Trong những năm qua, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, Chương trình OCOP đã trở thành một chương trình trọng tâm, có sự lan tỏa mạnh mẽ, được triển khai đồng bộ với sự huy động vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành. Chương trình OCOP đã trở thành một giải pháp ưu tiên trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông dân và nông thôn, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng, sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Năm 2019, UBND thành phố Đà nẵng đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án “Chương trình Mỗi xã một sản phẩm” thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 (gọi tắt là OCOP). Đến nay, Chương trình OCOP thực sự đã có những tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội, khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc trưng, gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất của người dân Đà Nẵng. Đến cuối năm 2020, trên địa bàn thành phố có 18 sản phẩm OCOP được đánh giá, công nhận và phân hạng 3 sao, 4 sao (7 sản phẩm được công nhận 4 sao, 11 sản phẩm được công nhận 3 sao).
Khoa học và công nghệ đóng vai trò quan trọng
Bên cạnh phát triển số lượng sản phẩm OCOP, để đưa những sản phẩm do người dân, doanh nghiệp trên địa bàn sản xuất đến người tiêu dùng trong và ngoài thành phố, việc ứng dụng KHCN trong sản xuất, chế biến cũng là yếu tố rất quan trọng các địa phương cần chú trọng. Việc ứng dụng công nghệ, các phương pháp khoa học kỹ thuật giúp sản phẩm tạo nên sự uy tín, chất lượng sản phẩm OCOP, tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Ngoài ra, để sản phẩm OCOP được lan truyền đến thị trường và tạo tiếng vang lớn thì việc xây dựng quyền Sở hữu trí tuệ, tem nhãn, bao bì, mã số, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm… là các yếu tố không thể thiếu đối với một sản phẩm OCOP tiêu biểu.
Chương trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2020
Với vai trò, chức năng và nhiệm vụ của mình, những năm qua Sở Khoa học và Công nghệ đã tích cực chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong phát triển sản phẩm, tổng hợp đề xuất nhiệm vụ khoa học, công nghệ để phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố. Đặc biệt Sở Khoa học và Công nghệ đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đăng ký sở hữu trí tuệ sản phẩm OCOP, phát triển thương hiệu sản phẩm như: Nước mắm Nam Ô Hương Làng cổ, Giá đỗ Nghi An, HTX Nấm Nhơn Phước, Nấm Linh chi Đà Nẵng... Đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của huyện Hòa Vang, đến cuối năm 2020 Sở Khoa học và Công nghệ đã thực hiện hỗ trợ việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cho 27 nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận chiếm 82% tổng số lượt hỗ trợ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp do Sở KH&CN hỗ trợ trong 5 năm qua.
Công tác hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu đã có những đóng góp vào việc phát triển kinh tế - xã hội, gìn giữ và phát triển các nghề, các sản phẩm truyền thống trên địa bàn thành phố, góp phần củng cố, phát triển sản phẩm tham gia Chương trình OCOP và các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương.
Việc đầu tư ứng dụng khoa học và công nghệ trong nuôi trồng, chế biến, sản xuất chính là giải pháp hữu hiệu để nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Từ năm 2019, khi triển khai thực hiện Chương trình OCOP, xác định việc đầu tư ứng dụng khoa học và công nghệ góp phần hoàn thiện các tiêu chuẩn, bảo đảm chất lượng để tham gia vào chu trình OCOP luôn là vấn đề được các chủ thể quan tâm, phát huy. Trong quá trình hoàn thiện các tiêu chuẩn và đảm bảo chất lượng sản phẩm, vai trò của KHCN rất quan trọng.
Công ty TNHH Toàn Gia Phú ứng dụng công nghệ vào sản xuất sản phẩm nước uống Kiềm ION PRO (Sản phẩm OCOP 4 sao)
Như tại Công ty TNHH Toàn Gia Phú với việc đầu tư dây chuyền thiết bị sản xuất nước uống đóng chai với các thiết bị gồm máy chiết rót tự động 3 in 1, máy phun nitơ lỏng và máy dán nhãn tự động vào trong dây chuyền sản xuất nước uống đóng chai giúp Doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian, chi phí, nâng cao năng suất cho nhà máy, đảm bảo chất lượng và độ an toàn vệ sinh cũng như tính thẩm mĩ, giá cả cạnh tranh cho sản phẩm, đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ của thị trường nước uống tại Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung cũng như xuất khẩu khi có cơ hội.
Đoàn Sở KH&CN, các chuyên gia thăm và hỗ trợ tư vấn, đánh giá dây chuyền sản xuất nước uống đóng chai của Công ty TNHH Toàn Gia Phú
Đặc biệt, máy chiết rót tự động “3 in 1” của công ty được kết hợp với máy phun ni tơ lỏng được sử dụng công nghệ hoàn toàn tự động từ khâu xúc xả, chiết rót và đóng nắp nên đảm bảo được khâu vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo ra một dòng sản phẩm cao cấp, chất lượng, đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp. Đối với máy dán nhãn tự động, làm việc với năng suất và độ chính xác cao, thao tác đơn giản dễ sử dụng, đem lại hiệu quả tối đa trong quá trình sản xuất. Với việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và sự hỗ trợ tư vấn đánh giá của Sở Khoa hoc và Công nghệ, sản phẩm nước uống Kiềm ION PRO của công ty đã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao năm 2020.
