Nhà sáng chế khoa học "chân đất" khiến thế giới phải sửng sốt

ANTĐ - Không được học hành bài bản nhưng những gì mà người công nhân này làm được đã khiến người khác phải khâm phục. Chỉ bằng những kinh nghiệm tích lũy cùng khả năng tìm tòi, sáng tạo mà người công nhân đó đã sáng chế ra một sản phẩm mà ngay cả người nước ngoài cũng phải thán phục. Đó chính là câu chuyện về ông Trịnh Đình Năng (SN 1957), trú tại Phường Sông Cầu, thị xã Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn.


Ông Năng đang trò truyện với phóng viên về công trình của mình

Bắt đầu từ đam mê

Vốn chỉ là người công nhân bình thường, nhưng ông Trịnh Đình Năng lại có một niềm say mê chế tạo máy móc. Ông đã tự mình nghiên cứu chế tạo ra những máy móc mà ngay cả với những kỹ sư thực sự cũng chưa chắc làm được. Ông Năng vốn sinh tại Ninh Giang, Hải Dương, bố ông là một bác sĩ được đào tạo từ thời Pháp thuộc. Sau đó, bố mẹ ông được phân công lên công tác tại Bệnh viện Bắc Kạn. Công tác ở Bắc Kạn được một thời gian ngắn thì bố ông lại nhận nhiệm vụ về công tác ở Hải Phòng, mẹ ông cùng 2 con ở lại đất Bắc Kạn. Học hết lớp 6, cậu bé Năng đành phải tạm dừng việc học do gia đình quá khó khăn. Một thời gian sau, ông đi làm công nhân ở trong Nhà máy thép Thái Nguyên nhưng rồi lại bỏ về. Trong thời này ông đã tự nghiên cứu chế tạo ra máy móc như máy ép biên để sửa xe máy và đã thành công.

Năm 2000 ông tự mở một phòng nghiên cứu, tự sắm sửa đồ đạc trang thiết bị hiện đại thuê thêm 3 người hỗ trợ. Suốt 1 năm trời ông quanh quẩn trong phòng thí nghiệm, hoạt động cần mẫn như một kỹ sư nghiên cứu. Ông kể lại thời gian này ông nghiên cứu rất sâu việc tách quặng kim loại lấy vàng, bạc theo một công nghệ mới. Bao nhiêu tiền của tích cóp được ông mang ra mua trang thiết bị nghiên cứu. Nhiều lúc vợ và người nhà tưởng ông bị làm sao khuyên can đều bị ông gạt đi và tiếp tục theo đuổi sở thích của mình. 

Được hơn một năm đưa vàng vào lò đốt thử, ông cạn tiền, “trung tâm nghiên cứu” của ông buộc phải giải thể. Công trình nghiên cứu dở dang cũng đành gác lại. Hồi ấy ông như người mất hồn và tưởng như sẽ thất bại. Mặc dù việc nghiên cứu của ông không thành công song nó đã cho ông rất nhiều kiến thức trong việc tạo nhiệt trong quá trình sản xuất. Đây chính là nền  móng để sau này ông cho ra đời một sáng chế đáng giá cả hàng chục tỷ đồng và đã được Nhà nước cấp độc quyền sáng chế sau này.

Sau khi thất bại trong nghiên cứu tách vàng, ông được nhiều nhà sản xuất trong nước và quốc tế biết đến. Ông đã được một công ty chế tạo máy của Hàn Quốc mời về Hà Nội làm chuyên gia kỹ thuật với rất nhiều ưu đãi. Ông được họ thuê nhà cho ở, cung cấp ô tô đi lại và hưởng lương 2.000 - 3.000 USD. Chỉ trong vòng 2 năm kinh tế gia đình ông lại phục hồi, ông có điều kiện cho con cái đi học, sửa sang nhà cửa.

Đến những nghiên cứu táo bạo

Sau những thất bại khi trong nghiên cứu chế tạo, đặc biệt là việc bỏ hàng chục ký vàng vào lò đốt nghiên cứu nhưng không đạt được kết quả thì vị “kỹ sư chân đất” này vẫn không hề nản chí. Ông lại bắt tay vào dự án nghiên cứu mới mà không hề do dự. Với tất cả vốn liếng còn  lại sau khi đã đổ dồn vào công trình nghiên cứu tách vàng bạc thất bại, ông Năng gom vào đầu tư cho công trình mới này. Năm 2009, ông đã táo bạo gửi lên Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam đăng ký dự án nghiên cứu sáng chế: “Lò đốt rác thải rắn y tế nguy hại khép kín”. Và ông được Bộ Khoa học Công nghệ phê duyệt dự án.

