Giá cà phê nội địa và xuất khẩu rớt mạnh suốt gần 3 tháng qua khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu cà phê nguy cơ thua lỗ vì trót thu gom cà phê lúc giá cao trước đó, nay sức ép đến hạn trả nợ ngân hàng buộc phải xuất khẩu với giá thấp.
Theo lý giải của lãnh đạo Công ty Trường Ngân, doanh nghiệp này đối mặt với tình trạng này là do lãi suất cho vay quá cao trong năm ngoái.
Tại thị trường nội địa, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên từ mức giá 46 triệu đồng/tấn trong nửa đầu tháng 3/2013 đến cuối tuần qua đã giảm xuống 39.800-40.200 đồng/kg. Giá cà phê xuất khẩu loại R2, 5% đen vỡ ở mức 1.923 USD/tấn (FOB), với mức cộng 60 USD tại London.
Trên sàn London tuần vừa qua, giá cà phê Robusta giảm 45 USD/tấn, tương đương giảm 2,38%. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khối lượng cà phê xuất khẩu tháng 5 chỉ 109 ngàn tấn, thu về 226 triệu USD.
Lũy kế xuất khẩu cà phê 5 tháng đầu năm là 697 ngàn tấn, kim ngạch gần 1,49 tỷ USD, giảm 23,2% về khối lượng và giảm 21,7% về giá trị so cùng kỳ năm 2012.
Nông dân và các đại lý cà phê ở nước ta đang hạn chế lượng cà phê xuất bán, hầu hết đều kỳ vọng giá nội địa phải ở mức 44-45 ngàn đồng/kg thì mới bán ra và giá xuất khẩu phải đạt 2.100-2.200 USD/tấn mới mong có lãi.
Theo Volcafe, nguồn hàng tại Việt Nam hiện rất khó mua vì giá nội địa đã bất ngờ giảm sâu. Thời gian qua, Hiệp hội Cà phê Việt Nam (Vicofa) đã gióng tiếng về sản lượng cà phê Việt Nam niên vụ 2011-2012 giảm mạnh tới 25% và niên vụ thu hoạch vào tháng 10/2013 giảm tới 30-35% song giá cà phê vẫn tuột dốc. Bên cạnh đó, dù nông dân và đại lý trồng cà phê giảm lượng bán ra, nhưng vẫn rớt giá.
Theo các chuyên gia, thị trường tài chính thế giới vẫn tiếp tục đánh đu theo những đồn thổi, tung ra những đòn tâm lý làm dao động thị trường. Đang có dấu hiệu giới đầu cơ tài chính rút tiền dần khỏi 3 sàn cà phê lớn trên thế giới là Arabica Ice New York, Robusta Liffe London và BM&F của Brazil.
Giá cà phê Arabica trên sàn Ice New York mất giá liên tục suốt 2 năm liền, từ 6.800 USD/tấn đỉnh điểm năm 2011, nay chỉ còn 2.800 USD/tấn. Giá cà phê Robusta trên sàn Liffe London cũng đổ liên tục, từ mức 2.200 USD/tấn cuối quý 1/2013, đến nay chỉ còn dưới 1.850 USD/tấn.
Nhiều đại lý, doanh nghiệp trót mua nhiều cà phê lúc giá tăng mạnh lên 46 triệu đồng/tấn vào những tháng đầu năm, nay giá xuất khẩu giảm đã phải chịu thua lỗ. Vụ việc 7 ngân hàng cùng xiết nợ Công ty Trường Ngân, một doanh nghiệp cà phê lớn ở tỉnh Bình Dương tuần trước với số vay tổng cộng gần cả ngàn tỉ đồng, đã cho thấy một đợt vỡ nợ hàng loạt lại tiếp diễn trong khối các doanh nghiệp kinh doanh cà phê.
Theo lý giải của lãnh đạo Công ty Trường Ngân, doanh nghiệp này đối mặt với tình trạng này là do lãi suất cho vay quá cao trong năm ngoái.
“Có thời điểm chúng tôi phải đối mặt với lãi suất cho vay hơn 20% và 4 năm trở lại đây chúng tôi bắt đầu khốn đốn”, Giám đốc Công ty Trường Ngân chia sẻ.
Thực tế, tình trạng doanh nghiệp cà phê vỡ nợ là vấn đề không mới, hầu như năm nào cũng xảy ra. Thống kê của Vicofa, trong năm 2012 hơn 100 doanh nghiệp, đại lý, hộ kinh doanh cà phê trên địa bàn Tây Nguyên đã và đang vỡ nợ hàng nghìn tỷ đồng. Thiệt hại trong những vụ vỡ nợ này vẫn luôn thuộc về người dân, bởi hầu hết khi ký gửi cà phê, cho vay tiền mặt chỉ có giấy nợ viết tay.
Theo Sở Công Thương Đắk Lắk, riêng địa bàn này năm 2012 đã có 43 doanh nghiệp, đại lý kinh doanh cà phê vỡ nợ, mất khả năng thanh toán khoảng 300 tỷ đồng và nợ nông dân 3.000 tấn cà phê nhân ký gửi. Hơn một nghìn nông dân Đắk Lắk mất trắng tài sản vì đã ký gửi cà phê cho các đại lý thu mua.
Mấy ngày gần đây, cả Tây Nguyên lại rúng động về thông tin tiếp tục xảy ra nhiều vụ vỡ nợ của các đại lý thu mua cà phê. Điển hình như tại Gia Lai, vụ vỡ nợ với số tiền lên đến 69 tỷ đồng của bà Đặng Thị Hường, chủ nhà hàng Đại Phúc, thuộc doanh nghiệp Phúc Vinh.
Trước đó, đầu tháng 4/2013, 2 cơ sở thu mua nông sản khác cũng tuyên bố vỡ nợ gần 30 tỷ đồng. Làn sóng vỡ nợ vốn xuất hiện ở Đắk Lắk, Đắk Nông vài năm trước nay bắt đầu quay lại ở Gia Lai.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có công văn trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị giãn nợ cho vay tín dụng xuất khẩu đối với mặt hàng cà phê. Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02/2013/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Trong đó, xem xét gia hạn thời gian vay vốn tối đa từ 12 tháng lên 36 tháng đối với khoản vay vốn tín dụng xuất khẩu của Nhà nước cho các nhóm hàng xuất khẩu rau quả, thủy sản, nhưng không quy định với mặt hàng cà phê.
Trong khi hiện nay, các doanh nghiệp thu mua và xuất khẩu cà phê trong nước gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt về vốn nên khó cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp thu mua hàng lúc giá cao, nay đến kỳ hạn trả nợ ngân hàng nên buộc phải xuất khẩu với giá rẻ thì sẽ thua lỗ, dẫn đến nguy cơ vỡ nợ.
Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung mặt hàng cà phê thuộc đối tượng được gia hạn thời gian vay tối đa từ 12 tháng lên 36 tháng đối với các khoản vay tín dụng xuất khẩu. Kỳ vọng nếu được gia hạn các khoản vay, các doanh nghiệp ngành cà phê có thể đồng lòng giữ hàng chờ đến lúc giá cao sẽ xuất khẩu, tránh bị đối tác ép giá.
(Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam)