Ngày 7-8, tại buổi họp nghe báo cáo Quy hoạch hệ thống cung cấp khí đốt tại đô thị Đà Nẵng đến năm 2030, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn đã cơ bản thống nhất với nội dung dự thảo quy hoạch hệ thống khí đốt thành phố giai đoạn 2013 – 2030, do Công ty CP Đầu tư Phát triển Gas Đô thị (PV Gas City) phối hợp Viện Quy hoạch Xây dựng Đà Nẵng lập theo chủ trương của UBND thành phố.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp
Theo đó, hệ thống cung cấp khí đốt cho thành phố sẽ bao gồm hệ thống trạm, hệ thống tuyến ống chính và hệ thống các trạm điều áp. Nhằm đảm bảo cung cấp khí đốt cho khách hàng trong toàn thành phố, số trạm khí đốt của hệ thống sẽ bao gồm 3 trạm cho 3 khu vực, được triển khai đầu tư theo 3 giai đoạn. Cụ thể, Trạm I (phía Tây Nam) được đặt tại KCN Hòa Cầm, quận Cẩm Lệ; cung cấp khí đốt cho các quận Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn và các khu lân cận; triển khai đầu tư trong giai đoạn 2013-2016 với vốn đầu tư dự kiến là 900.000 USD; nguồn khí cấp ban đầu là LPG (khí hoá lỏng), sau đó dần chuyển sang SNG (khí thiên nhiên tổng hợp) và NG (khí thiên nhiên). Trạm II (Đông Bắc) đặt tại KCN Thuỷ sản Thọ Quang, quận Sơn Trà; cung cấp khí đốt cho các quận Sơn Trà, Hải Châu và các khu lân cận; triển khai đầu tư trong giai đoạn 2016-2020 với vốn đầu tư dự kiến là 1.000.000 USD; nguồn khí cấp ban đầu là SNG, sau chuyển sang NG. Trạm III (Tây Bắc) đặt tại KCN Hòa Khánh, quận Liên Chiểu; cung cấp khí đốt cho quận Liên Chiểu, huyện Hoà Vang và các khu lân cận; triển khai đầu tư trong giai đoạn 2020-2030 với vốn đầu tư dự kiến là 1.500.000 USD; nguồn khí cấp là CNG. Tổng diện tích cần thiết cho mỗi trạm cấp khí đốt là 5.000m2; trong đó đã bao gồm phần diện tích bảo vệ, diện tích tồn trữ khí đốt, khu vực kỹ thuật, phụ trợ… Tông chiều dài toàn mạng lưới ống dẫn khí dự kiến là 150 km. Công nghệ được áp dụng là công nghệ tốt nhất của các nước hàng đầu, có nhiều kinh nghiệm như Mỹ, Anh, Nhật, Hàn Quốc… Thiết bị sử dụng cho hệ thống được chế tạo theo tiêu chuẩn EU, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc… và được nhập khẩu trực tiếp. Hệ thống cũng sẽ áp dụng các hệ thống quản lý vận hành, giám sát, xử lý sự cố tiên tiến như SCADA, GIS, CIS. Phía công ty sẽ có cam kết giá đảm bảo mang tính cạnh tranh hoặc thấp hơn so với dùng bình 12kg nhằm đảm bảo tính hiệu quả của dự án.
Sơ đồ quy hoạch vị trí trạm khí đốt do PV Gas City đề xuất
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định, đây là dự án mang tính chiến lược lâu dài, đảm bảo sự phát triển bền vững của thành phố, phù hợp xu thế sử dụng khí tại các thành phố phát triển và phù hợp mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố môi trường. Hệ thống cũng là công trình hạ tầng kỹ thuật đầu tư lâu dài nên cần phải nghiên cứu kỹ. Do vậy, ông yêu cầu PV GAS City phối hợp với Viện Quy hoạch Xây dựng Đà Nẵng tiếp tục hoàn chỉnh quy hoạch hệ thống khí đốt thành phố giai đoạn 2013 – 2030 để trình UBND thành phố phê duyệt trong thời gian đến. Cũng theo Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn, trong quy hoạch cần đảm bảo nguồn cấp khí lâu dài; nghiên cứu hệ thống ống dẫn và công trình ngầm, tận dụng cơ sở hạ tầng trong việc tách các tuyến ống chính, đảm bảo không đào bới nhiều lần làm ảnh hưởng đến hạ tầng kỹ thuật đã được đầu tư xây dựng và tiết kiệm quỹ đất. Ông cũng lưu ý đơn vị trong quy hoạch phải bao gồm đánh giá sơ bộ hiệu quả đầu tư, và giá cung cấp khí đốt sau này sẽ do thành phố quy định.
Được biết, hiệu quả kinh tế - môi trường do sử dụng khí thiên nhiên (NG) được xác định là giảm thiểu ô nhiễm môi trường (khí thiên nhiên so với xăng dầu SOx giảm trên 400 lần, NOx giảm 4 lần, khói giảm hoàn toàn); áp suất giảm hơn 200 lần so với dùng bình 12kg; hiệu suất nhiệt đạt 45% (so với xăng dầu 40%, điện 39%, than 30%); chất lượng ổn định, cung cấp liên tục 24/24, không có gas thừa và thanh toán đúng lượng tiêu thụ.