Rùa hồ Gươm nổi lên hôm qua với vết thương quen thuộc ở chân và mai. Ảnh: Vũ Long. |
Từ khi Rùa hồ Gươm thả về môi trường tự nhiên, trong tháng qua rùa đã nổi liên tiếp hơn một chục lần. Theo ghi chép của giáo sư Hà Đình Đức, tháng 11 vừa qua rùa nổi ít nhất 12 lần, trong những ngày đầu tháng 12 rùa nổi ít nhất 4 lần.
Tiến sĩ Nguyễn Viết Vĩnh, chuyên gia thủy sản, cho rằng, cụ Rùa nổi là do bị đói. "Lượng cá thả xuống hồ không nhiều, lại là những con cá sống, việc bắt số lượng cá thưa thớt trên diện tích của hồ là điều không dễ với cụ Rùa, nhất là khi cụ đã quen với môi trường được cho ăn khi dưỡng thương", ông Vĩnh cho hay.
Cụ Rùa hồ Gươm được thả trở lại môi trường tự nhiên trong hồ từ hồi tháng 7, sau hơn ba tháng được nuôi nhốt trong bể để chữa trị các vết thương.
Tiến sĩ Bùi Quang Tề, chuyên gia thủy sản, cũng cho rằng Rùa có thể thiếu thức ăn. Nhưng ông cũng đưa thêm lý do có thể Rùa nổi liên tục do môi trường bị ô nhiễm hoặc thời tiết thay đổi. "Mấy ngày qua thời tiết đang lạnh và âm u chuyển sang trời nắng, nên có thể cụ Rùa nổi lên để phơi nắng, giúp việc tiêu hóa, di chuyển dễ dàng hơn, thậm chí để tiêu diệt nấm mốc trên thân thể", tiến sĩ Tề cho hay.
Dự đoán nguyên nhân Rùa hồ Gươm nổi, giáo sư Hà Đình Đức cho rằng, mùa này là mùa nước cạn, việc cải tạo hồ đoạn Hàng Khay chưa được thực hiện. Khi trời nắng lên, tảo trong hồ phát triển mạnh, khiến lượng oxy trong nước giảm nhanh, làm nước hồ ô nhiễm, cụ Rùa phải nổi lên để thở.
Hồi tháng 7, khi thả cụ Rùa, các cơ quan chức năng quyết định không gắn chíp theo dõi để cụ được tự do. Để đảm bảo nguồn thức ăn cho Rùa, chi cục Thủy sản Hà Nội đã thả khoảng 60 nghìn con cá vào hồ Gươm, chủ yếu là cá trôi, mè, rô phi... Khi còn ở trong bể dưỡng thương, mỗi ngày cụ xơi khoảng 5 con cá.
Trước đó, trong quá trình bắt Rùa, xuất hiện các thông tin cho rằng trong hồ có nhiều hơn một cá thể Rùa. Tuy nhiên từ đó đến nay chưa có bất cứ ghi nhận nào về cá thế thứ hai hay thứ ba đó.