Nguyên nhân tăng trưởng nóng của kinh tế Việt Nam

Góc nhìn AFP:

Nguyên nhân tăng trưởng nóng của kinh tế Việt Nam

Mặc dù đạt mức tăng trưởng kinh tế ấn tượng 8,5% trong năm 2007, nhưng chính phủ Việt Nam hiện đang đối mặt với thách thức lớn là làm thế nào để giữ cho nền kinh tế không tăng trưởng quá nóng.

 

Vài tháng qua, cả người dân cũng như các chuyên gia tài chính quốc tế đều đang tự hỏi chính phủ sẽ giải quyết tình trạng lạm phát ngày một tăng như thế nào.

 

Thành công về kinh tế như đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng đều, chất lượng cuộc sống tăng đang làm cho giá tiêu dùng trong nước tăng.

 

Các chuyên gia, kể cả các nhà phân tích của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), đã cảnh báo Việt Nam về mối nguy lạm phát tăng cao và thâm hụt thương mại ngày càng lớn, ước đạt 12,4 tỷ USD trong năm 2007. Bên cạnh đó, Việt Nam hiện cũng dễ tổn thương hơn trước những biến động của nền kinh tế toàn cầu sau khi chính thức gia nhập WTO.

 

Tuy vậy Việt Nam vẫn có tương lai sáng sủa nếu tiếp tục duy trì tốc độ cải cách kinh tế, nhưng nhất định phải giữ ổn định kinh tế vĩ mô.

 

Để giải quyết tình trạng giá cả tăng cao, gây khó khăn không nhỏ cho đại bộ phân dân cư, nhất là bộ phận người nghèo, Chính phủ Việt Nam đã có những biện pháp tích cực.

 

Lần đầu tiên kể từ tháng 12/2005, Ngân hàng Nhà nước đã tăng lãi suất và yêu cầu các ngân hàng thương mại phải tăng dự trữ tiền đồng cũng như dự trữ ngoại tệ.

 

Chính phủ cũng yêu cầu các tổ chức cho vay phải mua hết trái phiếu chính phủ nhằm “rút” tiền đồng ra khỏi hệ thống tài chính, do vậy, sẽ kiềm chế được mức chi tiêu. Đồng nội tệ cũng được phép tăng giá so với đồng USD, giúp làm giảm giá các mặt hàng nhập khẩu.

 

Theo ông Aymumi Konishi, giám đốc khu vực ở Ngân hàng Phát triển Á Châu (ADB), nếu muốn kiềm chế lạm phát một cách hiệu quả, chính phủ Việt Nam cần đảm bảo kết hợp hiệu quả giữa chính sách tài khoá, tiền tệ và giá cả. Sẽ không hiệu quả nếu một mặt Ngân hàng nhà nước quyết tâm thắt chặt chính sách tiền tệ trong khi chính phủ lại cho phép tăng giá xăng dầu. Đến nay, việc kết hợp giữa các yếu tố này vẫn thực sự là một thách thức.

 

Trong khi đó, IMF lại muốn chính phủ Việt Nam tập trung kiểm soát sự gia tăng lãi suất hơn là rút bớt lượng thanh khoản. Và trong bối cảnh như vậy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn có thể là một giải pháp.

 

Theo ông Benedict Bingham, đại diện cao cấp của IMF, Việt Nam cần kiểm soát lãi suất ngắn hạn và tăng dần một cách hợp lý. Sau đó giữ ở mức đó khi lạm phát bắt đầu giảm. Tuy nhiên, để làm được như vậy, cần đạt được sự đồng thuận rằng giảm tốc độ tăng trưởng trong ngắn hạn là có thể chấp nhận được và đây là giải pháp để giảm lạm phát.

 

Nguyễn Anh

Theo AFP