Khoảng 30 năm trước các nhà khảo cổ phát hiện nhiều viên đá có hình dạng giống mũi giáo tại một khu vực ở Nam Phi. Ngay từ hồi đó các nhà khoa học đã biết tuổi của những mũi giáo là 500.000 năm, song họ không biết nó là công cụ lao động thông thường hay một loại vũ khí. Mới đây Jayne Wilkins, một nhà nghiên cứu của Đại học Toronto tại Canada, cùng các đồng nghiệp đã phân tích những mẩu đá đó và kết luận rằng người xưa gắn chúng lên một đầu của gậy dài để săn thú, AP đưa tin.
Những viên đá nhọn có hình dạng giống mũi giáo tại Nam Phi. Người xưa chế tác chúng từ nửa triệu năm trước. Ảnh: Jayne Wilkins. |
Từ trước tới nay giới khoa học luôn tin rằng con người bắt đầu chế tác mũi giáo đá nhọn để săn thú từ 300.000 năm trước. Phát hiện cho thấy tổ tiên của chúng ta đã bắt đầu săn thú với những mũi giáo đá từ nửa triệu năm trước, sớm hơn tới 200.000 năm so với suy đoán trước đây. Vì thế, kết luận của nhóm Wilkins khiến giới chuyên gia nhân chủng cảm thấy bất ngờ.
Cả người Neanderthal, một chủng người đã biến mất, cùng người hiện đại (Homo sapiens) đều sử dụng mũi giáo đá. Sự tồn tại của mũi giáo đá nửa triệu tuổi tại Nam Phi cho thấy rất có thể người thông minh và người Neanderthal không phát minh ra mũi giáo đá mà thừa hưởng kỹ năng đó từ tổ tiên chung - người Homo heidelbergensis. Nhưng đến nay người ta chưa tìm thấy bằng chứng cho thấy người Homo heidelbergensis biết cách gắn mũi giáo đá vào đầu gậy để phóng vào thú hoang.
"Việc mũi giáo cổ nhất thuộc về người Homo heidelbergensis giống với việc tìm thấy máy nghe nhạc iPod từ thời La Mã cổ đại", giáo sư bộ môn cổ nhân chủng học John Shea của Đại học Harvard tại Mỹ bình luận với National Geographic. Shea không tham gia nghiên cứu của Wilkins.
Shea khẳng định người xưa phải dùng ngôn ngữ để truyền đạt kỹ năng lắp mũi giáo đá lên đầu gậy.
"Chế tác mũi giáo đá rồi cắm chúng lên đầu gậy không phải là những thao tác mà người xưa có thể học bằng cách bắt chước. Nó phức tạp đến nỗi họ phải sử dụng ngôn ngữ để truyền đạt cho thế hệ sau", Shea giải thích.
Ngôn ngữ đã xuất hiện từ thời đại của người Homo heidelbergensis không phải là thông tin gây sốc.
"Chúng ta có tiếng nói và có thể người Neanderthal cũng có ngôn ngữ. Vì thế chúng ta có thể suy luận rằng tổ tiên chung của người hiện đại và người Neanderthal đã biết cách dùng tiếng nói để giao tiếp", Shea bình luận..