Theo một nghiên cứu mới của các nhà khoa học Anh và Thụy Sĩ, lõi Trái đất phức tạp hơn chúng ta nghĩ với các lớp xoay theo hướng khác nhau. Điều này có thể giải thích một bí ẩn về từ trường Trái đất đã tồn tại hơn 300 năm.
Lõi Trái đất được tách thành 2 lớp khác nhau. Ở trung tâm là lõi trong cứng bao quanh bởi lớp lõi ngoài lỏng - cả 2 đều được tạo bởi hỗn hợp niken và sắt. Các nhà khoa học đã chỉ ra cấu trúc 2 lớp này từ hàng thập kỷ trước và khám phá ra rằng chính sự xoay chuyển trong kim loại lỏng, nóng của lớp vỏ ngoài đã tạo ra từ trường của Trái đất.
2 lớp lõi của Trái đất xoay theo hướng khác nhau
Tuy nhiên, có một vài điều về lõi Trái đất vẫn còn là bí ẩn. Một nghiên cứu năm 2005 tiết lộ rằng, mặc dù lõi bên trong xoay cùng hướng với bề mặt, nhưng thực sự nó xoay nhanh hơn bề mặt một chút. Kết quả kỳ lạ này cũng ăn khớp với một phát hiện khác năm 1692, khi nhà du hành Edmond Halley phát hiện ra rằng cứ mỗi thập kỷ trôi qua, từ trường của Trái đất “trôi” về phía tây vài độ.
Một nghiên cứu mới cuối cùng đã đưa ra lời giải thích cho 2 bí ẩn trên.
Các nhà nghiên cứu không chỉ khẳng định rằng lõi trong xoay nhanh hơn bề mặt mà con phát hiện ra lớp lõi bên ngoài xoay theo hướng ngược lại. Để tìm hiểu điều gì đang diễn ra, họ đã dùng siêu máy tính Monte Rose để chạy một chương trình giả định chính xác hơn khoảng 100 lần so với mô hình lõi Trái đất trước đây.
Mô hình này cho thấy chính từ trường Trái đất khiến cho các lớp lõi xoay như vậy. Nó tạo ra thêm lực đẩy cho lõi bên trong, thêm lực xoay về phía đông, đồng thời một phản ứng tương tự và đối lập với nó đã tạo ra chiều xoay ngược lại với lớp vỏ bên ngoài, hướng về phía tây.
Phát hiện trên cũng giải thích bí ẩn của nhà du hành Halley. Vì lớp lõi bên ngoài xoay từ từ về phía tây, nên sự xoay chuyển bên trong kim loại lỏng cũng theo hướng đó và từ trường cũng “trôi” theo chúng.
Các nhà nghiên cứu hy vọng rằng tất cả những điều này sẽ giúp các nhà khoa học hiểu thêm về hoạt động của lõi và từ trường Trái đất.