"Thâm hụt thương mại là nguy cơ đối với kinh tế VN"

 

Chuyên gia của Ngân hàng Standard Chartered (Anh) đưa ra nhận định này sau chuyến công tác tới Việt Nam mới đây. Standard Chartered cho rằng, nguy cơ này đang song hành cùng mối lo về lạm phát, và cảnh báo nó có thể gây ra khủng hoảng thanh toán cho nền kinh tế.

Theo dự báo của Standard Chartered, năm nay thâm hụt thương mại của Việt Nam sẽ ở mức cao, vào khoảng 25% tổng thu nhập quốc nội (GDP). Song có khả năng tỷ lệ này sẽ được điều chỉnh trong những quý tới.

Riêng trong quý I năm nay, Việt Nam nhập siêu 7,4 tỷ USD, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ là 1,7 tỷ USD. Giá trị xuất khẩu vẫn giữ được mức tăng ổn định, song nhập khẩu đã "nhanh chân" hơn, tăng đến 66%. Kết thúc tháng 4, số liệu của Tổng cục Thống kê (GSO) cho thấy một kỷ lục mới: trong 4 tháng đầu năm, nhập siêu đã đội lên 11,1 tỷ USD.

Một chuyên gia cho hay, lượng ngoại tệ bù đắp cho nhập siêu của Việt Nam hiện phần nhiều được huy động từ kiều hối, vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) cũng như gián tiếp (FII).

Ông Tai Hui, Trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế Đông Nam Á của Standard Chartered, cảnh báo, với mức thâm hụt thương mại lớn cùng với việc dự trữ ngoại hối khiêm tốn (hiện vào khoảng 20-25 tỷ USD), nguy cơ khủng hoảng thanh toán nước ngoài có thể xảy ra, nhất là trong trường hợp dòng vốn đảo chiều.

Trước đó, một số chuyên gia đã đưa ra cảnh báo về việc thâm hụt tài khoản vãng lai. Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, mất khả năng thanh toán quốc tế có thể là một nguy cơ đối với nền kinh tế, nhất là khi nhiều mặt hàng tiêu dùng xa xỉ tiếp tục được nhập khẩu mạnh, trong bối cảnh nhập siêu gia tăng.

Ngân hàng Thế giới (WB), trong báo cáo về kinh tế Đông Á công bố đầu tháng 4 vừa qua, cũng đưa ra khuyến nghị, Việt Nam nên có các kế hoạch dự phòng cho trường hợp dòng vốn đảo chiều.

Theo Standard Chartered, biện pháp lý tưởng để giảm thâm hụt thương mại là tăng xuất khẩu và giúp nền kinh tế bớt phục thuộc vào các mặt hàng nhập khẩu. "Điều này sẽ giúp Việt Nam đi theo các nền kinh tế châu Á khác và đạt thặng dư tài khoản vãng lai lớn", ông Tai Hui cho hay. Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cho rằng, biện pháp này cần có thời gian, trong khi kinh tế Việt Nam lại đang có những thách thức cấp bách.

Standard Chartered phân tích, giá lương thực - thực phẩm trong nước tăng cao sẽ khiến ngành xuất khẩu phải đảm bảo nhu cầu trong nước trước và giảm xuất khẩu các mặt hàng này. Trong khi đó, lượng ngoại tệ thu về từ xuất khẩu dầu thô vẫn chưa bù đắp được lượng phải bỏ ra để nhập dầu tinh chế, do Việt Nam chưa hoàn thành nhà máy lọc dầu nào đi vào hoạt động. Trong quý đầu năm, Việt Nam thâm hụt 200 triệu USD từ xuất - nhập khẩu dầu.

Chuyên gia của ngân hàng này cũng cho rằng, cùng lúc phải kiềm chế lạm phát và giảm thâm hụt thương mại đang đẩy việc điều hành chính sách tỷ giá giữa đôla và tiền đồng vào thế "tiến thoái lưỡng nan". Theo đó, để giải quyết thâm hụt thương mại, cần để VND xuống giá. Đây được coi là một biện pháp mạnh tay và có thể gây nên xáo trộn lớn trong nền kinh tế. Trong khi đó, tỷ lệ lạm phát cao hiện nay lại đòi hỏi đồng nội tệ phải mạnh để kiềm chế hàng nhập khẩu tăng giá.

                        (Theo 24h.com.vn)