Người mang công nghệ Nhật về cho trái hồng Đà Lạt

Đầu ra bế tắc, lợi nhuận kiếm được không đáng kể, thậm chí lỗ khiến ông Trần Phú Lộc (Đà Lạt) quyết định sang Nhật học cách sấy khô trái hồng, nhằm nâng cao chất lượng và giá trị cho loại nông sản này.

Vốn là một cán bộ kỹ thuật của Công ty cổ phần rượu bia Đà Lạt nhưng khi về hưu, ông Trần Phú Lộc (Đà Lạt) vẫn luôn hứng khởi với công việc. Thay vì nghỉ ngơi, du lịch, ông lại ngày đêm chăm sóc vườn hồng của gia đình dưới một thung lũng cạnh cửa ngõ thành phố.

"Công sức bỏ ra nhiều nhưng đến khi thu hoạch, hồng bán rẻ như cho, doanh thu bán ra không bù đắp được chi phí, trong khi trái cây này là đặc sản nổi tiếng của Đà Lạt. Chứng kiến cảnh tượng này nhiều năm khiến tôi đau xót vô cùng", ông Lộc bộc bạch.

Cũng chính từ những nỗi niềm ấy, ông nhớ lại kỷ niệm khi đi công tác tại Nhật, chứng kiến nông dân nước bạn có thêm lợi nhuận bằng cách sấy khô quả hồng và xuất khẩu.

"Tại sao họ làm được mà mình lại không thử. Trong khi đó, đâu phải một mình tôi chịu thiệt mà người trồng ở Đà Lạt cũng chung hoàn cảnh. Nghĩ đến đấy, tôi quyết định quay trở lại nước Nhật để học bằng được cách sấy khô quả hồng của họ", ông Lộc chia sẻ.

Với quyết tâm đổi mới và thoát khỏi khó khăn, đầu năm 2014, ông Lộc quyết định chi một khoản tiền để qua Nhật học cách sấy hồng. Để thuận tiện cho việc tiếp cận, ông nhờ một người phiên dịch đi cùng. Tới Nhật, sau khi trình bày ý định học cách sấy hồng, ông được đối tác đón tiếp chu đáo và được cùng ăn, ở, làm việc với nông dân. Hằng ngày ông quan sát và ghi chép tỉ mỉ các công đoạn vào một cuốn sổ nhỏ.

Cũng từ việc thâm nhập thực tế này, ông phát hiện, cách chăm sóc cây hồng ở Nhật hoàn toàn khác với nông dân Đà Lạt. Nếu ở Việt Nam trồng hồng là chăm sóc thân cây sao cho càng cao to càng tốt vì họ tin rằng sẽ đạt năng suất cao. Ngược lại, tại Nhật họ không khuyến khích cho cây hồng phát triển chiều cao, tất cả ngọn đều được chặt bỏ để cây tập trung phát triển tán, vươn rộng bề ngang. Người Nhật cho rằng, làm như vậy cây hồng sẽ hấp thụ được nhiều ánh sáng mặt trời, nhiều tán sẽ cho quả nhiều và sản lượng trên từng cây cũng sẽ cao hơn.

Nhờ thế, khi thu hoạch, người Nhật chỉ cần đứng với tầm tay là hái được quả, không phải như người Đà Lạt dùng sào tre đan thêm một cái rọ ở phần chuôi để khều. Cách thu hoạch này khiến tỷ lệ hồng hư hao rất cao vì chúng có thể bị dập do rơi từ trên cao xuống, hoặc bị những rọ tre đâm thẳng vào quả.

Riêng với công đoạn sấy khô, thực ra nhà vườn Đà Lạt cũng đã thực hiện từ hơn 30 năm trước nhưng họ chỉ làm thủ công, nhỏ lẻ, nếu có áp dụng công nghệ cũ cũng khiến chất lượng hồng sấy không đồng đều, thậm chí nếu khâu điều chỉnh lò than để sấy hồng không đều lửa sẽ khiến sản phẩm có màu hơi đen và không bắt mắt. Trong khi đó, hồng sấy Nhật được lựa chọn nghiêm ngặt và sử dụng công nghệ khép kín nên chất lượng sản phẩm đồng đều.

Sau khi hiểu rõ công đoạn chế biến và sản xuất, ông Lộc trở về Đà Lạt và mạnh dạn làm thử. Ông dựng trong vườn nhà mình một nhà sấy hồng bằng nilon tương tự như nhà kính trồng hoa ở Đà Lạt (ảnh trên), các thiết bị máy móc cũng được trang bị cùng lúc. Ông bắt đầu tuyển lựa những quả to, căng mọng, chín vàng, được hái cả cuống, sau đó đem về rửa sạch, đưa vào máy bóc lớp vỏ ngoài.

Tiếp đó, những trái hồng này được treo lên sợi dây dù nhỏ, xếp thành từng hàng đưa ra sấy bằng ánh nắng mặt trời qua lớp không khí trong nhà kính và lưới làm mát. Đặc biệt, nhà sấy luôn luôn bật quạt để giữ nhiệt độ nóng vừa phải giúp trái hồng khô theo hơi gió, ngoài ra, những chiếc quạt còn có tác dụng xua đuổi côn trùng. Cách sấy này còn đòi hỏi người làm phải thường xuyên theo dõi nhiệt độ để có điều chỉnh cho phù hợp. Trái hồng được sấy bằng không khí liên tục thế này trong hơn 3 tuần thì thành phẩm, mẻ sấy đầu tiên của ông Lộc đã ra lò và cho kết quả tốt.

Theo ông, trái hồng sấy theo công nghệ Nhật Bản giữ được lượng đường trong quả cao hơn, độ ngọt đậm đà, hương thơm tự nhiên, đặc biệt mềm và dẻo, đó là những lợi thế hơn hẳn so với cách sấy truyền thống của người Đà Lạt.

Hiện ông Trần Phú Lộc đã tiến hành chào hàng ra thị trường, mức giá ông đưa ra từ 300.000- 350.000 một kg bước đầu đã có những khách hàng chấp nhận.

Để mở rộng đầu tư, ông Lộc đang có kế hoạch liên kết với bà con nông dân để chuyển giao công nghệ trồng, chăm sóc. "Hy vọng trong tương lai trái hồng Đà Lạt sẽ bớt lao đao mỗi khi vào vụ và sản phẩm hồng sấy khô này sẽ sớm được người tiêu dùng trong và ngoài nước đón nhận", ông Lộc kỳ vọng.

QUỐC DŨNG/Vnexpress