Tạm biệt ổ quang

Khi Apple ra mắt dải sản phẩm mới hồi giữa tháng 8/2011, việc chiếc Macbook Air vẫn không có ổ quang là chuyện đã quá quen thuộc. Tuy nhiên, điều khiến nhiều người dùng thực sự bị sốc chính là Mac Mini phiên bản mới 2011 cũng không có ổ quang.

Điều này khiến câu hỏi "Liệu ổ quang thực sự đã hết thời?" nảy sinh. Thực tế, cuộc "cách mạng" loại bỏ ổ quang không phải tới nay mới bùng nổ. Đây không chỉ là lựa chọn của riêng Apple mà xu thế này đã và sẽ "lấn sân" trên cả mảng sản phẩm PC nói chung và nhiều thiết bị công nghệ khác.

Ngôi sao sáng của quá khứ 

 
Những chồng đĩa DVD cồng kềnh có thể dễ dàng thay thế bởi đĩa cứng lắp ngoài nhỏ gọn hơn nhiều
Bản thân những dòng đĩa quang đã từng có lịch sử sáng chói và được xem như biểu tượng của cuộc cách mạng công nghệ một thời khi chúng thay thế những chồng đĩa mềm. Mặc dù vậy, lịch sử giờ đây lặp lại khi những chiếc đĩa quang dường như càng ngày càng gây ra nhiều rắc rối hơn là lợi ích. Về mặt cơ bản, bạn có thể dễ dàng nhận thấy sáu điểm khiến cho những nhà sản xuất như Apple quyết tâm thực hiện cuộc chuyển đổi đầy mạo hiểm này. 

Vận hành ồn ào 

Bản thân ổ quang có những thành phần cơ học cho phép quay đĩa ở tốc độ cao trong khi truy xuất dữ liệu trên bề mặt đĩa bằng tia laser. Chính cơ chế hoạt động và thông gió của ổ sẽ gây ra tiếng ồn khó chịu như tiếng rít của động cơ khi quay. Trong khi đó, một số loại ổ cũ hoặc ổ trên các sản phẩm gia dụng thậm chí có thể kêu cạch cạch mà bạn có thể nghe thấy rõ ngay cả khi đang đứng ở xa. 

Tốn công sức bảo trì 

Như mọi thiết bị với cơ chế cơ học khác, ổ quang với tốc độ quay nhanh sẽ hao mòn và hư hỏng dần theo thời gian. Việc đóng mở khay đĩa dễ để bụi bẩn xâm nhập vào bên trong thiết bị cũng sẽ hạ khả năng đọc của mắt laser. Trong số liệu của nhiều nhà sản xuất khoảng 10 năm trở lại đây, các thiết bị như máy tính, đầu DVD… mà người dùng gửi trả về bảo hành, sửa chữa phần lớn đều do hỏng hóc ổ quang. 

Tiêu tốn năng lượng 

 
Ổ cứng lắp ngoài – một trong những "sát thủ" ổ quang

Hiện tại, ổ quang là một trong những thiết bị tiêu tốn năng lượng nhất trong MTXT và thiết bị di động nói chung. Nên nếu bỏ ổ quang ra, MTXT có thể tăng đáng kể thời lượng vận hành của pin và máy nhẹ hơn.

Tốc độ không còn đủ nhanh 

Việc đọc dữ liệu từ những ổ SSD hay ổ cứng truyền thống nhanh hơn nhiều lần so với ổ CD/DVD. Dĩ nhiên khoảng cách này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như loại đĩa, tốc độ của ổ nhưng mặt bằng chung về hiệu năng truyền dữ liệu của ổ quang thua xa các loại hình ổ từ hay ổ thể rắn. Điều này khiến cho ổ quang như DVD không còn là lựa chọn lý tưởng để lưu các dữ liệu cỡ lớn như nhiều năm trước đây. Bạn sẽ phải chờ vài chục phút để chép vài GB dữ liệu từ đĩa DVD vào ổ cứng (thậm chí lâu hơn nếu làm ngược lại) trong khi bạn chỉ mất vài phút, thậm chí vài chục giây với các loại ổ cứng. 

