Ngày 01/08/2016, Nghị định số 54/2016/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14/6/2016 về việc quy định cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập, chính thức có hiệu lực.
Nghị định này quy định tổ chức khoa học và công nghệ công lập được phân thành 04 loại theo mức độ tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư.
Thứ nhất, tổ chức khoa học và công nghệ công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư;
Thứ hai, tổ chức khoa học và công nghệ công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và do Nhà nước bảo đảm toàn bộ chi đầu tư;
Thứ ba, tổ chức khoa học và công nghệ công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và do Nhà nước bảo đảm toàn bộ chi đầu tư;
Thứ tư, tổ chức khoa học và công nghệ công lập do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên và do Nhà nước bảo đảm toàn bộ chi đầu tư.
Đồng thời, quy định trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn việc phân loại mức độ tự chủ và xây dựng phương án tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập.
Đáng chú ý nhất là nhiều chính sách ưu đãi đối với tổ chức khoa học và công nghệ công lập đã được quy định cụ thể tại Điều 5 Nghị định số 54/2016/NĐ-CP.
Nghị định này quy định tổ chức khoa học và công nghệ công lập được hưởng chính sách ưu đãi về thuế theo quy định hiện hành. Cụ thể, tổ chức khoa học và công nghệ công lập vận dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp sẽ được hưởng ưu đãi về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp và ưu đãi về thời gian miễn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp như đối với doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư thuộc lĩnh vực công nghệ cao, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Nghị định này quy định chi tiết tổ chức khoa học công nghệ công lập được áp dụng thuế suất 10% trong thời gian 15 năm; được miễn thuế tối đa không quá 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa không quá 9 năm tiếp theo.
Ngoài ra, tổ chức khoa học và công nghệ công lập còn được hưởng các chính sách ưu đãi về tín dụng, trong đó: Được hưởng chính sách ưu đãi về tín dụng đầu tư của Ngân hàng Phát triển Việt Nam; được vay vốn từ Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ ở các bộ, ngành, địa phương và các quỹ khác để thực hiện các hoạt động khoa học và công nghệ; tổ chức khoa học và công nghệ công lập có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được vay vốn của các tổ chức tín dụng, huy động vốn của công chức, viên chức trong đơn vị để đầu tư mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, tổ chức khoa học và công nghệ công lập còn được hưởng các chính sách ưu đãi khác theo quy định hiện hành.
(Thùy Dương)