Quy định các hoạt động ứng cứu sự cố mạng Internet


Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ban hành Thông tư quy định về điều phối các hoạt động ứng cứu sự cố mạng Internet Việt Nam. Quy định mới được áp dụng từ 15/11/2011.
Theo đó, mạng lưới ứng cứu sự cố là tập hợp các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tham gia hoạt động ứng cứu sự cố có sự điều phối tại Việt Nam (mạng lưới).

Thành viên có nghĩa vụ tham gia mạng lưới bao gồm: Cơ quan điều phối; Đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet (ISP) và Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC).

Ngoài ra còn có các thành viên tự nguyện là cơ quan, tổ chức hay doanh nghiệp tự nguyện tham gia hoạt động trong mạng lưới.

Theo quy định, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) là Cơ quan điều phối và thực hiện chức năng điều phối các hoạt động ứng cứu sự cố trên toàn quốc và có quyền điều động các tổ chức khác trong mạng lưới phối hợp ngăn chặn, xử lý và khắc phục sự cố mạng Internet tại Việt Nam. VNCERT có quyền quyết định hình thức điều phối các hoạt động ứng cứu sự cố và chịu trách nhiệm về các yêu cầu điều phối. Đồng thời là đầu mối trao đổi thông tin về hợp tác ứng cứu sự cố với các tổ chức ứng cứu khẩn cấp máy tính quốc tế.

Thông tin liên lạc chi tiết về địa chỉ, số điện thoại, số fax, địa chỉ thư điện tử, trang tin điện tử của thành viên mạng lưới sẽ được công bố công khai trên trang tin điện tử của Cơ quan điều phối (www.vncert.gov.vn).

Khi gặp sự cố mà không tự khắc phục được, tổ chức hay cá nhân sử dụng Internet phải thông báo sự cố tới một hoặc nhiều thành viên mạng lưới như: Thành viên mạng lưới chịu trách nhiệm ứng cứu sự cố cho tổ chức, cá nhân đó (nếu có); các doanh nghiệp đang trực tiếp cung cấp dịch vụ Internet cho tổ chức, cá nhân đó; cơ quan điều phối.

Khi phát hiện thấy các sự cố có tính chất nghiêm trọng, tổ chức, cá nhân phải thông báo ngay cho Cơ quan điều phối.

Khi nhận được thông báo sự cố, thành viên mạng lưới tiếp nhận thông báo sự cố phải phản hồi ngay và không vượt quá 24 giờ cho tổ chức, cá nhân gửi thông báo để xác nhận về việc đã nhận được thông báo sự cố. Đồng thời, xử lý sự cố trong khả năng và trách nhiệm của mình. Trong trường hợp không xử lý được, phải thông báo sự cố về Cơ quan điều phối.

Cơ quan điều phối có quyền yêu cầu các thành viên mạng lưới hợp tác và đề nghị các tổ chức ứng cứu khẩn cấp máy tính quốc tế tham gia hoạt động ứng cứu sự cố.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, thông tin được trao đổi, cung cấp trong quá trình điều phối, xử lý sự cố phải được bảo đảm bí mật. Việc trao đổi thông tin trong mạng lưới phải được thực hiện bằng một hoặc nhiều hình thức như: Công văn, thư điện tử, điện thoại, fax. Thành viên mạng lưới tiếp nhận được thông tin phải chủ động xác thực đối tượng gửi nhằm bảo đảm thông điệp nhận được là tin cậy./.

Sự cố mạng Internet là sự kiện đã, đang hoặc có khả năng xảy ra gây mất an toàn thông tin trên mạng Internet được phát hiện thông qua việc giám sát, đánh giá, phân tích của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan hoặc được cảnh báo từ các chuyên gia, tổ chức về lĩnh vực an toàn thông tin trong nước và trên thế giới.

Sự cố có tính chất nghiêm trọng là sự cố có một hoặc nhiều tính chất có khả năng xảy ra trên diện rộng, lan nhanh; có khả năng phá hoại hệ thống mạng máy tính và mạng Internet; có thể gây thiệt hại hay hậu quả lớn cho các hệ thống thông tin trên mạng; đòi hỏi phối hợp nhiều nguồn lực lớn của quốc gia hay của quốc tế để giải quyết.