nhất ứng với mỗi loại địa tầng, sẽ góp phần nhanh chóng lựa chọn phương án xử lý hợp lý, cũng đồng nghĩa với việc rút ngắn được quá trình chuẩn bị đầu tư cho một dự án đầu tư xây dựng.

III. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU:
a) Thu thập tài liệu về địa chất đất yếu và các giải pháp xử lý khu vực thành phố Đà Nẵng.
b) Đánh giá tình hình địa chất đất yếu và các giải pháp xử lý đã áp dụng khu vực thành phố Đà Nẵng: Dựa trên các số liệu điều tra, thu thập về địa chất và địa chất công trình; về các giải pháp xử lý đất yếu dưới nền đắp đã và đang áp dụng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, cũng như các khái niệm, quy định về loại đất yếu nhằm giúp cho các cơ quan QLNN, các tổ chức tư vấn thiết kế có cơ sở ban đầu trong việc:
- Sơ bộ dự lường khả năng ổn định của công trình dạng nền đắp khi lập dự án đầu tư xây dựng, định hướng mật độ và chiều sâu lỗ khoan địa chất công trình khi lập đề cương khảo sát địa chất ở giai đoạn báo cáo nghiên cứu khả thi.
- Dự kiến khả năng và quy mô của giải pháp xử lý, tính toán sơ bộ kết cấu cũng như kinh phí khái toán cho phần nền móng công trình ở bước lập báo cáo quy mô đầu tư.
c) Nghiên cứu và đề xuất giải pháp công nghệ xử lý đất yếu dưới nền đắp khu vực thành phố Đà Nẵng.

IV. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU:
- Phương pháp thống kê: Thực hiện thống kê, tổng hợp tài liệu khảo sát địa chất công trình, phương pháp xử lý đất yếu của những công trình dạng nền đắp đã xây dựng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
- Phương pháp thực nghiệm: Tổ chức triển khai khoan kiểm tra đối chứng đánh giá các chỉ tiêu cơ lý của đất yếu sau khi xử lý bằng các phương án khác nhau.
- Phương pháp tổng hợp: Căn cứ vào kết quả của phương pháp thống kê, phương pháp phân tích, tổng hợp các số liệu, kết hợp với kiến thức khoa học, quy trình, quy phạm để đánh giá tổng kết về địa chất yếu thành phố cũng như các giải pháp xử lý đất yếu dưới nền đắp hiện nay.

xem chi tiết