Đĩa quang – đã trở nên cồng kềnh 

Một trong những lý do chính khiến nhiều người dùng cảm thấy chán chường ổ quang chính là những chiếc đĩa quang hiện trở nên rất cồng kềnh. Chúng lưu được lượng dữ liệu không nhiều hơn USB Flash trong khi lại tốn nhiều chỗ hơn trên bàn làm việc của bạn. Trong khi các loại USB Flash đã vượt ngưỡng trung bình 16-32GB thì DVD vẫn kẹt cứng với mức trung bình 4,7 GB nhiều năm qua. Một số loại đĩa Dual Layers có mức lưu trữ gấp đôi nhưng vẫn chưa đủ đáp ứng nhiều nhu cầu hiện tại trong khi giá thành lại cao. Ngược lại, giá ổ cứng lắp ngoài, USB Flash và nhiều loại hình lưu trữ khác lại ngày càng rẻ đi nhiều. Chúng không yêu cầu bảo quản và cũng không "nhạy cảm" với trầy xước như đĩa quang. 

Độ tiện dụng 

Có lẽ lý do lớn nhất khiến người dùng và các nhà sản xuất mong muốn chuyển đối chính là sự tiện dụng. Trong khi bạn có thể tìm kiếm phim và truy xuất thông tin từ Internet với tốc độ cực nhanh cũng như chuyển tiếp dữ liệu cho người khác rất tiện lợi chỉ với USB Flash thì việc ghi đĩa, lưu trữ đĩa, tìm kiếm đĩa và nhiều thao tác sẽ nhanh chóng làm nản lòng những người dùng kiên trì nhất.

Sẽ thế nào nếu không còn ổ quang?

Lấy nguồn dữ liệu từ đâu?

 
Bluray – "hậu duệ" cuối cùng của dòng họ ổ quang?
Nếu như trước đây, hầu hết các gói phần mềm quan trọng đều được phân phối qua đĩa CD hay DVD thì giờ đây xu hướng này đã bắt đầu có những sự thay đổi. Điển hình như việc Apple quyết định cung cấp hệ điều hành phiên bản tiếp theo (tên mã Lion) dưới dạng bản tải xuống từ Mac App Store thay vì bán đĩa ra như trước. Trong khi đó, những chiếc Macbook Air của hãng đã có kèm bộ "Recovery" trong các thanh nhớ USB Flash thay vì dùng đĩa DVD.

Đáng chú ý, nhiều nguồn tin cũng cho biết những bản bán lẻ của OS X Lion trong giai đoạn tới sẽ được tung ra ngay trên bộ nhớ Flash, không phải trên đĩa quang. Bản thân các hệ thiết bị gia dụng hay giải trí như Xbox 360, Playstation 3 cũng có sẵn ổ cứng – thậm chí cho người dùng chép toàn bộ dữ liệu vào đó và đĩa quang chỉ đóng vai trò như một hình thức xác nhận bản quyền nội dung mà thôi. Trong khi đó, đối với nhiều người dùng máy tính, thói quen tải những thứ mình cần đã dần thay thế việc ra ngoài các cửa hàng và mua đĩa CD/DVD bất kể đó là vài bản nhạc MP3, những đoạn phim hay ứng dụng/game. Sự bùng nổ của các dịch vụ cho thuê phim ảnh trực tuyến và lưu trữ điện toán đám mây cũng khiến cho nhu cầu về đĩa quang sụt giảm đáng kể.

Ổ cứng lắp ngoài – một trong những "sát thủ" ổ quang

Chia sẻ dữ liệu 
 
Đối với nhu cầu chia sẻ dữ liệu, ưu thế của các loại bộ nhớ flash và ổ cứng lắp ngoài càng tỏ rõ. Trong khi với những tập tin nhỏ, bạn dễ dàng chia sẻ qua internet hoặc bút USB (vốn ngày càng có dung lượng lớn và tốc độ cao hơn) thì việc chép dữ liệu cỡ lớn (hàng chục GB) khiến cho đĩa DVD trở nên chẳng khác gì … đĩa mềm trước đây. Trong trường hợp này, ổ cứng lắp ngoài với các chuẩn giao tiếp tiên tiến như USB 3.0 hay Thunderbolt dễ dàng khiến CD/DVD trở nên lép vế. Ngay cả với USB 2.0, sự tiện dụng và tốc độ cũng tốt và mất ít thời gian hơn so với việc bạn phải ghi đĩa và chuyển sang máy khác. 

