Nhật Bản sắp phóng vệ tinh quan sát thiên tai toàn cầu

Nhật Bản theo kế hoạch sẽ phóng vệ tinh quan sát Trái đất vào ngày 24/5 tới, nhằm sử dụng để khảo sát những thiệt hại do thiên tai và thay đổi ảnh hưởng đến các khu rừng mưa nhiệt đới.

Vệ tinh quan sát mặt đất tiên tiến 2 (ALOS-2) sẽ được đưa lên quỹ đạo bởi tên lửa H-IIA của Nhật, dự kiến rời bệ phóng vào 10 giờ ngày 24/5 (giờ Việt Nam), AFP dẫn thông tin từ Cơ quan Thám hiểm Không gian Nhật Bản (JAXA) cho hay ngày 21/5.

ALOS-2 sẽ có thể ghi nhận những dấu vết còn lại do thiên tai gây ra, cũng như theo dõi quá trình hồi phục sau đó.

Đây là sứ mệnh khá quan trọng đối với Nhật Bản, đất nước thường xuyên hứng chịu thiên tai khi nằm trên vành đai lửa Thái Bình Dương, với việc chứng kiến 20% các trận động đất lớn cảm nhận được bởi con người xảy ra mỗi năm.

Nhật Bản sắp phóng vệ tinh quan sát thiên tai toàn cầu
Một đợt phóng vệ tinh do thám của Nhật tại Trung tâm Vũ trụ Tanegashima - (Ảnh: AFP)

Ký ức kinh hoàng của người dân nước này còn in đậm với trận động đất đến 9 độ Richter gây nên trận sóng thần chết người hồi tháng 3/2011, tàn phá vùng bờ phía bắc ven Thái Bình Dương và tạo ra cuộc khủng hoảng hạt nhân tồi tệ Fukushima.

Ngoài động đất, quốc gia quần đảo núi lửa này còn phải liên tục hứng chịu các trận bão lớn. AFP dẫn dự đoán của các nhà khoa học cho rằng núi Phí Sĩ nhiều khả năng sẽ sớm phun trào trở lại.

Cũng theo AFP thì ALOS-2 sẽ thực hiện nhiệm vụ khác biệt với các vệ tinh do thám của Nhật Bản hiện có mặt trên quỹ đạo nhằm theo dõi những động thái quân sự của một số quốc gia, chẳng hạn như CHDCND Triều Tiên.

Vệ tinh mới, còn được gọi là Daichi-2, sẽ tiến hành kiểm tra hiện trạng các khu vực trên Trái đất một cách chi tiết, giám đốc dự án của JAXA Shinichi Suzuki nói trong một tuyên bố.

Daichi-2 sẽ thu thập dữ liệu liên quan đến sự biến đạng của vỏ Trái đất, cũng như tác động của các trận lũ lụt và lở đất, ông Suzuki nói.

Theo JAXA thì vệ tinh sẽ được trang bị radar đặc biệt để quan sát bề mặt hành tinh, ngay cả trong điều kiện đêm tối, trong thời tiết xấu và thậm chí có thể "nhìn xuyên" những vùng rừng sum sê.

Cơ quan không gian của Nhật cũng dự định dùng Daichi-2 để nghiên cứu các khu rừng nhiệt đới, những khu vực rất khó quan sát do các đám mây dày thường xuyên bao phủ trên chúng. Vệ tinh mới cũng sẽ được sử dụng để theo dõi các tình trạng băng tuyết ở vùng cực.

http://techmartdanang.vn/