Tiến độ chậm chạp của các hoạt động tái cơ cấu nền kinh tế đã được Quốc hội phê bình thẳng thắn trong báo cáo về thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012, tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013
Ủy ban Kinh tế cho rằng Chính phủ cần tiếp tục cụ thể hóa và tập trung thực hiện những chủ trương, những mục tiêu đã được xác định trong đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế.
Bản báo cáo này được thực hiện bởi Ủy ban kinh tế của Quốc hội và được Chủ tịch Ủy ban này, ông Nguyễn Văn Giàu, trình bày chính thức trước Quốc hội sáng 20/5.
Ba nội dung quan trọng của tái cơ cấu nền kinh tế, bao gồm tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu các tổ chức tín dụng đều đã được điểm danh trong báo cáo nói trên với những nhận xét không mấy vui vẻ.
Về tái cơ cấu đầu tư công, báo cáo nhận xét "nhiều ý kiến cho rằng hiện nay mới chỉ thực hiện theo Chỉ thị 1792/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ thì không thể bao hàm đầy đủ toàn diện các nội dung; mặt khác dự án Luật Đầu tư công chậm trình Quốc hội so với dự kiến và chuyển trình Quốc hội từ kỳ họp thứ 4 lên kỳ họp thứ 6.
Trong khi đó, nhận định về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, Ủy ban Kinh tế đánh giá rằng việc triển khai thực hiện chưa có tiêu chí phân loại theo ngành nghề, lĩnh vực hoặc theo các nhóm để có giải pháp tái cấu trúc đối với từng nhóm mà thực hiện ở từng doanh nghiệp, chủ yếu tập trung vào ngành nghề sản xuất, kinh doanh chính, chuyển giao nội bộ tập đoàn, tổng công ty hoặc giữa các doanh nghiệp nhà nước.
Vì vậy, chưa tạo ra động lực và áp lực để buộc các doanh nghiệp nhà nước đẩy nhanh quá trình đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, nâng cao trình độ quản trị, tính cạnh tranh, tính hiệu quả và phát triển bền vững. Đồng thời chưa ban hành hệ thống chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện tái cơ cấu, nhất là vấn đề xử lý các khoản lỗ, dôi dư cán bộ, người lao động.
Bị "phê” nặng nhất chính là nội dung tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, theo đó Ủy ban Kinh tế cho rằng hiện một số ý kiến nói các ngân hàng đã triển khai có kết quả bước đầu tái cơ cấu theo đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhưng cần minh bạch thông tin đối với các ngân hàng, kể cả các ngân hàng thương mại hoạt động lành mạnh và các ngân hàng thương mại hoạt động yếu kém, để minh chứng đã triển khai đúng hướng và không bị chi phối bởi nhóm lợi ích, nhằm tăng lòng tin thị trường và xã hội.
"Về việc xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng, một số ý kiến đánh giá cao việc tăng cường trích lập dự phòng rủi ro giải quyết nợ xấu và đảm bảo mục tiêu an toàn tiền gửi cho người gửi tiền”, báo cáo viết.
Cũng trong nội dung này, điều hành thị trường vàng là được tách riêng để đánh giá, theo đó việc điều hành được xem là đã đạt "một số kết quả ban đầu, nhưng còn nhiều luồng ý kiến khác nhau khi giá vàng trong nước và giá vàng thế giới còn chênh lệch ở mức cao, chưa đảm bảo giá vàng trong nước sát với giá vàng quốc tế như nghị quyết của Quốc hội”.
Trong khi đó, số liệu nợ xấu thông tin ra công chúng có lúc thiếu nhất quán cũng tạo hoài nghi, tác động tâm lý xã hội, thị trường.
Ủy ban Kinh tế cho rằng sau một thời gian dài kiểm soát tăng trưởng tín dụng để ưu tiên mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, nhiều doanh nghiệp đã ngừng sản xuất, giải thể, phá sản, một bộ phận lớn doanh nghiệp đang nỗ lực vượt qua thời điểm khó khăn nhưng không thể kéo dài tình trạng này hơn nữa.
"Cùng với yếu tố năng suất tổng hợp của nền kinh tế chậm cải thiện do quá trình tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng mới chỉ bắt đầu, nếu không sử dụng hợp lý các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng thì một mặt năng lực sản xuất của nền kinh tế chưa thể phục hồi nhanh, mặt khác sẽ gây áp lực lên lạm phát”.
Cơ này này dự báo năm 2013 nền kinh tế chưa có thêm nhiều sản phẩm mới có khả năng đẩy mạnh xuất khẩu trong khi đó dự báo giá cả thế giới sẽ giảm so với năm 2012 nên kim ngạch xuất khẩu 2013 khó có sự bứt phá mạnh. Vì vậy, bên cạnh các giải pháp hỗ trợ sản xuất, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, các giải pháp đối với chính sách tài khoá, tiền tệ để kích thích tổng cầu cần được thực hiện ngay, việc linh hoạt các chính sách phải theo diễn biến và liều lượng thích hợp, kiên định và nhất quán với mục tiêu tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô.
Trong phần kiến nghị, Ủy ban Kinh tế cho rằng Chính phủ cần tiếp tục cụ thể hóa và tập trung thực hiện những chủ trương, những mục tiêu đã được xác định trong đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, hướng tới tạo lập một hệ thống động lực khuyến khích mới để phân bổ lại nguồn lực hiệu quả, hợp lý và bền vững hơn.
Một số kiến nghị của Ủy ban Kinh tế liên quan đến tái cơ cấu:
- Sớm ban hành đề án tái cơ cấu đầu tư công gắn với cải cách thể chế, đổi mới phân cấp quản lý kinh tế, quản lý ngân sách nhằm thay đổi rõ rệt phương thức phân bổ nguồn lực công, nâng cao hiệu quả đầu tư công.
- Rà soát, điều chỉnh các quy định về sở hữu của các tổ chức tín dụng, giám sát hiệu quả việc sáp nhập, hợp nhất, không gây xáo trộn trong hệ thống tổ chức tín dụng và đảm bảo an toàn tiền gửi của người gửi tiền; tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng trích đủ dự phòng rủi ro và đảm bảo nguồn tự xử lý nợ xấu phát sinh.
- Hoàn thiện thể chế, quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý doanh nghiệp nhà nước, yêu cầu tất cả tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải công bố công khai, minh bạch thông tin như quy định đối với doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán.
- Hoàn thiện mô hình quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.