Hoa Kỳ - thị trường tiềm năng
Giáo sư AnThony Lattanze, nhân viên cao cấp Viện Công nghệ PM (CNPM), giáo viên Viện Nghiên cứu PM quốc tế của ĐH Carnegie Mellon (Hoa Kỳ) khẳng định: Với lĩnh vực phát triển CNPM, Hoa Kỳ là một thị trường đầy tiềm năng. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có Ấn Độ xuất khẩu được các SPPM vào thị trường này. Xét về điều kiện cần và đủ, VN thừa khả năng cho ra đời những SPPM chất lượng cao, được thị trường Hoa Kỳ chấp nhận, nhưng đáng tiếc là thời gian qua, các DN của VN không nắm bắt thời cơ này.
Điều này cũng được ông Tommy - Tổng Giám đốc Cty MagRabbit (Hoa Kỳ) nhận định: Trong lĩnh vực y tế, hiện Hoa Kỳ đang rất thiếu những SPPM. Mới đây, Quốc hội Mỹ đã thông qua một dự án đầu tư 6 tỷ USD để nâng cao chất lượng y tế nên nhiều bệnh viện tầm cỡ ở Mỹ đang tìm cách hiện đại hóa việc chăm sóc và điều trị, trong đó chú trọng đến khâu thay đổi và nâng cấp các PM. Bên cạnh đó, các DN Hoa Kỳ cũng đang đua nhau thay thế hệ thống các PM mới để phục vụ chiến lược phát triển kinh doanh. Nói như vậy để thấy đây là thị trường rất tiềm năng cho các DN sản xuất PM ở VN.
Tuy nhiên, ông cũng đưa ra khuyến cáo, muốn các SPPM “sống tốt” ở Mỹ thì các DN phải đặt chất lượng lên hàng đầu. “Các DN sản xuất PM của các bạn có thể vài ba năm, hoặc chục năm mới dành được một hợp đồng cung cấp PM trị giá hàng triệu USD, thậm chí cao hơn nữa cho một đối tác ở Hoa Kỳ, nhưng chỉ cần các bạn không quan tâm tốt đến việc chăm sóc khách hàng thì chỉ trong tích tắc, hợp đồng sẽ bị hủy” - ông Tommy nói. Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Thế Trung - Tổng Giám đốc Cty DTT - HanoiCTT cho rằng, mục tiêu đạt doanh thu hơn 800 triệu USD vào năm 2010 của VN không khó, nếu biết đầu tư đúng cách. Bởi thực tế, nếu các DN VN ký được một hợp đồng nào đó với các đối tác Hoa Kỳ thì lợi nhuận có thể lên đến hàng triệu USD/PM...
Các chuyên gia và DN sản xuất phần mềm trong và ngoài nước tham dự hội thảo. |
Đủ điều kiện và cơ hội, nhưng...
Theo ông Nguyễn Thế Trung, để một SPPM VN có mặt và tồn tại ở Hoa Kỳ thì trước hết chúng ta phải quan tâm đến vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Bởi, trong số 25.000 người đang làm trong lĩnh vực CNPM của nước ta, phần lớn còn rất yếu về trình độ và thiếu các kỹ năng cần thiết.
Chưa hết, các DN sản xuất PM hoạt động theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, do đó dẫn đến sự kìm hãm cạnh tranh với các Cty cung ứng PM lớn trên thế giới.
Nhiều tham luận của các đại biểu đều cho rằng, việc sản xuất và xuất khẩu PM của các DN VN đều đủ điều kiện và có cơ hội, tuy nhiên các DN cần có sự liên kết để chú trọng đầu tư vào từng dự án cụ thể. Bên cạnh đó, DN nên tận dụng “chất xám” của hơn 2 triệu kiều bào ở nước ngoài, trong đó nhiều người rất giỏi về lĩnh vực PM để làm cầu nối với các đối tác nước ngoài. Bởi chính họ hiểu rõ thị trường Mỹ thiếu và cần những sản phẩm, dự án PM gì để có sự tư vấn, giới thiệu đối tác để các DN sản xuất PM VN đi đúng hướng. “Sự ra đời của Hiệp hội Doanh nhân VN ở nước ngoài đầu tháng 7-2009 vừa qua chính là cơ hội tốt để các DN trong nước liên hệ và tập hợp họ” - ông Trung nhìn nhận.
Những năm qua, nước ta cũng đã xuất hiện một vài mô hình liên kết đào tạo giữa nhà trường và DN. Trong số đó, Liên minh các ĐH và SEG Vietnam được thừa nhận như là một mô hình liên kết có chiến lược và cam kết mạnh mẽ nhất đối với sự nghiệp đào tạo nhân lực CNTT chất lượng cao cho VN đã đạt được những kết quả khích lệ. Ông Lê Công Cơ - Chủ tịch SEG Vietnam cho biết, việc SEG Vietnam hợp tác với Trường ĐH Carnegie Mellon trong việc đào tạo sinh viên chuyên về CNTT là hướng đi đúng.
Bởi trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa SEG Vietnam và Carnegie Mellon, song song với việc chuyển giao chương trình CNPM và hệ thống thông tin, thì mỗi năm Việt Nam có khoảng 200 sinh viên được đào tạo theo chương trình chuẩn của Carnegie Mellon. “Đây là đội ngũ nhân lực được đào tạo bài bản và chuyên nghiệp, có thể là lực lượng giúp VN “vươn ra biển lớn” trong lĩnh vực PM”.
Riêng Đà Nẵng, ông Phạm Kim Sơn - Giám đốc Sở TT-TT khẳng định: Đến nay TP đã có gần 600 DN, cơ quan, viện nghiên cứu, trường học hoạt động trong lĩnh vực CNTT. DN CNTT Đà Nẵng tuy đa dạng về loại hình và dịch vụ, có nguồn nhân lực phong phú nhưng nhỏ về quy mô, thị trường hẹp, phạm vi hoạt động hạn chế. Vì đó, tổng doanh thu của ngành công nghiệp CNTT TP Đà Nẵng đạt gần 1.000 tỷ đồng, nhưng xuất khẩu PM chỉ đạt gần 6.500.000USD. Điều đáng lo ngại hiện nay của Đà Nẵng là tình trạng thiếu nhân lực có chất lượng cao. Vì thế, cần phải làm sao để nhân lực CNTT được đào tạo đạt chất lượng ở cấp độ quốc tế, đáp ứng được yêu cầu của DN, nhất là trong điều kiện cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.