Phát hiện rau quả "bẩn" chỉ bằng một mẩu giấy

Theo KS Trần Thị Hải Bình, cán bộ Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Nam Định, chủ nhân của "mẩu giấy màu nhiệm" trên, những năm gần đây, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm an toàn trở nên bức thiết, nhất là khi các vụ ngộ độc thực phẩm xuất hiện ngày càng nhiều, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ, tính mạng của người dân. Với mong muốn tạo ra một sản phẩm có thể phát hiện nhanh độc tố trong rau quả, giúp người tiêu dùng lựa chọn đúng những sản phẩm sạch, đảm bảo sức khỏe, hạn chế thói quen không tốt của người sản xuất, chị Hải Bình đã nghiên cứu, thử nghiệm và tạo ra cách thử độc tố trong thực phẩm bằng phản ứng hóa học đơn giản.

Đó là một miếng giấy nhỏ, kích cỡ 5 cm x 1 cm được "tẩm" hóa chất (sử dụng nước nghệ, cồn, acid clohdric, hóa chất thử). Khi sử dụng, mẫu thử có thuốc kích thích sinh trưởng sẽ làm giấy chuyển màu cam, thay vì giữ nguyên màu vàng nghệ của giấy hoặc màu xanh của lá rau như mẫu thử an toàn.

Sau 2 năm thử nghiệm, cách làm này đã cho kết quả chính xác dư lượng của gần 40 thuốc kích thích tăng trưởng gốc Giberellic acid trên rau ăn lá. Với kết quả đó, tháng 5 vừa qua, chị Bình quyết định sản xuất "lô hàng" đầu tiên và sản phẩm đã nhanh chóng được nhiều đơn vị quản lý Nhà nước có nhu cầu kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng nông sản tiếp nhận. Chị cũng hoàn thiện hồ sơ đăng ký giải pháp tham gia Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ XI (năm 2010-2011).

Đây là cách thử đơn giản, tiện lợi đối với ngành chức năng và tất cả người dân. Chỉ cần vài giây, rau "bẩn" đã được phát hiện thay vì nhiều giờ chờ đợi kết quả từ phòng thí nghiệm. Hiện, sản phẩm hữu ích này đã được sử dụng rộng rãi trong các đơn vị như Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản tỉnh Nam Định, Hà Nam, Thái Bình; Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Nam Định và các trường Tiểu học Hùng Vương, Mầm non Hùng Vương, Bếp ăn tập thể của Công ty may Nam Định và phát miễn phí cho một số người tiêu dùng trong tỉnh Nam Định.

KS Trần Thị Hải Bình mong muốn, trong tương lai không xa, cách thử hữu ích này có thể cung ứng đến tận tay người nội trợ. Chị Bình còn tiếp tục nghiên cứu để đưa cách thử mới có khả năng phát hiện nhanh thuốc trừ sâu trên rau quả.