Nhật ký nghị trường: Ngày đầu cập rập

Câu hỏi về nhân sự bầu Bộ trưởng Bộ Tài chính đã được đặt ra với người đứng đầu Chính phủ ngay trước phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội thứ 5 vào sáng 20/5, nhưng ông chưa sẵn sàng cho câu trả lời.

 

Nhật ký nghị trường: Ngày đầu cập rập

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh trò chuyện với đại biểu Dương Trung Quốc bên hành lang Quốc hội - Ảnh: Nguyên Thảo.



Kỳ họp Quốc hội nào cũng vậy, phiên khai mạc không đi theo “lộ trình” thông thường.


Sau khi viếng Lăng Bác, gần 8 giờ các vị đại biểu trở về hội trường Bộ Quốc phòng, nơi diễn ra tất cả các phiên họp toàn thể của Quốc hội. Bên cạnh các tà áo dài, trang phục phong phú của các dân tộc thiểu số phần nào cũng làm dịu đi cái nóng hầm hập của Hà Nội, dù mới chỉ mới vào mùa hạ.

Phiên trù bị chỉ diễn ra chừng nửa tiếng, bởi không có ý kiến nào góp ý thêm cho chương trình kỳ họp đã được điều chỉnh sau khi tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội.

30 phút giải lao trước phiên khai mạc được truyền hình trực tiếp, Tổng bí thư, Thủ tướng cùng nhiều thành viên Chính phủ là đại biểu đương nhiệm đều xuất hiện ở hành lang phía trước. Mấy chục phóng viên ảnh tận dụng mọi thời cơ, nên các tay viết cũng khó tiếp cận các yếu nhân hơn.

Như thường lệ, Thủ tướng vui vẻ trò chuyện trước ống kính, song vẫn là nụ cười và lời hẹn nhẹ nhàng ở thì tương lai cho các câu hỏi của cánh báo chí.

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, người sẽ trình bày báo cáo về kinh tế xã hội ở phiên khai mạc nói với VnEconomy, 5 phút nữa báo cáo này mới đến tay đại biểu, để mức độ cập nhật thông tin được cao nhất.

Hỏi ông rằng ở cương vị một đại biểu của dân thì điều gì ông quan tâm nhất ở kỳ họp này, ông hẹn sau khi đọc báo cáo sẽ tiết lộ.

Bộ trưởng Đinh La Thăng vẫn khá giữ ý khi trò chuyện với các nhân vật luôn mang theo ghi âm. Hỏi ông thấy thế nào khi lần đầu được Quốc hội “đo” tín nhiệm, ông bảo nói không lo cũng không đúng.

Hành lang bên trái, chiếc gạt tàn “khủng” vẫn đầy mẩu thuốc như mọi kỳ, dù Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá đã có hiệu lực từ ngày 1/5/2013.

Chuông báo hết giờ giải lao. Tổng bí thư ngồi cạnh Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc, Thủ tướng bên cạnh Chủ tịch nước chăm chú lắng nghe báo cáo của Chính phủ, kiến nghị của cử tri, quan điểm của cơ quan thẩm tra về tình hình kinh tế, xã hội, ngân sách. Và cả ba nội dung này đều nhận được lời bình ban đầu chưa mấy tích cực…

Vào lần điều chỉnh cuối cùng, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã được đẩy từ phiên khai mạc xuống đầu giờ chiều 20/5. Phiên khai mạc kết thúc khá sớm so với mốc 11h30 thông thường.

Cho đến lúc đó, tài liệu về dự thảo sửa đổi Hiến pháp vẫn nằm trong sự chờ đợi của các vị đại biểu. Nhưng cho đến khi được báo cáo công khai trên nghị trường thì dường như những thông tin như không đổi tên nước, giữ nguyên điều 4, việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp do Quốc hội quyết định… cũng không còn đủ mới để gây bất ngờ. Báo chí đi tìm thông tin về bauxite, lãi suất, tín dụng cho bất động sản, quản lý vàng…

Chủ tịch Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) tiết lộ, chỉ trong vòng năm nay, sẽ có những quyết định rất lớn tiếp theo của Chính phủ về vấn đề bauxite…

Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên thì nói, lãi suất ưu đãi mua nhà chỉ nên ở mức 3%.

17 giờ chiều, không khí vẫn hầm hập nóng. Dù đi xe cùng cả đoàn song một vài vị đại biểu vẫn không nỡ bước đi, trước sự đeo bám quá kiên trì của một số phóng viên.

Ngày đầu tiên còn nhiều cập rập.

 

http://techmartdanang.vn/