Rắc rối, phiền hà khi khám chữa bệnh BHYT theo luật mới
TT - Đã có vô số vướng mắc xảy ra trong những ngày đầu thực hiện Luật bảo hiểm y tế mới. Nổi cộm là vấn đề chi trả cho bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế cũ còn hạn chưa được cấp thẻ mới và người nghèo không có khả năng cùng chi trả 5% chi phí khám chữa bệnh.
Bệnh nhân chờ làm thủ tục khám bệnh theo thẻ bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định (ảnh chụp sáng 4-1) - Ảnh: Thanh Đạm |
Hầu hết các bệnh viện (BV) đều có thông báo, hướng dẫn rõ ràng cho bệnh nhân (BN) về quy trình, thủ tục, quyền lợi khi đi khám chữa bệnh BHYT nhưng trên thực tế vẫn có những vướng mắc gây khó khăn cho người bệnh.
Người bệnh kêu ca
Sáng 4-1, tại BV Q.3 (TP.HCM) dù mới 7g30 nhưng đã đông nghẹt BN BHYT đến khám bệnh. Bà Lê Thị Ngọc (72 tuổi, P.14, Q.3) cho biết bà đến BV bắt số thứ tự từ lúc 4g30 nhưng số đã đến 40, trong khi trước đây giờ này không đông lắm. Thực tế tại BV này cho thấy từ lúc đến cho tới lúc lĩnh thuốc ra về, BN phải qua rất nhiều cửa: lấy số thứ tự ở bảo vệ, đến phòng nhận bệnh đợi lấy số đi khám, lấy dấu, đóng tiền đồng chi trả, lĩnh thuốc. Khâu mất nhiều thời gian và BN tập trung đông nhất là tại bộ phận tính tiền đồng chi trả.
Đà Nẵng: nhiều người chưa có thẻ mới Tại Đà Nẵng, ngày 4-1, nhiều người dân mang thẻ BHYT cũ đến để đăng ký khám chữa bệnh tại BV Đà Nẵng, trong đó có những trường hợp chưa hề biết đến việc có thẻ mới cũng như quy định mới về BHYT. Theo bác sĩ Trần Ngọc Thạnh - giám đốc BV Đà Nẵng, khi triển khai thẻ BHYT mới, ngành bảo hiểm yêu cầu dừng việc sử dụng thẻ cũ từ ngày 1-1 nhưng ngành y tế thì cho đến ngày 10-1, nên gây khó khăn trong việc quản lý. “Trước tình thế này, BV vừa phải tuyên truyền cho người dân, vừa linh hoạt tư vấn để người có thẻ BHYT cũ yên tâm đến khám bệnh và sau đó tiến hành đổi thẻ mới” - bác sĩ Thạnh cho biết. Còn ông Lê Văn Lịch - giám đốc Bảo hiểm xã hội TP Đà Nẵng - cho rằng vẫn tồn tại nhiều bất cập khi thực hiện BHYT mới, trong đó nổi lên là việc nhiều địa phương, trường học... không cấp thẻ BHYT mới kịp thời. Đ.CƯỜNG |
Tại khu đăng ký khám bệnh BHYT của BV Chấn thương chỉnh hình TP.HCM đông nghẹt BN đứng chờ. Bà N.T.P. (62 tuổi, Cống Quỳnh, Q.1) vừa đi cà nhắc vừa nói như để vơi đi những bức xúc trong lòng: “Làm gì mà kỳ cục, cứ bắt đi lên đi xuống hoài. Đợi suốt hai tiếng đồng hồ, giờ vẫn chưa đâu vào đâu!”.
Khi có người hỏi chuyện, bà làm luôn một tràng: “Trước đây khám đâu phải đóng tiền phức tạp như vậy. Tôi thuộc diện hưu trí phải đóng 5%, chẳng hiểu sao họ lại ghi 20%. Khi nhân viên kêu tên tôi, bắt đóng tiền 20%, tôi không chịu, vậy là phải đi lên phòng tài vụ coi lại giấy tờ, sửa lại giấy tờ. Sau đó lại tiếp tục đi đóng 5%...”.
