Những gương mặt trong danh sách 10 người đáng chú ý nhất năm 2010 của CNN không chỉ có những tác động tích cực mà còn gây ra tranh cãi trên thế giới.
Hầu hết những cái tên xuất hiện trong danh sách trên đều hết sức quen thuộc với độc giả Việt Nam, chẳng hạn như nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange, Tổng thống Mỹ Barack Obama, nhà đồng sáng lập Facebook Mark Zuckerberg, đại tướng 27 tuổi của CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un.
Bên cạnh đó, một số tên tuổi dường như ít xuất hiện trên báo chí hơn, nhưng sức hút của họ vẫn không thể phủ nhận được đối với dư luận thế giới. Theo CNN, danh sách này do độc giả khắp thế giới bầu chọn trong suốt tuần cuối cùng của năm 2010. Những người được chọn không theo tiêu chí tốt, xấu, nguồn gốc xuất thân, mà là nhân vật khiến người ta chú ý nhất.
Anh hùng “kiêm” tội đồ Julian Assange Không có gì bất ngờ khi người đàn ông Úc này đứng đầu top gây xôn xao nhất năm. Assange giành được số phiếu bầu chọn cao nhất là 25% trong cuộc khảo sát của CNN. Vào tháng 7, người đàn ông tóc bạch kim 39 tuổi thống trị các dòng tít lớn trên báo đài khi WikiLeaks tung ra gần hàng trăm ngàn tài liệu mật của quân đội Mỹ về cuộc chiến Afghanistan và Iraq. Qua các tờ báo lớn như The Guardian, The New York Times và Der Spiegel, các tài liệu của WikiLeaks cho thấy những câu chuyện luôn bị Lầu Năm Góc che giấu, vẽ ra bức tranh ảm đạm, khác với viễn cảnh sáng sủa thường được Bộ Quốc phòng Mỹ trưng ra.
Đến mùa thu, Assange thật sự khuấy đảo thế giới với những thư tín ngoại giao mật của Mỹ, phô bày những chuyện hậu trường gây sốc trong giới ngoại giao và quan hệ giữa các nước trên toàn thế giới. Đến nay, chính quyền nhiều nước vẫn “nín thở” đợi đến khi tài liệu về nước mình bị tung ra. Độ nổi tiếng của Assange càng tăng vọt khi ông vướng vào bê bối tình dục với 2 phụ nữ tại Thụy Điển. Để trả tiền vụ kiện và duy trì WikiLeaks sau khi bị cắt nguồn tài trợ, Assange vừa ký hợp đồng viết sách trị giá hơn 1,7 triệu USD.
Hiện tượng Antoine Dodson Tuy chỉ đứng cuối trong số những người được chú ý nhất năm của CNN, nhưng chàng trai da đen đồng tính Antoine Dodson là một trong những hiện tượng thú vị nhất trên internet trong năm qua. Đến nay, những clip liên quan đến Dodson đã đạt gần 100 triệu lượt xem trên website Youtube và đưa anh từ một người thuộc tầng lớp thấp trong xã hội Mỹ thành một ngôi sao chỉ trong… 2 phút.
Mọi chuyện bắt đầu từ đêm 27.7.2010 khi một kẻ lạ mặt đột nhập vào nhà của gia đình Dodson tại khu nhà dành cho người nghèo ở thành phố Huntsville, bang Alabama, Mỹ và định cưỡng hiếp em gái anh. Những người trong nhà kịp thời phát hiện và đánh đuổi hung thủ bỏ chạy trước khi hắn kịp xâm hại cô bé. Hôm sau, Antoine Dodson trả lời phỏng vấn của kênh WAFF thuộc đài NBC về vụ việc. Trong khoảng 2 phút, anh vừa tường thuật vụ việc, vừa lên án kẻ cưỡng hiếp vừa chửi bới gần như cả cộng đồng trong khu nhà. Cách nói chuyện màu mè, ngôn ngữ chợ búa pha trộn sự chua ngoa “đàn bà” lẫn gương mặt biểu cảm khiến Dodson nhanh chóng thu hút sự chú ý.
Danh tiếng của thanh niên 24 tuổi này thật sự bùng nổ khi ban nhạc The Gregory Brothers phối lại đoạn trả lời phỏng vấn của anh thành bài hát Bed Intruder Song (tạm dịch: Bài hát về kẻ cưỡng hiếp). Trong thời gian ngắn, bản phối nói trên trở thành một trong những bài hit của năm và đến tháng 9.2010 đã bán được 100.000 bản trên iTunes.
Dodson được mời tới các sự kiện văn hóa lớn của Mỹ, tham dự các buổi trò chuyện trên truyền hình và còn biểu diễn tại lễ trao giải BET Awards dành cho các nghệ sĩ da màu tại Mỹ hồi tháng 10. Thậm chí, người ta còn mang ảnh của Dodson trong các cuộc biểu tình chống bạo hành tình dục và bảo vệ quyền lợi người đồng tính.
Theo AOL News, tiền bản quyền từ bài hát và các hoạt động khác đã giúp Dodson đưa gia đình chuyển tới một ngôi nhà tốt hơn và an toàn hơn. Dodson nói với báo giới rằng anh muốn tận dụng sự nổi tiếng “trên trời rơi xuống” để trở thành một người vận động cho quyền của người đồng tính và nạn nhân của nạn bạo hành.
