Đã tới lúc chúng ta nhận ra rằng thế giới máy tính ngày nay đã thay đổi rất nhiều, và việc đánh giá một thiết bị qua cấu hình phần cứng đã trở nên lỗi thời.
Mới đây, Matt Burns đã có một bài viết đánh giá về thị trường tablet, theo đó thất bại của đa số những nhà sản xuất tablet chính là việc họ bán mình cho Android và tự dấn thân vào cuộc chiến cấu hình, một cuộc chiến mà chẳng ai có thể chiến thắng. Tôi muốn nhấn mạnh một điều rằng ngày nay cấu hình của thiết bị không còn mang nhiều ý nghĩa nữa.
Đã có một vài câu chuyện nhỏ có thể minh chứng cho thực tế mới này, ví dụ như việc Barnes & Noble cho ra Nook Tablet.
Nook Tablet mà một chiếc tablet chạy trên nền Android với dung lượng RAM và ổ cứng gấp đôi so với Kindle Fire, thời lượng pin lâu hơn và khởi động nhanh hơn. Chiếc tablet này đắt hơn Kindle Fire khoảng 50 USD, tính riêng ra thì sự khác biệt ở dung lượng RAM cũng đáng tiền hơn chênh lệch 50 USD này. Rõ ràng đây là sự lựa chọn đáng giá hơn. Nhưng trên thực tế, Nook Tablet chẳng bao giờ vượt qua nổi doanh số của Kindle Fire. Điều đó chứng minh rằng cấu hình không còn quan trọng nữa. Sức hấp dẫn của Kindle Fire đến từ hệ thống cung cấp tài nguyên vô cùng phong phú của Amazon. Cuộc đua về cấu hình đã không còn được xem trọng như trước kia.
Nook của Barnes & Nobles có cấu hình hơn hẳn...
...nhưng còn lâu mới có thể vượt được doanh số của Kindle Fire.
Tiếp theo là bài review của trang Consumer Reports dành cho iPhone 4S. Lần này họ thực sự đánh giá cao thiết bị của Apple với doanh thu kỷ lục và năm nay Apple trở thành hãng điện thoại thu lợi nhiều nhất trong lịch sử, khác hẳn với lần review iPhone 4 trước đó.
Một điều cần nhớ là Consumer Report tuy đánh giá cao iPhone 4S, nhưng họ vẫn thích những thiết bị dùng Android khác hơn. Tại sao? Câu trả lời là cấu hình. Họ rất thích khả năng chụp ảnh và quay video tĩnh của LG Thrill, qua đó đánh giá thấp iPhone 4S bởi chiếc smartphone này không có được khả năng tương tự. Chính những đánh giá như thế này khiến cho Consumer Reports dần dần bị người dùng bỏ quên. Năm ngoái họ chỉ trích rất nhiều về vấn đề ăng-ten của iPhone 4, nhưng thực ra thiết bị này vẫn trở thành smartphone hot nhất năm. Hiệu ứng của những bài chỉ trích này khiến cho người dùng chẳng thèm quan tâm đến Consumer Reports nữa. Bởi vì họ quá quan tâm đến cấu hình phần cứng, trong khi người dùng thì không.
LG Thrill được đánh giá rất cao...
...tuy nhiên không thể đánh bại được cả chiếc smartphone 2 năm tuổi như iPhone 3GS.
Cuối cùng là Kindle Fire, chiếc đinh cuối cùng cho cỗ quan tài mang tên “cấu hình”. Có thể nói đây là một thiết bị khá rẻ tiền, tuy nhiên nó lại cặp với Amazon.com, một thương hiệu đầy sức mạnh. Việc Kindle Fire vượt qua doanh số của Nook Tablet, một chiếc tablet có cấu hình hơn hẳn là 1 chuyện. Nó còn có thể cạnh tranh ngôi vua với iPad mới là điều thực sự ấn tượng. Từ xưa đến nay chưa từng có một tablet nào có thể cạnh tranh nổi với iPad, nhưng Kindle Fire rất có thể sẽ làm được điều này. Rõ ràng đây là 2 thiết bị khác nhau, iPad lớn hơn và giá cao hơn nhiều so với Kindle Fire, nhưng đối với nhiều người thì Kindle Fire cũng là một tablet đủ dùng, tạm thời cho tới khi iPad 3 xuất hiện.
“Đủ dùng” chính là yếu tố quan trọng nhất trong tâm lý của người mua. Không có một bài review nào nói rằng Kindle Fire tốt hơn iPad, bởi vì thực tế không phải như vậy. Nó không thể so sánh với sản phẩm của Apple về cấu hình lẫn thiết kế. Nhưng một đằng là thiết bị giá 199 USD so với một thiết bị giá 499 USD, sự chênh lệch về giá này sẽ khiến người dùng quên ngay những phép so sánh cấu hình. Người dùng sẽ trả tiền cho một thiết bị tốt bằng 1 nửa so với iPad, nhưng với cái giá ít hơn 1 nửa.