Tại quầy phát thuốc BHYT, bà L.T.N. (76 tuổi, Q.10, TP.HCM) đang chống nạng đứng đợi phát thuốc thì cô nhân viên thông báo thuốc Fosamax 70mg bác sĩ kê toa sẽ được cấp với điều kiện bà phải có giấy chứng nhận loãng xương. Nghe yêu cầu này, bà N. không giấu nổi bực mình, vì lần này đi khám bà không mang theo giấy. Cạnh đó, ông D.T.H. (58 tuổi, Q.8) và ông T.T.T. (Q.10) được thông báo không còn thuốc, hai BN này cũng được yêu cầu xuống nơi đóng tiền để nhận lại... tiền đồng chi trả.
Điều dưỡng Nguyễn Thị Thu Liễu, phòng duyệt BHYT BV Chấn thương chỉnh hình, cho biết số BN đi khám theo diện BHYT đến thắc mắc trong ngày gấp đôi những ngày trước. Rất nhiều cán bộ hưu trí, BN thuộc diện xóa đói giảm nghèo đều không biết lý do họ phải đóng tiền khi đi khám bệnh.
Theo quy định mới, những trường hợp bị tai nạn giao thông phải có biên bản do công an xác nhận chấp hành đúng luật lệ giao thông mới được BHYT thanh toán, nhưng phần lớn BN bị tai nạn giao thông đến khám tại BV Chấn thương chỉnh hình chưa lấy được biên bản. Do vậy, BV chỉ xác nhận những BN này đến có mang theo BHYT và BN vẫn phải đóng tiền
Bác sĩ Tăng Chí Thượng, giám đốc BV Nhi Đồng 1 TP.HCM, cho biết hơn 30 loại thuốc trước đây trẻ dưới 6 tuổi được điều trị miễn phí mà BV đã lập danh sách đề nghị được bổ sung trong danh mục BHYT vẫn chưa được giải quyết. Trước đó, ngày 1-10-2009, thời điểm áp dụng Luật BHYT mới cho trẻ dưới 6 tuổi, BHXH TP.HCM đã đồng ý thanh toán toàn bộ danh mục thuốc này trong vòng ba tháng, tức hết ngày 31-12.
Đến thời điểm hiện nay, khi không còn được thanh toán nữa thì gia đình bệnh nhi phải trả tiền. Bác sĩ Vũ Quang Vinh - phó phòng kế hoạch tổng hợp BV Nhi Đồng 2 - nói BV vẫn còn gần 100 mục xét nghiệm (hiếm khi làm) chưa được đưa vào trong danh mục BHYT. Do vậy, nếu bệnh nhi dưới 6 tuổi cần làm những xét nghiệm này thì vẫn phải đóng tiền.
Bệnh nhân khám bệnh theo thẻ bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, TP.HCM - Ảnh: Thanh Đạm |
Bệnh viện, bệnh nhân cùng khổ
Ông Viên Văn Đoan, trưởng khoa khám bệnh BV Bạch Mai (Hà Nội), cho biết sáng 4-1, vướng mắc xảy ra khi có BN khiếu nại thẻ BHYT của họ còn hạn đến tháng 4-2010, chưa được đổi thẻ mới nhưng BV không thanh toán chi phí khám chữa bệnh. “Vẫn còn nhiều BN BHYT chưa được đổi thẻ mới, ngay tôi cũng chưa có thẻ BHYT mới, nếu bây giờ đi khám chữa bệnh thì thực hiện thế nào? Về lý, BN có thể kiện” - ông Đoan nói.
