Tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước cần cách làm mới?

Rất khó tiếp cận với “bộ sậu” ban chỉ đạo xây dựng đề án tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, vừa được Bộ Tài chính thành lập hôm 7/10. Thông tin thu về sau cú điện thoại trao đổi với vị Trưởng ban, cũng là Thứ trưởng Bộ Tài chính, gói gọn trong câu trả lời: “Mới chỉ có quyết định thôi”.

Sau những hân hoan về hành động mau lẹ của Bộ Tài chính hưởng ứng chủ trương lớn tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, một trong 3 khâu đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011-2015, con đường phía trước dường như vẫn mông lung.

Những quan điểm phản biện gần đây lưu ý đến những giải pháp nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước không được thực thi đúng như lộ trình đã vạch sẵn. Thậm chí, có ý kiến nêu đây là vấn đề không dễ để một bộ có thể “đương đầu”, nhất là với sự trì trệ lâu nay trong chuyển đổi cơ cấu của khu vực doanh nghiệp này.

“Hiểu tái cấu trúc một cách đơn giản là những điều chỉnh, thay đổi, thì thực tế chúng ta đã thực hiện từ lâu nay rồi”, Phó trưởng Ban cải cách và phát triển doanh nghiệp (Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương - CIEM) Phạm Đức Trung nêu quan điểm.

picture


Hai thay đổi lớn hướng đến cải cách doanh nghiệp nhà nước gồm: “khoanh vùng” lĩnh vực hoạt động (hay tái cấu trúc ngành nghề); cổ phần hóa (hay tái cấu trúc sở hữu), lâu nay không chỉ nằm trong chủ trương mà đã có lộ trình, mục tiêu cụ thể. Tuy thế, gần đây cả hai hướng tái cấu trúc nêu trên đều “chậm rì”, thậm chí là có những động thái đi ngược lại.

“Đã qua 4 lần chúng ta quy định cụ thể về lĩnh vực doanh nghiệp nhà nước được tham gia. Tôi nhớ là lần đầu tiên quy định rất dài, nhưng gần đây thì chỉ còn lại dưới 20 lĩnh vực”, ông Trung cho hay. 

Trong khi đó, nhiều nhận định, thậm chí là con số chứng minh cụ thể được công bố gần đây cho thấy, đầu tư ngoài ngành vẫn còn diễn ra ở nhiều doanh nghiệp. Thậm chí, có những giai đoạn “nở rộ” đầu tư ngân hàng, chứng khoán, bất động sản... của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Ở một góc nhìn khác, chủ trương cổ phần hóa cũng có kết cục không như mong muốn. Tính đến cuối năm 2010, vẫn có hơn 1.200 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước chậm trễ trong cổ phần hóa, buộc phải chuyển sang hình thức công ty TNHH một thành viên.

Cho nên, việc ban chỉ đạo xây dựng đề án tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước nằm tại Bộ Tài chính và không thấy xuất hiện trong cơ cấu nhân sự các chuyên gia nghiên cứu, nhà phân tích… đem đên hồ nghi về khả năng tạo một sự thay đổi lớn trong việc tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước lần này.

Phải chăng là chủ trương tái cấu trúc vẫn sẽ gắn với các vấn đề về tài chính doanh nghiệp, như là tái cấu trúc sở hữu, tái cấu trúc ngành nghề? Câu hỏi này lập tức được nhiều chuyên gia kinh tế đặt ra.

Trong khi những “áp đặt” từ bên ngoài, bao gồm cả quy định lĩnh vực được tham gia, mục tiêu và lộ trình thoái vốn… dường như đã không đủ sức tạo chuyển biến trong khối doanh nghiệp nhà nước. Có lẽ, đã đến lúc cần có một cách làm khác hẳn?

Một quan điểm khác cho rằng, tái cấu trúc doanh nghiệp phải bắt đầu từ tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến đổi mới thể chế để tạo động lực thôi thúc cải cách từ bên trong doanh nghiệp.

Phó viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung lưu ý hai bước quan trọng của cải cách thể chế trong quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước.

Thứ nhất, ông cho rằng phải tạo lập một thể chế, trong đó các quy định liên quan đến những yếu tố của môi trường kinh doanh phải hoàn toàn giống nhau giữa doanh nghiệp nhà nước và các loại hình doanh nghiệp khác. Những quy định khác hoặc quá trình thực hiện còn tạo ra đặc quyền, đặc lợi cho doanh nghiệp nhà nước phải được loại bỏ hoàn toàn.

Ông cũng lưu ý rằng, các nguyên tắc thị trường phải được áp dụng đầy đủ đối với doanh nghiệp nhà nước. “Trường hợp thua lỗ phải bị phá sản chứ không phải được nhà nước trả thay, hay khoanh nợ…”, Phó viện trưởng Cung nói thêm.

Thứ hai, ông Cung cho rằng đối với thể chế quản trị doanh nghiệp nhà nước phải được thực hiện theo khung giám sát về quyền sở hữu, quản trị, kinh doanh… theo thông lệ quốc tế.

“Cái có thể làm ngay là ban hành quy trình minh bạch hóa thông tin. Bởi vì thông tin nó như là mạch máu để giám sát, không có thông tin thì không thể giám sát tốt”, ông nói.

Chuyện tổ thức thực hiện, lâu nay vẫn nhận được nhiều quan ngại nhất. Đã xuất hiện những lưu ý về việc đặt ban chỉ đạo thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước ở cấp bộ sẽ là “làm khó” các cơ quan này. Bởi vì, liệu các bộ có “dũng cảm” cắt bớt quyền lực của mình đối với doanh nghiệp nhà nước?

Theo lưu ý của ông Trung, hiện các bộ chủ quản vẫn đang thực hiện đủ ba quyền là đại diện chủ sở hữu tại một số doanh nghiệp nhà nước, quản lý ngành và ban hành chính sách liên quan đến ngành mình quản lý. 

Với việc “vừa đá bóng, vừa thổi còi” như thế, hiển nhiên là sẽ rất khó để các bộ quyết liệt cắt giảm quyền lực của mình tại các doanh nghiệp, hay chấm dứt việc tạo đặc quyền đặc lợi cho đơn vị trực thuộc.

“Theo tôi phải tiến dần từng bước để hình thành cơ quan chuyên trách thực hiện chức năng chủ sở hữu phần vốn tại doanh nghiệp nhà nước”, ông Trung nêu quan điểm.