Lưu trữ dữ liệu 

Một số tham khảo ý kiến của các nhân viên kinh doanh từ những doanh nghiệp phân phối máy tính tại Việt Nam cũng như người dùng cho thấy đại đa số đều nhìn nhận ổ quang giống như một giải pháp "phòng hờ" hơn là "phải có" như một vài năm trước đây. Ngoại trừ một số người có đam mê trải nghiệm thử dòng ổ Bluray, ngày càng có nhiều khách hàng hứng thú với việc dành khoản chi phí mà họ dự định mua ổ quang cho việc tăng thêm RAM, mở rộng ổ cứng hoặc thay thế một thành phần nào khác cho "xịn" hơn.
Lấy một ví dụ nhỏ, bạn ghi khoảng 100GB dữ liệu ra ổ cứng 2,5" lắp ngoài và một chồng DVD, bạn sẽ thấy ngay lý do tại sao các loại đĩa quang đang dần mất đi chỗ đứng trên thị trường. Việc lưu trữ và bảo quản ổ cứng hiện tại dễ dàng và thuận tiện hơn rất nhiều so với trước đây. Chúng cũng bền và không bị ảnh hưởng bởi những yếu tố nguy hại "thông dụng" như ẩm mốc, nhiệt độ hay trầy xước. Không hiếm trường hợp sau vài tháng lưu trữ, chồng đĩa quang của bạn trở nên "tưng tửng" và rất khó đọc, thậm chí trên chính đầu đĩa đã ghi ra chúng. Tình huống này rất ít khi xảy ra với đĩa cứng hay đặc biệt là các loại bộ nhớ Flash vốn có khả năng chịu chấn động cực tốt.

Tương lai nào cho đĩa quang?

Thực tế, mặc dù vẫn trên con đường xuống dốc nhưng việc ổ quang hoàn toàn tuyệt chủng cũng chưa thể xảy ra "một sớm một chiều". Một số ý kiến cho rằng trong tình hình hiện tại, những ưu thế cơ bản của đĩa quang vẫn đủ sức hấp dẫn người dùng, điển hình như mức giá đặc biệt rẻ của các đĩa DVD-R/+R, tính năng bảo toàn dữ liệu đã được ghi phù hợp cho việc phân phối nội dung không cho phép người dùng thay đổi dữ liệu, khả năng lưu trữ hỗ trợ cho các ổ cứng SSD đắt đỏ, dễ tiêu hủy hay tái sinh hơn so với ổ Flash hay ổ cứng từ...

Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm điện tử hiện tại với ổ quang sẽ vẫn duy trì nhu cầu đĩa quang từ phía người dùng, ít nhất là trong tương lai gần như đầu đĩa gia dụng, hệ thống giải trí xe hơi… Một số nhà sản xuất cũng có xu hướng tạo ra những sản phẩm đĩa quang với mục đích riêng như độ bền siêu cao (có thể lưu dữ liệu hàng trăm năm) hay dung lượng cực lớn lên tới 128GB/đĩa (điển hình là đĩa Bluray 4 lớp)… Tất cả những "món" này đều có tiềm năng kéo dài tuổi thọ cho công nghệ đĩa quang thêm một thời gian nữa. 

Mặc dù vậy, có thể thấy rằng việc loại bỏ ổ DVD khỏi các sản phẩm của Apple cũng không hề sai lầm. Thực tế, xu hướng "hết thời" của ổ quang đã được nhiều nhà sản xuất nhận ra ngay từ khi những chiếc netbook đầu tiên ra lò. Nhiều hãng hiện cũng cung cấp các giải pháp ổ quang như lựa chọn bổ sung song song với hệ thống ổ cứng kép hoặc bán riêng hẳn thành ổ lắp ngoài. Điều này khiến cho việc chọn mua hàng của người dùng sẽ linh hoạt hơn rất nhiều.

Dĩ nhiên, không ít người dùng cho rằng giờ đây là quá sớm để nói lời tạm biệt với đĩa quang. Tuy nhiên thực tế lịch sử cho thấy đây không phải là lần đầu tiên Apple có quyết định táo bạo như vậy. Ngay từ 1998, hãng đã loại bỏ hẳn đĩa mềm ra khỏi các máy tính iMac. Trong khi đó phải tới 2003, Dell mới có động thái tương tự. Thực tế hiện tại đĩa mềm đã gần như… tuyệt chủng. Điều này hoàn toàn có khả năng lặp lại với đĩa quang chỉ trong vài năm tới. Bản thân Google cũng thiết kế các dòng máy Chromebook của mình vận hành hoàn toàn nhờ kênh dữ liệu trực tuyến.