Phát hiện protein gây tiểu nhiều về đêm

Theo bài báo đăng tải trên tạp chí Nature Communications, sự thiếu hụt protein có tên gọi connexin43 đã “đánh lừa”, khiến bàng quang tin rằng nó đã đầy và gửi cảnh báo “phải tiểu tiện” tới bộ não.

Connexin43 thuộc chuỗi các protein trong “đồng hồ sinh học” – cơ chế phức tạp khiến cơ thể tăng hoạt động vào ban ngày và giảm hoạt động vào ban đêm.

Trong lúc ngủ sâu vào ban đêm, một người khỏe mạnh sẽ sản sinh ra lượng nước tiểu từ thận ít hơn so với ban ngày. Đồng thời, nước tiểu sẽ được dự trữ trong lúc ngủ nhiều hơn so với giai đoạn hoạt động tích cực vào ban ngày.

Tuy nhiên, khi lượng connexin43 ở mức thấp, các cơ trơn của bàng quang trở nên quá nhạy cảm và truyền đi những tín hiệu sai lệch, báo cảm giác bị đầy khoang chứa.

Nhóm nghiên cứu do nhà khoa học Osamu Ogawa thuộc trường Đại học Kyoto (Nhật Bản) đưa ra kết luận trên sau khi tìm hiểu những con chuột thí nghiệm đã bị biến đổi gen nhằm khiến chúng thiếu đi gen tạo ra protein connexin43.

Mót tiểu đêm mạn tính hay còn gọi là chứng đái dầm ban đêm cũng là hiện tượng phổ biến ở trẻ nhỏ.

Các nhà nghiên cứu nhận định, tình trạng này có thể còn liên quan đến các cơ chế sinh học khác. Đó có thể là do sự suy yếu của vỏ não - phần bộ não nhận các tín hiệu kích thích từ bàng quang hoặc do các quả thận sản sinh quá nhiều nước tiểu vào ban đêm.