Tuy nhiên, nhiều người tỏ ra khó chịu với phong cách của Dodson và xem anh là một sản phẩm “quái thai” của thời đại internet.
Đại tướng trẻ của Bình Nhưỡng
Người châu Á duy nhất lọt vào danh sách các nhân vật được chú ý của CNN chính là Kim Jong-un, con trai nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-il. Sự thăng tiến nhanh chóng của Kim Jong-un, trở thành tướng 4 sao và là Phó chủ tịch Quân ủy trung ương của đảng Lao động Triều Tiên khi mới 27 tuổi, đã chiếm gần hết sự chú ý của giới truyền thông toàn thế giới trước khi WikiLeaks tung ra các tài liệu ngoại giao của Washington. Ngoài tấm màn bí ẩn bao trùm thân thế, nhân vật này còn gây xôn xao vì các nhận định anh sẽ là người kế vị ông Kim Jong-il, trở thành thế hệ thứ 3 của gia tộc họ Kim làm lãnh đạo CHDCND Triều Tiên. Theo hãng tin Yonhap của Hàn Quốc, những hành động quân sự gần đây của miền Bắc một phần là nhằm củng cố vị thế lãnh đạo tương lai cho Kim Jong-un.
Steve Jobs và iPad
Đứng thứ 4 trong danh sách của CNN, Chủ tịch hãng Apple Steve Jobs (được báo Financial Times bình chọn là Nhân vật của năm), với 59% số phiếu so với đồng sáng lập Facebook Mark Zuckerberg. Theo nhận xét của Financial Times, ông Jobs đã có sự trở lại ngoạn mục nhất trong lịch sử kinh doanh thế giới. Khi nhà lãnh đạo Apple thu hút sự chú ý của công chúng lần đầu tiên, ông chỉ mới 25 tuổi. Sau khi quay lại Apple vào năm 1997, Jobs đã thổi sức sống mới vào “trái táo héo mòn” trước sự bành trướng của Microsoft với hệ điều hành Windows 97. Các sản phẩm ấn tượng lần lượt ra đời, như iMac (1998), iPod (2001), hệ điều hành Mac OS X (2001), iTunes (2003), iPhone (2007). Tuy nhiên, phải chờ đến năm 2010 thì Apple mới chạm đến đỉnh điểm của thành công sau sự ra đời của thế hệ máy tính bảng iPad. Dòng thiết bị lai này được chào đón nồng nhiệt và phổ biến đến nỗi giới chuyên gia dự đoán nó sẽ chấm dứt thời đại của máy tính để bàn.
Các gương mặt còn lại
Trong số những nhân vật trong top 10 của CNN, Marisol Valles Garcia là người trẻ tuổi nhất, nhưng không vì thế mà cô gái 20 tuổi lại thiếu lòng can đảm và niềm tin vào công lý. Độc giả CNN không hiểu nổi tại sao một sinh viên ngành tội phạm học, đồng thời vừa là người vợ, người mẹ, lại dám đứng ra nhậm chức cảnh sát trưởng tại một trong những nơi nguy hiểm nhất của Mexico là Praxedia-Guerrero. Kể từ khi cảnh sát trưởng cũ bị bọn tội phạm ma túy sát hại hồi tháng 7.2009, cả thị trấn có đến 9.100 người nhưng không một ai ứng cử vào vị trí này. Đó là lý do người ta bầu chọn cho Garcia vào vị trí thứ 5, chỉ đứng sau Julian Assange, Tổng thống Barack Obama, Mark Zuckerberg của Facebook và Steve Jobs của Apple.
Đứng thứ 6 trong danh sách là thợ mỏ Chile Edison Pena, một trong 33 người đã được cứu thoát khỏi hầm mỏ sâu 700m trong cuộc giải cứu lịch sử hồi tháng 10. Anh giành được sự quan tâm của đông đảo dân Mỹ sau khi tham gia cuộc chạy đua marathon tại New York sau khi rời khỏi lòng đất khoảng 1 tháng.
Kế tiếp trong danh sách là Elizabeth Smart, nạn nhân của một vụ bắt cóc và cưỡng bức tình dục khi cô mới 14 tuổi vào năm 2002. Tuy nhiên, đến tháng 11.2010, nghi phạm mới phải ra hầu tòa và cô gái đã vượt qua nỗi đau để đứng trước tòa làm chứng, vạch mặt hung thủ. Chuyện của Smart được liệt vào 10 vụ án kinh hoàng nhất thế giới năm 2010.
Cựu Tổng giám đốc tại Mỹ Tony Hayward của Tập đoàn dầu khí Anh BP chiếm vị trí thứ 8 trong danh sách trên nhờ những phát biểu khiến người Mỹ tức điên. Ví dụ, “Vịnh Mexico là một đại dương mênh mông. Lượng dầu mà chúng ta đang đổ vào rất ít ỏi so với khối lượng nước tại đây” - trích phát biểu trên báo Guardian; hoặc ông này khẳng định ngủ rất ngon bất chấp BP đã gây ra vụ tràn dầu lớn nhất trong lịch sử thế giới mà hậu quả không biết bao giờ mới có thể giải quyết triệt để.