Tăng giá xăng dầu khởi đầu cho cơn "bão" giá cả?

Cuối cùng thì Liên bộ Tài chính - Công thương cũng đã quyết định điều chỉnh giá xăng dầu. Vẫn biết, với diễn biến giá xăng dầu trên thế giới tăng cao liên tục và đã gần chạm ngưỡng 100 USD/thùng thì việc tăng giá chắc chắn sẽ diễn ra.

Tuy nhiên, quyết định điều chỉnh cả giá xăng và giá dầu với biên độ lớn như ngày hôm nay (22/11) khiến không ít người bất ngờ. Điều lo ngại lúc này là giá cả tiêu dùng tiếp tục tăng mạnh hơn nữa.

Không còn đường lùi

Trao đổi với báo chí về lý do tăng giá, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Tá cho rằng: Nếu trước đây chúng ta nói khi bị "dồn đến chân tường" mới tăng giá thì thực tế hiện nay thậm chí đã ở mức "quá" chân tường. Chúng ta buộc phải tăng giá và quyết định này được đưa ra khi đã tính toán rất kỹ các tác động để có từng mức điều chỉnh phù hợp nhất.

Số liệu mà Bộ Tài chính công bố cho biết, từ đầu tháng 10/2007, giá dầu thô trên thị trường thế giới tiếp tục tăng mạnh trở lại. Giá dầu thô bình quân của tháng 10/2007 là 85,56 USD/thùng thì những ngày đầu tháng 11 đã lên mức 95,47 USD/thùng, tăng 61% so với cùng kỳ năm 2006 và tăng 71% so với tháng 1/2007. Đây là mức tăng giá cao nhất từ trước đến nay.

Tuy giá xăng dầu thế giới tăng, nhưng để bình ổn giá trong nước, Chính phủ đã chủ trương bình ổn giá xăng dầu, trước hết là không tăng giá từ tháng 8 đến nay và hạ thuế nhập khẩu xuống 0%. Với mức giá duy trì trước đây thì trung bình giá xăng đã lỗ 1.900 đồng/lít, diezen lỗ 3.846 đồng/lít, dầu hỏa lỗ 4.165 đồng/lít. Với mức lỗ này nếu không điều chỉnh thì chỉ trong 2 tháng cuối năm sẽ phải bù lỗ cho dầu 6.000 tỷ đồng và dự kiến cả năm lên 12.300 tỷ đồng và bù lỗ kinh doanh xăng là 1.100 tỷ đồng.

hopbao.jpg

Tăng giá xăng dầu, bước đi quyết định để tiến tới thực hiện theo giá thị trường. (Ảnh: Phước Hà)

Ông Trần Văn Tá cho biết, mặc dù đang lỗ rất lớn như trên nhưng các DN mới chỉ được cho tạm ứng khoảng 2.000 tỷ đồng, số còn lại phải đi vay ngân hàng để đủ vốn quay vòng kinh doanh. Điều này khiến cho các DN gặp nhiều khó khăn. Trong khi nước ta vẫn đang cố giữ giá xăng thì giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng, các nước OPEC đã cho rằng mức dầu thô 100 USD/thùng là hợp lý. Các nước tiêu thụ xăng dầu như Trung Quốc, Nhật Bản... đều tăng giá xăng dầu 5 - 10%.

Ông Tá cho rằng, việc bình ổn giá trong nước là cần thiết. Tuy nhiên, trong điều kiện hội nhập kinh tế Việt Nam phải chấp nhận và thích ứng với mặt bằng giá thế giới tăng cao. Chúng ta không thể và cũng không có khả năng giữ hệ thống biệt lập giá với thị trường thế giới, nhất là với các nước có chung đường biên.

Nếu cứ giữ mãi cách điều hành giá "mua cao, bán thấp" và thực hiện hỗ trợ tài chính thông qua bù giá thì nền kinh tế sẽ gánh chịu nhiều hậu quả như làm "méo mó" hệ thống giá trong nước, tạo tâm lý ỷ lại và không có thói quen thích ứng và điều chỉnh theo biến động giá thế giới cho người tiêu dùng. Nhà nước vẫn phải cấp ngân sách bù lỗ nhưng xăng dầu lại bị buôn lậu qua biên giới, một phần lớn xăng dầu bù giá cho các DN đầu tư nước ngoài nhưng sản phẩm làm ra lại bán theo giá thị trường... Vì thế, thực hiện điều chỉnh một bước giá các loại dầu, tiến tới giảm bù lỗ và trao quyền cho DN định đoạt là bước đi hợp lý.

Giá cả các mặt hàng bị tác động ra sao?

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú khẳng định, điều chỉnh giá lần này là cần thiết và được tính toán phù hợp. Lần điều chỉnh này về giá xăng giao cho DN tự quyết định theo Nghị định 55 với mức trần không quá 1.700 đồng/lít. Nhà nước điều chỉnh giá dầu và thuế nhập khẩu một cách phù hợp. Việc điều chỉnh giá xăng dầu phải đảm bảo hài hòa lợi ích, làm sao người tiêu dùng không phải chịu giá quá cao; DN có lãi hợp lý để tái đầu tư; đồng thời giảm khó khăn cho ngân sách nhà nước và hạn chế sự tác động bất lợi đến sản xuất và đời sống.

Tuy nhiên, xăng dầu luôn là một mặt hàng quan trọng và có tác động đến nhiều mặt hàng và dịch vụ khác. Vì thế, với mức tăng giá khá cao trong lần này thì việc tác động đến giá cả các mặt hàng khác là tất yếu. Đây có thể sẽ là một nguyên nhân khiến giá cả những tháng cuối năm tăng lên mạnh hơn, vì ngoài chuyện tác động theo dây chuyền, thì không loại trừ yếu tố tâm lý cũng khiến giá cả leo thang mạnh mẽ hơn.

Theo tính toán của Liên bộ Tài chính và Công thương, việc tăng giá xăng dầu lần này sẽ khiến mức tăng giá các mặt hàng từ 0,11 - 10,82%. Cụ thể, điện tăng 5,6%, than tăng 2,2%, thép tăng  1,07%, xi măng tăng 1,82%. Nhóm dịch vụ vận tải tăng từ 3,82 - 5,8%, trong đó, đường bộ tăng 5,17%, đường sắt tăng 3,58% và đường sông tăng cao nhất là 5,8%. Đối với lương thực - thực phẩm tăng từ 0,11 - 1,51%. Trong đó, lúa tăng 1,51%, cà phê tăng 1,57%. Đặc biệt, đánh cá xa bờ tăng 10,82%.

Với mức tăng này, thì riêng việc tăng giá xăng dầu có thể sẽ khiến chỉ số giá tiêu dùng tăng thêm 0,34%. Mức tăng này, cộng thêm mức tăng giá chung của các hàng hóa khác có thể khiến chỉ số giá tháng 12 tăng rất mạnh. Chỉ tiêu tốc độ tăng giá dưới tăng trưởng kinh tế e rằng là rất khó thực hiện.