Chính phủ Israel cuối tuần qua thừa nhận họ phải hứng chịu dồn dập 44 triệu cuộc tấn công ảo và Anonymous đã lên tiếng nhận trách nhiệm. "Chiến tranh đang diễn ra trên 3 mặt trận", Carmela Avner, Giám đốc thông tin Israel, nhận định. "Thứ nhất là trong cuộc sống thực, thứ hai là trên mạng xã hội và thứ ba là các cuộc tấn công công nghệ".
Anonymous đã tung lên mạng danh sách hàng nghìn website Israel mà họ đã đánh sập bằng các đợt tấn công từ chối dịch vụ (DDoS) hoặc xóa, thay đổi nội dung (deface) trong vài ngày qua, trong đó có cả trang web của Bộ ngoại giao và Ngân hàng Jerusalem. Bên cạnh đó, thông tin cá nhân như địa chỉ nhà, e-mail, số điện thoại... của 5.000 sĩ quan Israel cũng bị đăng lên Internet.
Nhóm hacker cũng viết trên Twitter về việc deface các website của Microsoft tại Israel bao gồm Bing, MSN và Skype. Người truy cập Bing chỉ đọc được các thông điệp chống lại nước này thay vì nhìn thấy thanh công cụ tìm kiếm.
"Microsoft đã biết về sự cố và đang nỗ lực khôi phục hoàn toàn các site. Hiện chúng tôi không thấy dấu hiệu nào về việc thông tin khách hàng bị khống chế nhưng sẽ làm hết sức để bảo vệ", đại diện Microsoft trả lời CNN.
"Tháng 11/2012 sẽ là tháng đáng nhớ đối với các lực lượng phòng vệ Israel và Internet nói chung", một website có liên quan đến Anonymous tuyên bố.
Trong khi đó, một nhóm hacker khác có tên ZCompanyHackingCrew (ZHC) khẳng định đã thâu tóm được nhiều tài khoản Internet của Phó Thủ tướng Israel Silvan Shalom, bao gồm Facebook, Twitter, YouTube và Blogger. Thậm chí, nhóm còn kiểm soát được tài khoản Gmail của Shalom và đe dọa sẽ công bố các e-mail này.
Facebook của Phó thủ tướng Israel bị kiểm soát. |
Tuy nhiên, hiệu quả của cuộc chiến tranh ảo vẫn đang gây tranh cãi. Israel cho rằng đợt tấn công đa phần là không thành công nhờ "những thành quả từ việc đầu tư phát triển các hệ thống máy tính phòng thủ trong những năm qua", theo lời của Yuval Steinitz, Bộ trưởng bộ tài chính Israel.
Một số chuyên gia công nghệ cũng nhận định việc làm của hacker chẳng khác nào hành động ném trứng vào nhà người khác, có thể gây rắc rối, phiền toái nhưng vô nghĩa và không đi đến đâu.
Quan trọng hơn, tạp chí Forbes chỉ ra rằng, không một thiệt hại nào mà những cuộc tấn công ảo gây ra có thể sánh hay bù đắp được mất mát về người trong cuộc xung đột quân sự tại dải Gaza.