Một số di vật khảo cổ được khai quật ở hang Ngườm Hầu, xã Thanh Tương, huyện Na Hang. Ảnh: Đài Phát thanh Truyền hình Tuyên Quang. |
Ông Lý Mạnh Thắng, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang, cho biết, Viện Khảo cổ học Việt Nam và Bảo tàng tỉnh khai quật hang Ngườm Hầu, thôn Nà Lộc, xã Thanh Tương, huyện Na Hang. Kết quả khai quật cho thấy dấu tích người tiền sử xuất hiện ở hầu khắp diện tích hang với hai lớp văn hóa phát triển trực tiếp lên nhau, không có lớp phân cách.
Lớp văn hóa sớm nằm ở phía dưới, có độ dày gần 100 cm, chứa nhiều công cụ lao động như công cụ chặt đập, công cụ nạo cắt, cuốc tay có đầu nhọn cùng một số đá nguyên liệu. Tất cả đều được chế tác từ những viên cuội sông suối bằng kỹ thuật ghè đẽo thô sơ. Điều này chứng tỏ người cổ Ngườm Hầu sử dụng khá phổ biến kỹ thuật mài. Loại hình công cụ ở lớp này mang đặc trưng công cụ văn hóa hậu kỳ đá mới.
Với độ dày gần 20 cm, lớp văn hóa muộn nằm ở bên trên. Ngoài những công cụ đá cuội ghè đẽo, các chuyên gia tìm thấy ba chiếc rìu có vai và rìu tứ giác mài nhẵn toàn thân, một di vật có hình dáng như một lưỡi cuốc bản rộng. Họ còn tìm thấy hàng chục mảnh gốm mịn với màu đỏ bên trong và họa tiết vặn thừng thô bên ngoài.
Hầu hết các lớp văn hóa đều có dấu vết của bếp lửa với lớp than tro mỏng, đất đỏ cháy. Trong các lớp văn hóa các nhà khảo cổ tìm thấy khối lượng lớn xương răng động vật và vỏ nhuyễn thể sông suối như vỏ ốc, vỏ trai, cua. Đó chính là tàn tích thức ăn mà người tiền sử bỏ lại.
Cán bộ Viện Khảo cổ học Việt Nam phân loại các di vật. Ảnh: Đài Phát thanh Truyền hình Tuyên Quang. |
Ngoài ra, đoàn khảo cổ còn phát hiện một ngôi mộ được đánh dấu bằng 14 tảng đá xếp theo một chiều dài hơn 1,6 m. Xương cốt của chủ nhân ngôi mộ được xếp rải rác dưới các phiến đá. Họ không tìm thấy dấu vết hộp sọ. 7 công cụ đá làm đồ tùy táng được chôn dọc theo thân mộ. Trong số đồ tùy táng các chuyên gia thấy một phiến đá nặng, hình dáng giống con dao, trên sống lưỡi có 25 dấu vết khắc song song.
TTXVN dẫn lời tiến sĩ Trình Năng Chung, Viện Khảo cổ học Việt Nam, cho biết, dựa vào nghiên cứu tổng thể các di vật và kết cấu trầm tích địa tầng văn hóa, hang Ngườm Hầu là một di tích cư trú của nhiều thế hệ cư dân tiền sử.
Lớp cư trú sớm nhất thuộc cư dân văn hóa hậu kỳ đá mới, có niên đại cách ngày nay khoảng 4.000 đến 4.200 năm. Lớp cư trú muộn thuộc thời kỳ kim khí, niên đại cách ngày nay khoảng 3.000 đến 3.500 năm.