Hòn đảo bí ẩn trồi lên ngoài khơi Pakistan sau trận động đất mạnh 7,8 độ Richter tấn công nước này hồi tuần trước, hiện đang là một điểm tham quan hấp dẫn đối với khách du lịch và người dân địa phương.
Các hình ảnh chụp từ vệ tinh của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho thấy, hòn đảo mới nhất trên thế giới này có hình dạng tròn, với nhiều vết rạn nứt và tương đối bằng phẳng, trông như một chiếc "bánh bùn". Người dân địa phương đã đặt tên cho hòn đảo làZalzala Koh.
Ảnh chụp vệ tinh của NASA cho thấy đảo Zalzala Koh mới nổi trông như một chiếc "bánh bùn" ngòai khơi Pakistan. (Ảnh: NASA)
Dựa vào ảnh chụp vệ tinh của NASA, các chuyên gia nhận định, hòn đảo trải dài từ 75 - 90 mét và nhô cao trên mặt biển khoảng 15 - 20 mét.
Theo ước tính của nhà địa chất biển Asif Inam thuộc Viện Hải dương học quốc gia Pakistan, đảo Zalzala Koh tọa lạc trên biển ở vị trị cách tỉnh Dalbandin, nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất trong cơn địa chấn vừa qua của Pakistan, hơn 233km về phía đông nam. Mực nước xung quanh đảo chỉ sâu gần 15 - 20 mét.
Bill Barnhart, chuyên gia thuộc Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ, chuyên nghiên cứu về các trận động đất ở Pakistan và Iran, nói thêm rằng, hòn đảo thực sự là một đống hỗn hợp bùn, cát và đá cứng, từ đáy biển bị trồi lên. Cơ chế hình thành đảo có thể diễn ra như sau: khí methane, khí carbon dioxite và các chất lỏng bị chôn vùi dưới đáy biển trong thời gian dài, đã phun lên khi có áp suất cao hoặc gặp chấn động mạnh như động đất, khiến bùn và cát bị đẩy nổi lên trên bề mặt nước.
Các nhà khoa học dự đoán, đảo Zalzala Koh sẽ tồn tại 1 năm trên biển, trước khi chìm xuống.
Tuy nhiên, hiện tại, hòn đảo này đã trở thành một điểm tham quan hấp dẫn đối với khách du lịch và cư dân địa phương. Họ đã dùng tàu, thuyền ghé thăm nơi này bất chấp việc các vết nứt trên đảo tỏa ra khí độc hại và dễ cháy. Bề mặt đảo cũng phủ đầy xác các sinh vật biển, chẳng hạn như cá chết.