Những biến động thời gian qua cho thấy, đã đến lúc bắt đầu phải lo cho tăng trưởng hợp lý.
Tập trung giảm tổng cầu
Nếu đặt mức tăng GDP quý I năm nay với tương quan cùng kỳ năm năm 2011 có thể nhận thấy ngay tốc độ tăng trong quý này không bằng (quý I năm 2011 GDP tăng 5,57%). Trong khi năm nay đặt mục tiêu tăng trưởng từ 6 - 6,5%, cao hơn tốc độ tăng GDP năm 2011 là 5,89%. Có nhiều nguyên nhân làm ảnh hưởng đến mức tăng này, có nguyên nhân do nhóm ngành nông, lâm nghiệp - thuỷ sản năm nay gặp khó khăn về thời tiết; Ngành xây dựng thì gặp khó khăn sẽ tiếp tục giảm; Ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất chỉ tăng ở mức 3,9%, làm cho GDP của nhóm ngành công nghiệp- xây dựng không những tăng thấp hơn tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước, mà còn tăng thấp hơn tốc độ tăng GDP chung; Nhóm ngành dịch vụ tăng cũng không cao, do lĩnh vực có tỷ trọng lớn nhất trong nhóm ngành này là xuất khẩu và tiêu thụ trong nước tăng chậm hơn cùng kỳ năm trước…
Từ thực tế này cho thấy, việc kiềm chế lạm phát thời gian qua chủ yếu tập trung vào giảm tổng cầu (đầu tư, tiêu dùng) thông qua thắt chặt chính sách tiền tệ và tài khoá là đúng hướng. Tuy nhiên, nếu kiềm chế lạm phát chỉ tập trung vào giảm tổng cầu, thông qua thắt chặt chính sách tiền tệ và tài khoá sẽ làm cho sản xuất, kinh doanh bị đình đốn, nhiều doanh nghiệp đướng trước nguy cơ phá sản, làm cho nợ xấu tăng nhanh, lao động bị mất và thiếu việc làm gia tăng... Tổng cung sẽ bị sụt giảm nhanh hơn tổng cầu, hàng hoá sẽ trở nên khan hiếm, giá cả sẽ tăng cao và vòng xoáy lạm phát sẽ trở lại, hiện tượng đình - lạm sẽ xuất hiện, vừa nguy hiểm, vừa khó xử lý. Chính vì thế, việc tăng cung để bảo đảm quan hệ cân đối cung - cầu, tiền - hàng có tác dụng góp phần kiềm chế lạm phát hoặc vòng xoáy lạm phát cũng rất cần được tính đến.
Nhiều việc phải làm
Vừa qua, quyết định hạ lãi suất đã được thực thi. Điều đó có nghĩa là tất cả các mức lãi suất điều hành như tái cấp vốn, lãi suất thị trường mở (OMO), lãi suất cho vay qua đêm trong hệ thống xuống 1% so với mức cũ. Các ngân hàng cũng hạ trần lãi suất huy động từ 14 xuống còn 13%/năm. Ngân hàng Nhà nước đã có biện pháp điều phối cung ứng tiền, tạo ra các nguồn vốn để các tổ chức tín dụng có thể sử dụng để cho vay. Vốn Ngân hàng Nhà nước thông qua OMO với kỳ hạn 14 ngày, chủ yếu giải quyết thanh khoản. Kỳ hạn này cũng được kéo dài lên 3 tháng, 6 tháng để tạo ra cú hích cho tổ chức tín dụng có nguồn vốn tăng tín dụng. Xu hướng sắp tới, nếu lạm phát cả năm kiểm soát được ở mức 10% thì trung bình mỗi quý lãi suất sẽ giảm được 1%, đến cuối năm nay, lãi suất huy động sẽ xoay quanh 10%, lãi suất cho vay chỉ khoảng 13 - 14%/năm.
Hạ lãi suất góp phần tăng hiệu quả và sức cạnh tranh, ổn định kinh tế vĩ mô, giảm nhập siêu. Cùng với việc hạ lãi suất, cần phải hướng luồng vốn vào nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa..., để tăng cung hàng hoá nhằm bảo đảm quan hệ cung - cầu, bảo đảm cân đối tiền - hàng, mà vẫn không gây ra lạm phát. Khi lãi suất huy động thấp xuống, một bộ phận nhà đầu tư với lượng vốn không nhỏ sẽ đưa vốn trực tiếp đầu tư cho sản xuất kinh doanh không phải qua các định chế trung gian. Điều này cũng đồng nghĩa với việc sẽ có một lượng vốn được đưa vào mua cổ phiếu phát hành mới, phát hành bổ sung, mới niêm yết trên thị trường chứng khoán, phát triển thị trường này thành kênh huy động vốn trung, dài hạn và là hàn thử biểu của nền kinh tế...
Tăng trưởng kinh tế hợp lý không chỉ chống nguy cơ tụt hậu xa hơn so với các nước trong khu vực (GDP bình quân đầu người dù tính theo tỷ giá giao dịch thực tế hay tỷ giá sức mua tương đương năm 2011 của Việt Nam đứng thứ 7 trong 9 nước ở khu vực có số liệu so sánh) mà còn giúp kinh tế góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập, bảo đảm an sinh xã hội.
Cùng với mục tiêu kiềm chế lạm phát, mục tiêu có mức tăng trưởng hợp lý cũng đặt ra cấp thiết. Để đạt mục tiêu tăng trưởng hợp lý, trước hết cần tạo cho người sản xuất kinh doanh tiếp cận với nguồn vốn các ngân hàng thương mại với lãi suất hợp lý. |