Tâm sự về việc tại sao lại nảy sinh ra ra ý tưởng chế tạo lò đốt rác thải rắn y tế này ông Năng cho biết: “Cha tôi vốn là một bác sĩ, ngày trước mỗi khi ở bệnh viện về ông thường phàn nàn về tình trạng ô nhiễm từ những rác thải từ bệnh viện thải ra. Và bản thân tôi cũng thỉnh thoảng có dịp theo chân cha vào chứng kiến cảnh rác thải y tế vô cùng khủng khiếp đó”. Và từ đó ông suy ngẫm “mỗi ngày, môi trường sống của chúng ta phải tiếp nhận hàng trăm tấn rác thải y tế từ các bệnh viện, việc xử lý rất tốn kém mà và chưa triệt để được. Nếu không được xử lý sớm sẽ là nguồn gây bệnh đe dọa trực tiếp tới đời sống của cộng đồng dân cư”. Ông đã bị ám ảnh suy nghĩ này suốt từ lúc nhỏ là “làm sao để có thể giải quyết được những rác thải nguy hại đó”, cuối cùng khi có dịp ông liền bắt tay vào nghiên cứu. Với những kinh nghiệm từ cuộc nghiên cứu công nghệ tách vàng bạc lần trước ông đem vào ứng dụng cho nghiên cứu lần này. Những kinh nghiệm như quá trình đốt nung chảy, tách các chất với nhau… khá hữu dụng trong lần nghiên cứu sáng chế xử lý chất thải y tế. Ông Năng nói: “Thực tế là cuộc nghiên cứu tách vàng bạc trước tôi thất bại nhưng xem ra cũng có thành công khi lấy những kinh nghiệm thu được ứng dụng cho công trình nghiên cứu lần này hoàn toàn phù hợp”.


Công trình lò đốt rác thải y tế nguy hại của ông Năng


Sáng chế khoa học nổi tiếng

Với sự miệt mài nghiên cứu trong ba năm từ 2009 -2012 thì công sức của ông Năng đã thành công vang dội. Ông bảo vệ thành công dự án nghiên cứu đã đăng ký và được cấp bằng sáng chế độc quyền cho sản phẩm này. Sáng chế độc quyền “lò đốt rác thải y tế nguy hại” của ông Trịnh Đình Năng có nhiều tính năng vượt trội hơn hẳn so với sản phẩm cùng loại của các nước tiên tiến trên thế giới. Ông Năng khẳng định: “Hệ thống lò đốt rác thải y tế là hệ thống đã hoàn chỉnh có thể vận chuyển được chỉ cần đấu điện, nước, xây một cái bể nhỏ và có thể xử lý môi trường nước. Tất cả các lò đốt ở Việt Nam chưa có lò nào cân bằng áp suất như hệ thống này”. 

Lò đốt chất rắn rác thải y tế nguy hại của ông là một hệ thống thiết bị lò gồm: đầu đốt đồng bộ, thực hiện đốt liên hoàn không gián đoạn, kết hợp với thiết bị công đoạn thiêu đốt là công nghệ Nano khép kín, phân hủy triệt để khói, bụi, mùi độc hại. Công nghệ mới của lò là đốt liên hoàn, phụt lửa vào vật đốt chứ không như các lò khác là phụt dầu vào, thời gian đốt cũng rất nhanh.  Tuổi thọ của đầu đốt có độ bền cao và không có sự cố kỹ thuật hay tắc đường dẫn dầu. Nếu đốt bằng dầu diesel chỉ hết 5.000 đồng/kg rác thải và 2.000 đồng/kg khi đốt bằng dầu thải. Trong khi đó, các loại lò của Mỹ, Nhật Bản, Anh hiện nay phải chi phí từ 70.000-80.000 đồng/kg rác thải. 

Khi sản phẩm này được đưa ra để thử nghiệm, nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước đã phải thán phục vì ý tưởng sáng tạo của ông. Và ngay lập tức đã có nhiều đơn đặt hàng để mua lại sáng chế của ông với giá cao. Một công ty chế tạo máy hàng đầu của Đức đã liên hệ để mua lại sáng chế của ông với giá hơn 300.000 Euro (khoảng hơn chục tỷ đồng). Ông cũng đã nhận được một số đề nghị của phía các công ty từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc. Tuy nhiên ông đã từ chối họ mà chỉ đồng ý hợp tác cùng sản xuất. Lý do ông đưa ra là việc nghiên cứu này không vì lợi nhuận mà mục đích của ông vì cộng đồng người Việt Nam. 

Sau một thời gian được cấp bằng sáng chế, ông Trịnh Đình Năng đã thành lập Công ty TNHH nhiệt công nghiệp hỏa tự long có trụ sở tại thôn Nam Đội Thân, xã Nông Thượng, thị xã Bắc Kạn để sản xuất lò đốt rác thải y tế cũng là tạo công ăn việc làm cho lao động ở địa phương. Hiện những sản phẩm lò đốt rác thải y tế của ông đã vào trong nhiều hệ thống bệnh viện của cả nước như Bắc Kạn, Tuyên Quang, Thanh Hóa…
Ông Đỗ Tuấn Khiêm, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Kạn đánh giá cao sản phẩm này và cho biết: “Hệ thống xử lý rác thải do ông Năng sáng chế phù hợp trong với những cơ sở có lưu lượng rác vừa phải, đã áp dụng được nhưng công nghệ tiên tiến. Hiệu suất sử dụng cao và tiết kiệm nguyên liệu. Đây là vấn đề rất cần được quan tâm để hạn chế giá thành cho sản phẩm và hạn chế ô nhiễm môi trường”.

Nguyễn Ninh

http://techmartdanang.vn/