Tại cuộc làm việc với BV Bạch Mai hôm qua, phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Trần Quý Tường - trưởng đoàn kiểm tra của Bộ Y tế về thực hiện BHYT - mới thông báo hướng dẫn của Bộ Y tế về việc BN có thẻ BHYT có hạn sử dụng sau 1-1-2010 chưa được cấp thẻ mới thì tiếp tục sử dụng thẻ cũ khám chữa bệnh, quyền lợi áp dụng theo quy định mới. BN đang điều trị tại BV có thẻ BHYT hết hạn trước 31-12-2009, nếu thuộc nhóm BHYT bắt buộc sẽ căn cứ vào mã thẻ để chi trả. Nhóm BHYT tự nguyện, nếu có xác nhận đang đợi cấp thẻ BHYT sẽ được thanh toán đến hết đợt điều trị.
Nghiệt nỗi, trước đó ngày 18-12-2009, phó giám đốc Bảo hiểm xã hội Hà Nội Nguyễn Đức Hòa đã ký văn bản gửi các cơ sở khám chữa bệnh yêu cầu từ ngày 1-1-2010, thẻ BHYT phát hành theo hệ thống mã thẻ cũ không còn giá trị sử dụng. Ông Nguyễn Ngọc Hiền, phó giám đốc BV Bạch Mai, cho rằng phần mềm quản lý chi trả cho BN BHYT của Bạch Mai đã sửa chữa để áp dụng mẫu thẻ mới, nay Bộ Y tế lại có hướng dẫn mới thì BV không thể áp dụng ngay cho BN được vì phần mềm mới không nhận diện mã thẻ cũ. Ông Hiền cũng nói nếu hướng dẫn của Bộ Y tế đến sớm 3-4 ngày trước Tết dương lịch 2010, BV có thể xoay xở kịp.
Vướng mắc người nghèo cùng chi trả
Theo ông Nguyễn Cao Luận - trưởng khoa thận nhân tạo BV Bạch Mai, khoa này đang có khoảng 300 BN chạy thận nhân tạo thường xuyên, thực hiện quy định mới, người nghèo sẽ phải cùng chi trả 5% phí khám chữa bệnh, tức khoảng 500.000 đồng/người/tháng. “Vướng mắc nhất ở chỗ này đây, người nghèo, người dân tộc thiểu số đã không có nổi tiền mua thẻ BHYT, nay bắt cùng chi trả thì họ biết lấy đâu ra. BN thận nhân tạo ba lần chạy thận/tuần, không điều trị sẽ tử vong, mấy đời bộ trưởng y tế đã yêu cầu không để BN chết vì không có tiền, nhưng ai trả phần thu này cho họ” - ông Luận kêu ca.
Giải thích thắc mắc này, ông Hiền cho biết Bộ Y tế đã có hướng trích quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo (quỹ 139) cùng chi trả cho BN nghèo. Tuy nhiên điều đó mới chỉ được nghe nói mà chưa có văn bản. Vấn đề còn ở chỗ chưa ai có thống kê quỹ 139 địa phương nào đang hoạt động, còn bao nhiêu tiền. “Vấn đề cùng chi trả cho người nghèo, người dân tộc thiểu số vẫn còn là một câu hỏi lớn”- ông Nghiêm Trần Dũng, vụ phó Vụ BHYT Bộ Y tế, nhận xét.
Theo ông Hoàng Kiến Thiết - trưởng ban cấp sổ thẻ (Bảo hiểm xã hội VN), do chậm chuyển danh sách người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, rất nhiều địa phương chậm cấp thẻ BHYT cho hai nhóm này. Với trẻ em, nếu không có thẻ BHYT, có thể sử dụng giấy khai sinh, chứng sinh, thẻ khám chữa bệnh miễn phí cũ thay thế khi đi khám chữa bệnh, còn người nghèo thì chịu. Ông Thiết nói từng xảy ra hiện tượng thẻ BHYT cho người nghèo Hà Giang có giá trị từ tháng 1 nhưng chậm lập danh sách, in ấn và phát thẻ, đến tháng sáu người nghèo mới được nhận thẻ và chi phí khám chữa bệnh trong sáu tháng đầu năm người nghèo không được hưởng.