Sản phẩm Rượu cần Phú Túc tham gia chương trình bình chọn sản phẩm nông thôn tiêu biểu năm 2021
Với nguồn nông lâm thủy sản dồi dào, thành phố Đà Nẵng vẫn còn rất nhiều sản phẩm đặc trưng địa phương chưa được khai thác hết hiệu quả và chưa được nhiều người biết đến. Để mỗi năm, Chương trình mỗi xã một sản phẩm được dồi dào về sản phẩm và chất lượng, nhãn hiệu được nâng cao, bên cạnh công tác hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu sản phẩm, Sở Khoa học và Công nghệ còn đẩy mạnh phối hợp triển khai hiệu quả chương trình với Hội Nông dân thành phố, Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Công thương, Liên minh Hợp tác xã… nhằm hỗ trợ nông dân tích cực ứng dụng các giải pháp khoa học kỹ thuật, các công nghệ mới, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế tạo ra các sản phẩm nông nghiệp theo hướng hữu cơ, đảm bảo an toàn thực phẩm và gắn Chương trình OCOP với việc phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề truyền thống (Kiệu Hòa Nhơn, Nước mắm Nam Ô), tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân trên địa bàn thành phố. Để các giải pháp khoa học kỹ thuật – công nghệ mới đến được với người dân, Sở đã chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức các lớp tập huấn, cầm tay chỉ việc cho bà con nông dân và các tổ chức kinh doanh, sản xuất sản phẩm nông nghiệp.
Tạo niềm tin cho người dùng từ các công nghệ mới
Tại Hòa Vang, với nhiều sản phẩm đặc trưng của địa phương, từ năm 2016 đến nay, Sở đã tổ chức 32 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt và chăn nuôi cho bà con nông dân huyện Hòa Vang cho gần 1.500 lượt học viên. Nội dung tập trung vào hướng dẫn quy trình trồng và chăm sóc các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế và phù hợp với điều kiện địa phương, với phương thức cầm tay chỉ việc, giúp bà con nắm vững quy trình kỹ thuật, chủ động triển khai sản xuất. Xuất bản và phát hành 02 số chuyên đề KH&CN đến Hội Nông dân 11 xã của Huyện Hòa Vang về các quy trình kỹ thuật, công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp của địa phương: Công nghệ xử lý nước thải trong sản xuất, chăn nuôi; Ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp. Thực hiện các phóng sự truyền hình, tin/bài truyền thông lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn nhằm góp phần phát triển nông nghiệp thành phố Đà Nẵng nói chung và huyện Hòa Vang nói riêng.
Ông Bùi Thành Phú, Giám đốc Công ty TNHH mắm Hồng Hương, chủ nhãn hiệu nước mắm Hương Làng Cổ, cho biết: sau khi doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, nâng cấp các trang thiết bị, mẫu mã sản phẩm Cuối năm 2020 sản phẩm nước mắm Hương Làng Cổ đã được cấp giấy chứng nhận 4 sao sản phẩm OCOP, hướng đến được chứng nhận là sản phẩm OCOP. Do yêu cầu từ Chương trình OCOP cũng như nhu cầu cải tiến sản xuất, các máy móc thiết bị chưa hợp lý đều được doanh nghiệp thay đổi, lắp đặt mới. Tuy nhiên, việc tìm kiếm những công nghệ mới phù hợp hay bảo hộ thương hiệu các sản phẩm của doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ của cơ quan chức năng.
Sản phẩm OCOP nước mắm Hương Làng Cổ
Để tiếp tục triển khai Chương trình OCOP, ngày 15-3-2021, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 43/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) trên địa bàn thành phố Đà Nẵng năm 2021, nhằm phát triển sản phẩm OCOP Đà Nẵng trở thành sản phẩm chủ lực, có uy tín, chất lượng và cạnh tranh trên thị trường. Trong đó, Sở Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm tham mưu Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, trong đó có sản phẩm gắn với Chương trình OCOP; hỗ trợ, hướng dẫn cho các địa phương, các chủ thể thực hiện các hoạt động về tiêu chuẩn chất lượng, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, tư vấn phát triển nhãn hiệu sản phẩm OCOP, ghi nhãn hàng hóa, sử dụng mã số mã vạch, truy xuất nguồn gốc theo quy định. Ưu tiên sử dụng kinh phí đã bố trí để hỗ trợ các chủ thể đầu tư đổi mới công nghệ, thực hiện chuẩn hóa sản phẩm đảm bảo các tiêu chuẩn, đo lường chất lượng, sở hữu trí tuệ, đổi mới công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đối với sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố.
Có thể khẳng định, việc ứng dụng KHCN là một trong những yếu tố then chốt giúp các sản phẩm OCOP nâng cao về chất lượng và sức cạnh tranh trên thị trường. Thời gian tới, Sở KH&CN sẽ tiếp tục tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp, địa phương ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất các sản phẩm nông, lâm sản, nhất là những sản phẩm có thế mạnh tại Đà Nẵng.
Xuân Bình