Và “đủ dùng” cũng là một khái niệm quan trọng trong thế giới công nghệ. Trước đây mọi người từng háo hức đón chờ những tạp chí mới nói về những thiết bị hàng đầu, điều người ta quan tâm nhất chính là cấu hình. Ví dụ như Intel ra một con chip mới, tốc độ thế nào, cache là bao nhiêu, RAM và dung lượng ổ cứng máy tính lớn đến đâu?
Tuy nhiên có 3 vấn đề xảy ra. Một, những cấu hình liệt kê ở trên quá khó hiểu đối với đa số người dùng. Hai, sự thống trị của web và đa phần máy tính ngày nay đều đủ mạnh để đáp ứng nhu cầu của đa số người dùng. Cấu hình giờ đây chỉ còn là vấn đề của những gamer. Điều này đánh dấu sự tái sinh của Mac, vốn chưa bao giờ được coi là một cỗ máy chơi game, cho dù trước đây nó đã từng hợp nhất với những con chip mạnh mẽ của Intel. Ba, là sự vươn lên của những hệ điều hành mới.
Trong những năm trước đây, cấu hình là yếu tố quan trọng bởi thế giới máy tính có một thế lực thống trị: Microsoft. Windows có mặt ở khắp mọi nơi, vì vậy chúng ta có thể đánh giá hiệu năng của máy thông qua cấu hình. Tuy nhiên sự vươn lên của Mac, và quan trọng hơn, là những smartphone và tablet khiến cho người ta rất khó để so sánh hiệu năng hoạt động giữa các thiết bị này.
Chúng ta có thể nhận thấy cách PR sản phẩm rất khác nhau của 2 hãng máy tính.
Chiếc MacBook Air mà tôi dùng không có cấu hình mạnh như chiếc laptop mới nhất của HP, nhưng tôi lại cảm thấy chiếc laptop của mình nhanh hơn. Có lẽ lý do nằm ở hệ điều hành OS X, hoặc ổ cứng SSD. Ý tôi là người dùng giờ đây không quan tâm và cũng không cần phải quan tâm tới cấu hình nữa. Họ chỉ nên quan tâm tới việc thiết bị của mình khởi động có nhanh không, hoạt động có mượt mà hay không.
Giờ đây một hệ thống cung cấp tài nguyên dồi dào là điều quan trọng hơn cấu hình. Đây chính là thứ đã giúp Apple và Amazon nổi danh. Liệu thiết bị của người dùng có hoạt động tốt với iTunes hay không? Liệu nó có thể truy cập và App Store hay không? Liệu nó có thể tải video và sách báo tại Kindle Bookstore của Amazon hay không?
Như vậy chúng ta đã nhận ra mặt hạn chế của những bài review sản phẩm chỉ dựa trên đánh giá cấu hình. Quan trọng hơn cả là việc sản phẩm đó đem lại cho người dùng cảm giác ra sao.
Có thể nhận thấy Apple chính là hãng đang dẫn đầu kỷ nguyên hậu PC. Họ thường lờ đi những thông tin về cấu hình trong các sản phẩm mới của mình. Ví dụ như việc iPhone 4S có 512MB hay 1GB RAM, Apple không hề đề cập tới. Nhưng chẳng ai quan tâm cả, đây vẫn là chiếc iPhone nhanh nhất hiện nay.
Về phần Mac thì Apple có chú trọng hơn về cấu hình, nhưng đa phần họ vẫn luôn kín tiếng về những thông tin này. Những trang máy tính khác luôn luôn chú thích rõ loại bộ xử lý và cấu hình phần cứng của thiết bị, tuy nhiên Apple chỉ có một lời giới thiệu đơn giản: “Chiếc MacBook Air mới và nhanh hơn”.
Như vậy việc cấu hình của iPad không phải là điều mà người dùng đem ra so sánh với Motorola Xoom, thì cũng đồng nghĩa với việc nó cũng không dùng để đem ra so sánh với Kindle Fire. Người ta sẽ chú ý hơn về việc thiết bị hoạt động ra sao, nguồn cung cấp tài nguyên, và giá cả. Hay nói cách khác, trong thế giới công nghệ ngày nay người ta sẽ tập trung cạnh tranh nhau ở những yếu tố mà người dùng có thể cảm nhận được bằng mắt thấy tai nghe, chứ không qua những thông số trên giấy tờ.